Đô đốc Mỹ lo ngại thoả thuận an ninh ‘bí mật’ giữa Trung Quốc và Solomon
Đô đốc Mỹ lo ngại thoả thuận an ninh ‘bí mật’ giữa Trung Quốc và Solomon
Chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ nói thoả thuận an ninh “bí mật” giữa Trung Quốc và Solomon khiến Mỹ và các đồng minh lo ngại.
Trung Quốc và Quần đảo Solomon hôm 31.3 đã đồng ý về một thỏa thuận an ninh bao gồm nhiều nội dung, nhưng không nêu chi tiết. Mỹ và phương Tây lo rằng thỏa thuận này một khi được ký có thể dọn đường để Trung Quốc thiết lập căn cứ hải quân đầu tiên tại khu vực Nam Thái Bình Dương.
Thủ tướng Solomon Manasseh Sogavare và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Bắc Kinh năm 2019 REUTERS |
Đô đốc Samuel J. Paparo, chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ, cho biết ông “dĩ nhiên là lo ngại” về diễn biến mới nhất.
“Vẫn còn một chặng đường phía trước. Nhưng bất cứ khi nào thỏa thuận an ninh bí mật này được công bố, đây sẽ là mối quan ngại. Nó gây quan ngại cho tất cả đối tác của chúng tôi tại Tây Thái Bình Dương, đặc biệt là Úc, New Zealand”, ông nói với đài ABC (Úc) trong một sự kiện với các nhà báo nước ngoài tại Washington D.C.
Tuần trước, Thủ tướng Solomon Manasseh Sogavare bác bỏ những chỉ trích liên quan đến thỏa thuận an ninh giữa nước này với Bắc Kinh, vốn đang chờ chữ ký của ngoại trưởng hai bên. Ông cũng nhấn mạnh Solomon vẫn tiếp tục duy trì những thỏa thuận an ninh đang có với Úc và không có kế hoạch cho phép Trung Quốc xây dựng căn cứ hải quân.
Một bản dự thảo của thỏa thuận giữa Solomon với Trung Quốc, bị rò rỉ trước ngày 31.3, cho thấy hai bên đã đề ra các biện pháp cho phép Trung Quốc triển khai lực lượng hải quân và cảnh sát tới đảo quốc Thái Bình Dương, theo AFP.
Văn bản rò rỉ này chứa đựng một điều khoản nêu rằng “Trung Quốc có thể, theo nhu cầu của mình và với sự đồng ý của Quần đảo Solomon, cho tàu ghé cảng, tiến hành tiếp ứng hậu cần, cũng như dừng chân và quá cảnh ở Quần đảo Solomon”. Trung Quốc cũng có thể triển khai cảnh sát có vũ trang theo yêu cầu của Solomon để giữ gìn “trật tự xã hội”.
Những nội dung bị rò rỉ đã gây sốc trong toàn khu vực. Mỹ và Úc từ lâu đã lo ngại về khả năng Trung Quốc xây dựng căn cứ hải quân ở Nam Thái Bình Dương, cho phép lực lượng nước này vươn xa ngoài biên giới. Bất cứ sự hiện diện nào của quân đội Trung Quốc đều có thể buộc Canberra và Washington phải thay đổi tính toán của mình tại khu vực.
Đô đốc Paparo cũng nhắc lại cảnh báo của Bộ trưởng Quốc phòng Úc Peter Dutton về sự gia tăng khả năng xảy ra xung đột vũ trang ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mà người Úc cần phải có những đánh giá “thực tế”.
“Tôi luôn hoạt động với suy nghĩ rằng có khả năng xảy ra xung đột tại khu vực của chúng ta trong vòng vài năm tới vì tính chất khó lường của các sự kiện”, ông Paparo nói. “Năm ngoái ai mà có thể dự đoán được tình hình Đông Âu bây giờ chứ? Trên thực tế, nhiệm vụ của chúng ta là luôn sẵn sàng với tư cách các đội quân”, ông nhấn mạnh.
VŨ MẠNH
TNO