23/12/2024

‘Ngày đó tôi suýt nhảy lầu’…

‘Ngày đó tôi suýt nhảy lầu’…

Dưới đây là tâm sự của anh Lê Thái Lâm, 35 tuổi, hiện cư ngụ tại phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức, TP.HCM, về cú sốc đầu đời thời học sinh khiến anh đã từng nghĩ tới cái chết.

 

Ngày đó tôi suýt nhảy lầu... - Ảnh 1.

Cô Nguyễn Phương Thảo Vy, cử nhân tâm lý, tư vấn tâm lý cho học sinh lớp 9 Trường THCS Lý Phong, quận 5, TP.HCM, tại phòng tư vấn tâm lý của trường. Đây là nơi học sinh có thể nhờ chuyên gia tư vấn về các vấn đề tâm lý – Ảnh: NHƯ HÙNG

Anh Lê Thái Lâm đã tốt nghiệp Trường cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng ngành điện công nghiệp và hiện là thợ sửa điện, nước tự do.

 

Chuyện của người trong cuộc

Ba má tôi ly hôn nên tôi ở với má từ nhỏ. Khi tôi đang học THCS thì nhỏ em bị bệnh nặng, má tôi phải đưa em về quê chữa trị. Không muốn nghỉ học nên tôi bám trụ tại TP Vũng Tàu dù chỉ có một mình, khi thì ở nhà người quen, khi thì xin vô chùa ở.

Khi đang học cấp THPT, tôi được gia đình của một bạn học cùng trường nhận về cho ở nhờ, cho ăn uống, hằng tháng ba của bạn ấy còn cho tôi tiền đóng học phí. Nhà bạn làm nghề kinh doanh hải sản tươi sống nên tôi cũng nhận đi giao hàng những lúc rảnh rỗi, không phải đi học.

Cú sốc đầu đời của tôi chính là thời điểm tôi đang học lớp 12. Sự việc bắt nguồn từ ngày hôm trước tôi dầm mưa khi đi giao hải sản nên bị cảm. Tôi sốt li bì nhưng vẫn đến trường vì sợ mất bài. Và tôi đã quên tập bài soạn môn hóa ở nhà. Hôm ấy, cô giáo môn hóa đã đánh giá tiết học lớp tôi loại A – và ghi vào sổ đầu bài rằng tôi thiếu tập bài soạn.

Sau đó, khi mở sổ đầu bài ra xem, thầy giáo chủ nhiệm lớp tôi đã thốt lên: “Lại cái thằng mồ côi, ở chùa quét lá đa nữa à?” (lần trước, tôi đã bị nhắc nhở trước lớp vì cái tội đóng học phí trễ). Ngay lập tức bạn bè xung quanh tôi xì xầm bàn tán về bí mật mà bấy lâu nay tôi đã giấu rất kỹ…

Thầy cho biết sẽ đưa tên tôi vào danh sách những học sinh bị phê bình dưới cờ vào sáng thứ hai tuần tới. Tôi năn nỉ thì thầy cho tôi lựa chọn: một là ra đứng phạt ở cột cờ ngoài sân trường, hai là chịu 5 roi của thầy. Tôi chọn hình phạt thứ hai vì từ nhỏ tới lớn tôi chưa bao giờ bị phạt đứng dưới cột cờ, nhục lắm!

Trước tập thể lớp, thầy chủ nhiệm đã thẳng tay đánh tôi 5 roi đến mức tôi ngã khuỵu. Tôi lết về chỗ ngồi mà trong lòng ê chề, đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần. Tôi chỉ muốn biến mất khỏi thế giới này ngay lập tức. Và tôi định bụng, hết giờ học sẽ ngắm nhìn lớp học của mình lần cuối rồi ra ngay bancông phía trước cửa lớp, nhảy xuống sân trường là mọi việc sẽ kết thúc ngay thôi.

Nhưng tôi chợt nghĩ tới ba má, họ sẽ ra sao khi nhận được tin dữ, rằng con trai họ đã nhảy lầu tự tử? Rồi gia đình bạn tôi nữa, họ thương tôi, xem tôi như con nuôi trong nhà, tôi mà chết sẽ gây tai tiếng không hay đến cả gia đình bạn.

