23/01/2025

Phép thử cho đường lối chính trị độc lập và thực tế

Phép thử cho đường lối chính trị độc lập và thực tế

Có một thông điệp chung từ kết quả hai cuộc bầu cử ở châu Âu hôm chủ nhật vừa qua trên nền cuộc khủng hoảng Ukraine.

 

 

Phép thử cho đường lối chính trị độc lập và thực tế - Ảnh 1.

Các cử tri Hungary trong những trang phục truyền thống tham gia bỏ phiếu tại Veresegyhaz, Hungary hôm 3-4 – Ảnh: Reuters

Tại Serbia, Tổng thống Aleksandar Vucic đã tái đắc cử ngay vòng một với 59,55% phiếu bầu. Tại cuộc bầu cử Quốc hội Hungary, liên minh Đảng Fidesz cầm quyền do Thủ tướng đương nhiệm Viktor Orban lãnh đạo đã giành chiến thắng vang dội với hơn 67% phiếu, đảm bảo cho liên minh của ông Orban lần thứ ba liên tiếp có đa số ghế trong quốc hội.

Quan sát các cuộc vận động tranh cử và đường lối chính trị của đảng lãnh đạo ở hai đất nước, sẽ thấy nỗ lực của Serbia và Hungary giữ thế cân bằng trong quan hệ giữa Nga với EU.

Ông Orban nói với những người ủng hộ rằng chỉ có chính phủ của ông mới có thể đảm bảo an ninh cho Hungary, trong khi phe đối lập “sẽ kéo đất nước vào một cuộc đối đầu quân sự”.

Theo ông, cuộc xung đột vũ trang ở Ukraine “đã thay đổi mọi thứ, kể cả chiến dịch tranh cử”. Trong những năm qua, ông Orban nổi tiếng là nhà lãnh đạo có quan hệ thân thiết với Tổng thống Nga Putin và cứng rắn với nước láng giềng Ukraine.

Khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vài tuần trước bầu cử, Thủ tướng Orban đã thay đổi đường lối, gửi tín hiệu đến cử tri rằng việc không thân cả Nga lẫn Ukraine “sẽ có lợi cho Budapest”.

Và dù khẳng định với Kiev “trái tim chúng tôi ở bên các bạn”, ông Orban vẫn nói “người Ukraine không thể yêu cầu chúng tôi giúp đỡ theo cách sẽ làm chúng tôi phá sản”. Trước đó, Tổng thống Ukraine đã yêu cầu Hungary cho phép Ukraine nhận vũ khí qua lãnh thổ nước này, đồng thời chấm dứt mua dầu và khí đốt của Nga nhưng ông Orban không đồng ý.

Trước thềm bầu cử, ông Orban cáo buộc phe đối lập đã thỏa thuận với Chính phủ Ukraine sẵn sàng cung cấp vũ khí cho Kiev và ủng hộ các lệnh trừng phạt năng lượng với Nga nếu họ lên nắm quyền. Tuy nhiên, phe đối lập nói những tuyên bố này là “tuyên truyền”.

Trong khi đó, tại Serbia, Tổng thống Aleksandar Vucic cũng duy trì quan hệ chặt chẽ với cả EU và Nga. Ban đầu im lặng về cuộc khủng hoảng Ukraine, sau đó Belgrade ủng hộ nghị quyết của Liên Hiệp Quốc lên án Nga, nhưng từ chối tham gia các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Trong khi EU nói rõ họ mong đợi Serbia tuân thủ đường lối của Brussels về các biện pháp trừng phạt và chính sách đối ngoại nói chung, Serbia vẫn không ủng hộ cấm vận năng lượng với Nga.

Một cuộc thăm dò trước bầu cử ở Serbia cho thấy 50% số người được hỏi ủng hộ việc giữ thái độ trung lập trong vấn đề Ukraine, ngay cả khi lập trường như vậy sẽ dẫn đến các lệnh trừng phạt như Serbia đã từng chịu đựng trong những cuộc chiến tranh Balkan thập niên 1990.

Đặc biệt, không thể bỏ qua nhân tố khí đốt trong thắng lợi của hai ông Aleksandar Vucic và Viktor Orban. Hợp đồng cung cấp khí đốt của Nga cho Serbia hết hạn vào cuối năm 2021, nhưng tháng 11-2021, ông Vucic đã đồng ý với ông Putin duy trì mức giá 270 USD/1.000m3 trong nửa đầu năm 2022.

Với giá gas thị trường châu Âu hiện nay trên 1.200 USD/1.000m3, mức giá khó tin nói trên đã giải thích phần nào thắng lợi giòn giã của ông Vucic.

Tương tự, tháng 9-2021 Gazprom đã ký với Công ty MVM CEEnergy của Hungary hai hợp đồng dài hạn với mức giá khí đốt hiện đang thấp hơn giá thị trường năm lần.

Thắng lợi của hai đảng cầm quyền trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua cho thấy trong điều kiện quan hệ quốc tế đầy thử thách hiện nay, việc đặt lợi ích của đất nước làm kim chỉ nam hành động đã giúp các đảng cầm quyền Hungary và Serbia trụ vững quyền lực. Kết quả khả quan của hai cuộc bầu cử là phép thử cho đường lối chính trị độc lập và thực tế.

DUY VĂN
TTO