24/12/2024

Phân luồng giáo dục không hiệu quả, người lao động chịu thiệt

Phân luồng giáo dục không hiệu quả, người lao động chịu thiệt

Thời gian qua, giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS, THPT có nhiều tiến bộ. Song, công tác này chưa đáp ứng yêu cầu, kết quả đạt được của các địa phương còn khoảng cách lớn so với mục tiêu đặt ra.

 

Thực trạng lao động đòi hỏi phân luồng cao

Phân luồng giáo dục không hiệu quả, người lao động chịu thiệt - ảnh 1
Sinh viên thực hành pha chế của nghề nhà hàng khách sạn tại một trường cao đẳng  MỸ QUYÊN

Sự di cư của lao động nông thôn ra thành thị gây ra tình trạng thiếu việc làm cho thành thị và thiếu lao động có chuyên môn kỹ thuật ở nông thôn. Tỷ lệ thất nghiệp của người di cư năm 2020 khoảng 9,82%, cao hơn 4,4 lần so với tỷ lệ thất nghiệp chung của lao động từ 15 tuổi trở lên (2,25%). Trong tình hình dịch bệnh và làn sóng chuyển đổi số của doanh nghiệp, người lao động không có chuyên môn kỹ thuật trở thành yếu thế và thất nghiệp cao.

Lao động không có chuyên môn kỹ thuật chiếm tỷ lệ cao ở các vùng kinh tế, như vùng núi phía bắc, Tây nguyên và nhất là đồng bằng sông Cửu Long.

Theo các chuyên gia về lao động và việc làm, mỗi năm bổ sung khoảng 500.000 người lao động không có chuyên môn kỹ thuật, bao gồm các nguồn như: học sinh (HS) tốt nghiệp THCS, THPT tham gia lao động; HS bỏ học ở trung học, bỏ học ở các trường trung cấp, cao đẳng nghề và sinh viên đại học thôi học giữa chừng, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự.

 

Bất cập trong công tác hướng nghiệp, phân luồng

Người lao động có bằng, chứng chỉ nghề nhưng năng lực chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, khó tìm việc làm, thu nhập chưa đảm bảo cuộc sống và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Công tác giáo dục hướng nghiệp tại một số nơi chưa được quan tâm đúng mức, thường xuyên, đồng bộ; nội dung, phương pháp còn đơn giản, chưa thích ứng kịp với sự phát triển và nhu cầu của xã hội, thông tin về thị trường lao động đến HS còn ít. Trường học thiếu GV hướng nghiệp, thiếu xưởng trường, vườn trường, phòng thiết bị công nghệ… nên hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp khó khăn, chủ yếu cho HS học nghề phổ thông hoặc phối hợp với các trường ĐH, CĐ về tư vấn tuyển sinh.

Liên kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và người sử dụng lao động còn thiếu sự gắn kết; chưa có chế tài đào tạo theo địa chỉ, đặt hàng của nhà nước hoặc doanh nghiệp nên chưa thu hút HS tham gia học nghề. Sự phối hợp giữa trường nghề và các trung tâm GDNN-GDTX khó khăn; trường nghề chưa được phép dạy văn hóa để HS thi tốt nghiệp THPT, trong khi Bộ GD-ĐTchưa ban hành thông tư hướng dẫn hoạt động trung tâm GDNN-GDTX.

Tâm lý của đại bộ phận người dân vẫn coi trọng bằng cấp, trường THCS, THPT chú trọng thành tích HS vào lớp 10 THPT, vào ĐH, chưa quan tâm đúng mức đến bộ phận không đỗ THPT và ĐH; tỷ lệ HS chọn ngành, chọn nghề chưa đúng sở trường, năng lực của bản thân, chưa phù hợp với yêu cầu, xu thế phát triển nghề nghiệp của xã hội còn rất cao; sinh viên tốt nghiệp ĐH không tìm được việc làm còn nhiều, tình trạng thừa thầy thiếu thợ trong xã hội vẫn phổ biến.

 

Thay đổi quan niệm để dễ dàng chuyển đổi công việc

Cần đổi mới công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức rằng người lao động trong xã hội ngày nay không chỉ biết một nghề mà nhiều nghề để dễ dàng chuyển đổi việc. Quan niệm rằng “học dở mới học cao đẳng, trung cấp” đã lỗi thời. GDNN đi theo con đường đào tạo kỹ năng nghề với thời lượng thực hành cao, học viên ra trường giỏi tay nghề, dễ nắm bắt công việc nên rất được doanh nghiệp ưa chuộng, nhu cầu tuyển người cao.

Thực hiện thông tin đầy đủ về nhu cầu và sự cần thiết của lao động có tay nghề thông qua phần mềm tư vấn hướng nghiệp trực tuyến.

Nâng cao chất lượng dạy nghề đối với các trường nghề và các trung tâm GDNN-GDTX, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của địa phương và của các ngành kinh tế, đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn và số lao động về quê sinh sống do đại dịch.

Xây dựng hệ thống cơ quan làm công tác dự báo nhu cầu nhân lực, nhu cầu đào tạo quốc gia, cơ cấu trình độ đào tạo theo vùng miền, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

 

Kết quả phân luồng còn xa với chỉ tiêu

Cho đến nay, hầu hết địa phương trong cả nước ban hành kế hoạch thực hiện Quyết định số 522/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng HS trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 – 2025”. Các địa phương đã lấy chỉ tiêu quốc gia làm chỉ tiêu của địa phương mình. Theo đó, đến năm 2025, HS tốt nghiệp THCS học sơ cấp, trung cấp nghề là 40% (vùng khó khăn là 30%), 40% HS tốt nghiệp THPT học cao đẳng nghề (vùng khó khăn là 35%).

Tuy vậy, kết quả đạt được về phân luồng ở các địa phương vẫn thấp. Trên phạm vi toàn quốc có khoảng 75 – 85% HS tốt nghiệp THCS vào học THPT (công lập và tư thục), gần 10% học ở các trung tâm GDNN-GDTX, 10% tham gia học sơ cấp, trung cấp nghề và 7% trực tiếp tham gia lao động.

Với TP.HCM, có nhiều tiến bộ trong công tác phân luồng sau THCS, tỷ lệ HS vào THPT ngày càng giảm: năm 2014, tỷ lệ HS tốt nghiệp THCS học lớp 10 THPT đạt 86,03%, năm 2015 đạt 81,09%, năm 2019 đạt 76,85%, có gần 10.000 HS tốt nghiệp THCS lựa chọn theo học sơ cấp và trung cấp nghề.

 

HỒ SỸ ANH

TNO