Tôi miên man nhớ lại kỷ niệm ngọt ngào với cô chủ nhiệm năm lớp 9, tôi nhớ ánh mắt đầy ngạc nhiên, sửng sốt nhưng cũng tràn đầy tình yêu thương khi cô thấy tôi đi bán vé số ngoài chợ. Nhìn thấy cô, tôi cắm đầu chạy trốn. Cô đuổi theo, nắm lấy vai tôi và trấn an bằng giọng dịu dàng: “Không có gì đâu, em đừng sợ”.

Sau khi biết được hoàn cảnh của tôi, cô đã đề xuất cho tôi được nhận học bổng, là một khoản tiền rất lớn đối với tôi hồi đó. Không những thế, một số thầy cô bộ môn còn kêu tôi đến nhà học thêm mà không phải đóng học phí. Ân tình của các thầy cô ở ngôi trường THCS đong đầy như thế, chẳng lẽ tôi lại phụ lòng họ hay sao? Tôi chết đi sẽ giải thoát được sự tủi nhục, đau đớn của bản thân nhưng còn người ở lại chắc chắn sẽ đau khổ gấp vạn lần.

Nghĩ đến đó, tôi bỏ ý định nhảy lầu mà xách cặp đi về nhà…

Các bậc phụ huynh đừng so sánh con mình với con của người khác, vì điều đó sẽ tạo áp lực cho các con nhiều lắm. Hãy sắm vai là bạn của con để chia sẻ và lắng nghe con nhiều hơn. Đừng làm tổn thương con dù là lời nói.

Cô Lê Thị Hồng Anh

 

Đừng để sự cô đơn gặm nhấm

ThS Lê Thị Hồng Anh, phó hiệu trưởng Trường THPT Võ Văn Kiệt, quận 8, TP.HCM, cho rằng: “Trẻ tự tử là có sự tổn thương về mặt tâm lý, sức khỏe. Sự tổn thương kéo dài nhiều ngày sẽ tạo nên nhiều ức chế. Trẻ không có chỗ để giải tỏa, vết thương tinh thần không có chỗ để chữa lành, các em sẽ mất khả năng kiềm chế cảm xúc, sinh ra nghĩ tiêu cực và tìm đến cái chết”.

Vì vậy, cô Hồng Anh đưa ra lời khuyên: “Nếu trong đầu có những suy nghĩ tiêu cực hoặc gặp khó khăn trong cuộc sống, trong học tập, các em học sinh cần chia sẻ ngay với người thân, không nên để trong lòng rồi tự gặm nhấm nỗi buồn. Tôi được biết hiện các trường trung học ở các TP lớn đều đã có chuyên viên tham vấn tâm lý, họ sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ học sinh vượt qua những cơn khủng hoảng tâm lý để các em thấy yêu đời hơn, trân trọng cuộc sống của mình hơn”.

Đã từng trải qua nhiều cú sốc ở thời kỳ dậy thì, Hoàng Dũng, hiện là sinh viên năm 3 Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM, đúc kết: “Hồi ấy, vì mới lớn chưa có kinh nghiệm sống nên mỗi lần gặp chuyện không như ý, tôi thấy đất trời như sụp đổ, bản thân không còn thiết tha sống trên đời nữa. Nhưng bây giờ khi nghĩ lại, tôi thấy mình thật điên rồ. Cuộc đời của mỗi con người chắc chắn ai cũng sẽ phải gặp những khó khăn, thử thách để trui rèn mình bản lĩnh hơn, sống vững vàng hơn”.

 

Hãy bình tâm trước những cú sốc

Trao đổi với Tuổi Trẻ, anh Lê Thái Lâm cho biết: “Tôi muốn kể câu chuyện của cuộc đời mình để khuyên các bạn trẻ rằng các em hãy bình tâm suy nghĩ trước những cú sốc đầu đời. Vì tôi cho rằng tự kết thúc cuộc đời mình không phải là cách tốt nhất mà đó là đầu hàng số phận. Rồi những người thân của mình – họ sẽ sống như thế nào khi có 1 đứa con, 1 đứa cháu, 1 học trò… tự tử?”.

HOÀNG HƯƠNG ghi
TTO