18/11/2024

Xử lý dự án yếu kém: ‘Thay đổi tư duy, theo tín hiệu thị trường’

Xử lý dự án yếu kém: ‘Thay đổi tư duy, theo tín hiệu thị trường’

Các chuyên gia, nhà quản lý lẫn doanh nghiệp đều thống nhất rằng cần bám theo tín hiệu thị trường để quyết định cơ cấu lại từng dự án yếu kém ngành Công thương chứ không thể có giải pháp tối ưu nhất cho tất cả.

 

 

Sáng nay 5.4, Cổng thông tin Chính phủ đã tổ chức tọa đàm “Xử lý các dự án yếu kém: Bài học kinh nghiệm và hướng đi tiếp theo” với trọng tâm là bàn về lối ra cho 7 dự án còn lại của danh mục 12 đại dự án nghìn tỉ yếu kém của ngành Công thương.

 

Tăng tính chủ động cho doanh nghiệp

Ông Hồ Sỹ Hùng, Phó chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, cho hay sau hơn 3 năm triển khai Quyết định số 1468/QĐ-TTg của Thủ tướng phê duyệt Đề án xử lý các tồn tại yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ kém hiệu quả thuộc ngành Công thương (Đề án 1468), đến tháng 11.2021, Ban chỉ đạo đã thống nhất đưa 5 dự án ra khỏi danh sách 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả.

Đây là kết quả khởi sắc có được từ nhiều nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng các bộ, ngành và doanh nghiệp.

Xử lý dự án yếu kém: 'Thay đổi tư duy, theo tín hiệu thị trường' - ảnh 1
Đại diện các cơ quan quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp dự toạ đàm  NHẬT BẮC

“Việc đưa ra 5 dự án khỏi diện Ban chỉ đạo là để tăng tính chủ động của doanh nghiệp thực hiện. Chúng ta tôn trọng tính độc lập của doanh nghiệp chứ Nhà nước không phải vì mấy chục % góp vốn mà can thiệp thô bạo”, ông Hùng nói, đồng thời dẫn chứng như dự án DAP-1 của Tập đoàn Hoá chất, do thấy triển vọng, có cơ hội phục hồi ổn định nên đã tạo điều kiện cho Tập đoàn chủ động và đến nay đã xây dựng được phương án nâng cao hiệu quả, coi như đây là dự án hoạt động bình thường.

“Hay là 3 dự án nhiên liệu sinh học. Ban đầu ai cũng muốn lấy lại vốn, nhưng rà đi rà lại thì thấy thị trường khó khăn, nhất là thuế xăng sinh học giảm xuống nữa thì dự án càng khó khăn để cạnh tranh. Thị trường thay đổi, nếu cứ duy trì thì bất khả thi, dự án càng lỗ, càng gánh thêm chi phí”, ông Hùng nói thêm.

Đồng tình với hướng đi này, đại biểu Quốc hội, chuyên gia kinh tế Phan Đức Hiếu nhấn mạnh rằng phải lấy tín hiệu thị trường làm thước đo, thậm chí sẵn sàng cho phá sản dự án nếu đầu ra sản phẩm không có thị trường.

“Hoặc không, khi xử lý từng dự án thì phải tính cả cơ cấu lại sản phẩm chứ không nhất nhất phục hồi theo sản phẩm mà phương án bán đầu xây dựng tính đến. Làm được như thế sẽ giúp giảm ít thiệt hại nhất”, ông Hiếu nói và dẫn chứn dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, dù không nằm trong danh sách này nhưng cũng yếu kém, đắp chiếu nhiều năm.

“Tuy nhiên, rõ ràng điện là vấn đề nền kinh tế đang rất cần. Nếu tiếp tục dự án thì lợi hơn nhiều là dẹp đi rồi xây một nhà máy khác. Cho nên Chính phủ, doanh nghiệp mới quyết tâm giải quyết và đến nay đã có bước tiến dài”, ông Hiếu phân tích.

 

Vẫn mắc ở “khúc xương EPC”

Đối với 7 dự án còn lại, chưa thể ra khỏi danh sách, lý do chính, theo ông Hùng là bởi đặc điểm chung hiện nay là “tất cả đều vướng mắc kiện tụng với chủ thầu theo hợp đồng EPC”, dù các bên đã nhiều lần thương lượng, đàm phán.

Xử lý dự án yếu kém: 'Thay đổi tư duy, theo tín hiệu thị trường' - ảnh 2
Đạm Ninh Bình – 1 trong 7 dự án còn tranh chấp hợp đồng EPC  CHÍ HIẾU

Trong đó, các vướng mắc gần như là ngõ cụt, đang có tranh chấp giữa chủ đầu tư với nhà thầu như: xác định khối lượng, chủng loại thiết bị…

Cùng với đó, một khó khăn khác cần giải quyết cho số này là bài toán chi phí tài chính.

Cụ thể, theo ông Hùng, như dự án Đạm Hà Bắc, dù các định mức kỹ thuật, chất lượng sản phẩm, tiêu hao nhiên liệu, sử dụng lao động đều đang rất tốt, sản phẩm ra bán hết và giá phân bón đang lên song do lãi vay quá cao (vay vào giai đoạn 2010-2015), dự án lại chậm, kéo dài nên càng “lãi mẹ đẻ lãi con”.

“Chính chi phí tài chính lớn nên dự án khó cạnh tranh với các doanh nghiệp khác trên thị trường, dù thị trường lúc này tốt lên. Cho nên nếu không giải quyết bài toán tài chính thì doanh nghiệp khó mà thoát ra được”, ông Hùng nói.

 

5 dự án đã ra khỏi “danh sách đen”:

Dự án DAP-1 Hải Phòng thuộc Tập đoàn Hóa chất, do cơ bản khắc phục các tồn tại yếu kém, sản xuất kinh doanh có lãi từ năm 2017.

Ngoài ra, 4 dự án khác thuộc Tập đoàn Dầu khí (PVN) do cơ bản không còn vướng mắc về cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của cơ quan nhà nước gồm: Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ; Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước; Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất; Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ.

CHÍ HIẾU

TNO