23/12/2024

Biển Đông và bầu cử Philippines

Biển Đông và bầu cử Philippines

Gần như chắc chắn Biển Đông sẽ là vấn đề nóng bỏng trong cuộc bầu cử tổng thống Philippines ngày 9-5. Một Biển Đông “êm đềm” đang là điều Trung Quốc mong muốn trước và sau bầu cử.

 

 

Biển Đông và bầu cử Philippines - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin (trái) cam kết Manila sẵn sàng “tăng cường trao đổi” với Bắc Kinh trong cuộc gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 3-4 – Ảnh: Tân Hoa xã

Khoảng thời gian từ nay đến ngày 9-5 ở Philippines được dự báo sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ căng thẳng ở Biển Đông và quan hệ Manila – Bắc Kinh. Theo giới quan sát, tâm lý cứng rắn với Trung Quốc có thể sẽ trỗi dậy tại Philippines khi đa số ứng viên muốn tranh thủ lá phiếu cử tri.

 

Trung Quốc gửi thông điệp

Cuộc tập trận chung Mỹ – Philippines với sự tham gia của hơn 5.100 lính Mỹ và 3.800 binh sĩ dự kiến kết thúc ngày 8-4, cùng ngày Tổng thống Rodrigo Duterte hội đàm trực tuyến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông Duterte sẽ rời cương vị sau cuộc bầu cử tháng 5 theo quy định hiến pháp Philippines.

Trung Quốc đang tận dụng các cơ hội ngoại giao để truyền đạt mong muốn về tình hình Biển Đông với Philippines. Trong cuộc gặp Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin tại tỉnh An Huy (Trung Quốc) ngày 3-4, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị kêu gọi Manila “không tạo ra xáo trộn” trong các chính sách với Trung Quốc. Đổi lại, Bắc Kinh cam kết sẽ đảm bảo “tính liên tục và ổn định” trong “chính sách láng giềng tốt và thân thiện” với Philippines.

“Trung Quốc luôn coi Philippines là ưu tiên hàng đầu trong chính sách ngoại giao láng giềng của mình”, trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn lời ông Vương Nghị. Theo ông Vương, “cần phải ngăn chặn các biện pháp can thiệp không phù hợp, thậm chí gây tổn hại đến quan hệ hai nước và sự ổn định của Biển Đông”.

Bắc Kinh đã tận hưởng một quan hệ tương đối êm đẹp trong thời gian ông Duterte cầm quyền. Dù thi thoảng hai bên vẫn lời qua tiếng lại vì vấn đề Biển Đông, căng thẳng luôn trong tầm kiểm soát.

Tuy nhiên vài tuần trở lại đây, tranh cãi có chiều hướng trở nên gay gắt khi Philippines triệu đại sứ Trung Quốc để phản đối “sự xâm nhập bất hợp pháp” và hoạt động di chuyển “nguy hiểm” của tàu Trung Quốc trong vùng biển Manila có yêu sách trên Biển Đông.

“Tuần trăng mật” sắp hết?

Trao đổi với báo South China Morning Post, ông Zhang Mingliang – chuyên gia về các vấn đề Đông Nam Á của Đại học Tế Nam ở Quảng Châu (Trung Quốc) – nhận định quan hệ giữa Bắc Kinh và Manila khó tránh khỏi sự ảm đạm trong tương lai gần, thậm chí có thể có một số dấu hiệu tiêu cực. Theo một số nhà quan sát chính trị tại Trung Quốc, bất chấp các phát ngôn của ông Vương Nghị về tổng thống Philippines, giới cầm quyền Bắc Kinh đã nhận ra ông Duterte thực sự là một chính trị gia sắc sảo hơn là “một người bạn của Trung Quốc” như họ mong đợi.

Nhà lãnh đạo Philippines đã trở lại lập trường cứng rắn với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông ở giai đoạn nửa sau nhiệm kỳ, và mới nhất là nối lại tập trận chung với Mỹ trên quy mô lớn nhất từ trước đến nay.

Philippines cũng đã tham gia các cuộc tập trận chung với ba thành viên nhóm Tứ giác kim cương là Ấn Độ, Nhật và Úc. Nhật cũng dự kiến tổ chức cuộc đối thoại an ninh – ngoại giao đầu tiên với Philippines tại Tokyo trong tháng này để thảo luận về tình hình Biển Đông và thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương “tự do và rộng mở”.

Nhà nghiên cứu Zhang dự đoán thời gian tới sẽ là phép thử quan trọng cho quan hệ Trung Quốc – Philippines, đặc biệt sau khi có sự chuyển giao quyền lực vào cuối tháng 6.

Có ít nhất 6 ứng cử viên tổng thống Philippines, trong đó ông Ferdinand “Bongbong” Marcos Jr. đang dẫn đầu các cuộc thăm dò cử tri. Nếu ông này đắc cử, quan hệ Philippines – Trung Quốc sẽ ít xáo trộn nhất, thậm chí còn có thể bền chặt hơn. Nếu không phải thế, Bắc Kinh có thể đối mặt với một Manila cứng rắn hơn trong vấn đề Biển Đông.

DUY LINH
TTO