23/01/2025

Những ngành học thú vị và cơ hội việc làm lớn

Những ngành học thú vị và cơ hội việc làm lớn

Nhắc đến cơ hội việc làm khối ngành khoa học xã hội, các chuyên gia cho biết có ngành học rất thú vị và cơ hội việc làm lớn do nhu cầu tuyển dụng cao.

 

 

Những thông tin hữu ích này được các chuyên gia chia sẻ trong chương trình tư vấn trực tuyến với chủ đề “Cơ hội việc làm khối ngành khoa học xã hội – giáo dục” chiều 5.4, được phát tại các địa chỉ thanhnien.vn, Fanpage Facebook, YouTube, TikTok Báo Thanh Niên.

Những ngành học thú vị và cơ hội việc làm lớn - ảnh 1
Các chuyên gia cung cấp nhiều thông tin thú vị về khối ngành khoa học xã hội – giáo dục trong chương trình tư vấn trực tuyến tại Báo Thanh Niên chiều 5.4   ĐÀO NGỌC THẠCH

Nhiều sự lựa chọn

Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, thông tin theo số liệu thống kê năm 2021, trong 24 lĩnh vực theo danh mục đào tạo thì khối ngành khoa học xã hội (KHXH) và hành vi đứng vị trí thứ 5 với 29.100 chỉ tiêu nhưng 247.000 nguyện vọng đăng ký nên tỷ lệ chọi tương đối cao.

Cũng thông tin đây là nhóm ngành được thí sinh (TS) quan tâm rất nhiều và có nhu cầu tuyển dụng cao, thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM, nhìn nhận: “KHXH là nhóm ngành cơ bản không thể thiếu, nghiên cứu định hướng phát triển cho xã hội. Có những ngành theo hướng ứng dụng và cũng có ngành nghiên cứu hàn lâm”.

Thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương, Phó trưởng phòng Truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết hiện nay, bất cứ lĩnh vực nào có sự can thiệp của khoa học và công nghệ thì chắc chắn là rất cần và thậm chí cần rất lớn nhân lực làm trong lĩnh vực nhân văn. Nên nếu TS học KHXH mà có khả năng viết lách, có những yếu tố về cảm xúc thì cơ hội việc làm sẽ rất lớn.

Thạc sĩ Phương cũng cho biết xu hướng chọn khối ngành này hiện nay của TS có 2 hướng: một là chọn những ngành mang tính KHXH cụ thể như ngôn ngữ học, xã hội học. Cũng có xu hướng chọn các ngành mang tính liên ngành như trong lĩnh vực quan hệ công chúng cũng sẽ áp dụng nhiều vấn đề về KHXH.

 

Công việc không bị bó hẹp

Thạc sĩ – kiến trúc sư Từ Phú Đức, Trưởng khoa Thiết kế và nghệ thuật Trường ĐH Hoa Sen, nhận định: “Đây là khối ngành nghiên cứu về con người nên phạm vi cực kỳ rộng, bao gồm môi trường sống, môi trường tương tác, giao tiếp giữa con người với con người. Khối ngành này cũng bao gồm các ngành rộng và có tính chất liên ngành. Chính vì thế khi tốt nghiệp, người học có thể làm được rất nhiều công việc khác nhau chứ không chỉ bó hẹp trong một chuyên môn nhất định. Đây chính là lợi thế của sinh viên khối ngành này so với sinh viên khối kỹ thuật công nghệ hay một số khối ngành khác”.

Để chứng minh thêm, thạc sĩ Đỗ Hồng Quân, giảng viên Khoa Xã hội học – Công tác xã hội Trường ĐH Mở TP.HCM, lấy ví dụ sinh viên ngành Đông Nam Á học được học rất nhiều kiến thức về kinh tế, chính trị, văn hóa của khu vực này, nên khi tốt nghiệp sinh viên sẽ làm ở những mảng công việc như chuyên viên phụ trách các mảng liên quan về văn hóa, du lịch, đối ngoại, các tổ chức đoàn thể, làm nhân viên kinh doanh, hướng dẫn viên, làm cho các công ty ở Việt Nam lẫn Đông Nam Á.

 

Chỉ tiêu ít, không đủ đáp ứng nhu cầu

Tiến sĩ Trần Thiện Lưu, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho rằng sự quan tâm của TS dành cho khối ngành KHXH hành vi khá thấp, chỉ tiêu cho khối ngành này cũng còn ít. Chẳng hạn năm 2021 nhóm ngành KHXH hành vi chỉ chiếm 5,3%, nhóm nhân văn là 7,9%. Nguồn nhân lực vì thế không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường.

“Tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, năm 2022 có tuyển sinh các ngành thuộc khối KHXH và nhân văn gồm tiếng Việt và văn hóa Việt Nam, ngôn ngữ Anh, ngôn ngữ Trung Quốc, quan hệ quốc tế, tâm lý học, Đông phương học, Việt Nam học, truyền thông đa phương tiện và quan hệ quốc tế. Chỉ tiêu dự kiến của các ngành này chỉ khoảng hơn 800”, tiến sĩ Lưu thông tin thêm.

Theo tiến sĩ Lưu, thế giới đang trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, máy móc đang dần thay thế con người, thời gian cho giao tiếp và hoạt động thiết yếu có xu hướng giảm nên việc nghiên cứu để giải quyết các vấn đề về yếu tố con người trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

Thạc sĩ Đỗ Hồng Quân cũng cho rằng đi cùng với sự phát triển của xã hội, khoa học thì những vấn đề của xã hội, tâm lý sẽ xuất hiện. Một minh chứng điển hình là đại dịch Covid-19 vừa qua, những kiến thức của khối ngành KHXH hành vi là cực kỳ cần thiết. Trong đó, ngành công tác xã hội và tâm lý học đóng vai trò trung tâm chữa lành những vết thương tâm lý do Covid-19 gây ra.

Ý KIẾN

Ảnh

Tiến sĩ Trần Thiện Lưu: “Chỉ tiêu cho khối ngành này cũng còn ít. Chẳng hạn năm 2021 nhóm ngành KHXH hành vi chỉ chiếm 5,3%, nhóm nhân văn là 7,9%. Nguồn nhân lực vì thế không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường”.

ẢnhThạc sĩ – kiến trúc sư Từ Phú Đức: “Đây là khối ngành nghiên cứu về con người nên phạm vi cực kỳ rộng, bao gồm môi trường sống, môi trường tương tác, giao tiếp giữa con người với con người”.

ẢnhThạc sĩ Đỗ Hồng Quân: “Đây chính là khối ngành giúp chúng ta có thể sống trong một thế giới luôn thay đổi không ngừng”.

NỮ VƯƠNG – MỶ QUYÊN

TNO