24/01/2025

HĐND TP.HCM thống nhất xây dựng vành đai 3 với gần 24.000 tỉ đồng

HĐND TP.HCM thống nhất xây dựng vành đai 3 với gần 24.000 tỉ đồng

Chiều 7-4, tại kỳ họp thứ 5, HĐND TP.HCM khoá X đã thông qua nghị quyết thống nhất chủ trương triển khai dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3 TP.HCM.

 

 

HĐND TP.HCM thống nhất xây dựng vành đai 3 với gần 24.000 tỉ đồng - Ảnh 1.

Tuyến đường vành đai 3 (TP Thủ Đức) nối tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành – Ảnh: TỰ TRUNG

Theo đó, HĐND TP.HCM khóa X đã thống nhất triển khai dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3 theo nội dung dự án tại tờ trình số 864/TTr-UBND của UBND TP.

Đồng thời, thống nhất đảm bảo cân đối đủ vốn ngân sách TP để thực hiện dự án. Trong trường hợp tổng mức đầu tư dự án thành phần có điều chỉnh tăng thì phần vốn tăng thêm sẽ bố trí từ nguồn ngân sách TP.

HĐND TP.HCM cũng giao UBND TP khẩn trương hoàn thiện hồ sơ báo cáo Chính phủ trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.

Đồng thời chỉ đạo UBND TP Thủ Đức, huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi khẩn trương xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư; đảm bảo tiến độ bàn giao mặt bằng toàn dự án vào quý 2-2024.

HĐND cũng lưu ý cần quan tâm đảm bảo cuộc sống người dân sau tái định cư, đảm bảo nơi ở mới phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ…

HĐND TP.HCM thống nhất xây dựng vành đai 3 với gần 24.000 tỉ đồng - Ảnh 2.

Các đại biểu HĐND TP biểu quyết thông qua nghị quyết – Ảnh: TỰ TRUNG

Trước đó, UBND TP.HCM có tờ trình HĐND số 864/TTr-UBND. Theo đó, dự án vành đai 3 thuộc nhóm dự án quan trọng quốc gia. Cấp quyết định chủ trương đầu tư là Quốc hội. UBND TP.HCM là cơ quan chuẩn bị dự án.

Đường vành đai 3 thực hiện trên địa bàn TP.HCM, tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Long An với chiều dài hơn 76km, gồm 4 làn xe cao tốc hạn chế, đường song hành mỗi bên từ 2-3 làn xe. Dự án được phân chia thành 8 dự án thành phần và giao các địa phương tổ chức thực hiện.

Dự án có hình thức đầu tư công từ nguồn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, tổng mức đầu tư là gần 75.400 tỉ đồng. Trong đó, từ ngân sách TP hơn 24.000 tỉ đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2022 đến năm 2027, dự kiến khởi công từ quý 4-2023.

HĐND TP khóa X cũng đã chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án đầu tư trên.

Diện tích rừng bị ảnh hưởng gồm 12 lô thuộc địa bàn xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh với 16,82ha. Trong đó diện tích có rừng 16,8ha, diện tích không có rừng 0,02ha.

Cũng tại kỳ họp, HĐND TP.HCM khóa X đã phê duyệt chủ trương đầu tư tăng cường khả năng tiếp cận và tổ chức kết nối các tuyến xe buýt với nhà ga thuộc tuyến đường sắt đô thị số 1 (tuyến Bến Thành – Suối Tiên).

Về quy mô, đầu tư các hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho các tuyến xe buýt, các trạm dừng đỗ xe buýt xung quanh các nhà ga trung chuyển hành khách gồm ga Văn Thánh, ga Tân Cảng, ga Thảo Điền, ga An Phú, ga Rạch Chiếc, ga Phước Long, ga Bình Thái, ga Thủ Đức, ga Khu công nghệ cao, ga Đại học Quốc gia, ga bến xe Suối Tiên.

Đồng thời, cải tạo vỉa hè đường song hành và xa lộ Hà Nội, tăng cường khả năng tiếp cận cho hành khách đi bộ tiếp cận các nhà ga.

Tổ chức mạng lưới xe buýt kết nối với tuyến metro số 1 trên cơ sở tái cấu trúc tuyến xe buýt hiện hữu và mở các tuyến xe buýt mới dọc hành lang xa lộ Hà Nội.

Đây là dự án nhóm B với tổng mức đầu tư dự án gần 94 tỉ, thực hiện từ năm 2022 đến 2024.

TIẾN LONG – THẢO LÊ
TTO