23/12/2024

‘Thi học sinh giỏi để làm gì?’: Nạn nhân của ‘bệnh thành tích’

‘Thi học sinh giỏi để làm gì?’: Nạn nhân của ‘bệnh thành tích’

Tôi thuộc thế hệ 8X, quãng thời gian học hành của tôi cũng đã khá xa thời điểm hiện tại. Tuy nhiên câu chuyện không cũ bởi tôi vẫn nghe hoài các câu chuyện về thành tích giáo dục hiện nay.

 

 

Thi học sinh giỏi để làm gì?: Nạn nhân của bệnh thành tích - Ảnh 1.

Học sinh trong một kỳ thi học sinh giỏi – Ảnh: NHƯ HÙNG

Tôi may mắn qua được kỳ thi tốt nghiệp, nhưng trượt đại học. Kiến thức cao siêu trong lớp chuyên toán đã trở nên phản tác dụng. Tôi đã dành hẳn một năm để lấy lại toàn bộ kiến thức cơ bản của cấp phổ thông và ở kỳ thi đại học lần thứ hai thì tôi mới thành công.

Tôi đi học ở một tỉnh miền Tây. Ngay từ những năm cấp II, tôi đã tham gia các lớp bồi dưỡng nhưng không đạt được nhiều thành công trong các kỳ thi. Lúc đó, tôi thích các buổi bồi dưỡng vì được tiếp cận các kiến thức mới mẻ và thú vị.

Thêm một may mắn là giáo viên bồi dưỡng đã rất thoải mái với chúng tôi. Trong nhóm chúng tôi cũng có bạn đạt được thành tích cao. Lúc đó chúng tôi ăn mừng thành tích của các bạn ấy như một trái bóng ghi bàn cho cả đội.

 

Cú sốc đầu đời

Rồi như những ngày nắng sẽ qua. Cấp III đến với tôi như một tín hiệu dông bão. Với kiến thức và sự hứng thú học tập, tôi thi đậu vào lớp chuyên toán của trường chuyên duy nhất của tỉnh. Ngày đó, không có từ gì hơn để nói ngoài tự hào…

Khi vào lớp chuyên toán rồi, việc bồi dưỡng học sinh giỏi không còn đáng bàn nữa. Kiến thức cao siêu và sự cạnh tranh khắc nghiệt ập đến như một cái tát cho cậu học sinh tuổi mới lớn.

Những ngày đầu tiên học lớp chuyên toán, tôi đã rất sốc vì những kiến thức toán như trên trời rơi xuống. Tôi không lĩnh hội được và liên tục bị điểm rất thấp trong các bài kiểm tra, có khi là điểm 0.

Gia đình ít khi là điểm tựa tinh thần, đặc biệt là trong việc học hành. Giáo viên thì chỉ cố hoàn thành cho xong tiết học với khối lượng kiến thức khổng lồ. Các bạn cùng lớp thì phải cạnh tranh nhau gay gắt.

Lúc đó râm ran thông tin trong lớp chúng tôi rằng nếu không đạt được kết quả tốt trong kỳ thi giữa học kỳ, bạn có thể phải rời khỏi lớp chuyên toán, đã có sẵn một lớp không chuyên trong trường chuyên chờ bạn.

Tất cả áp lực đó ập đến vào thời điểm dậy thì. Do cần mẫn học hành nên tôi cũng không có nhiều bạn bè. Ở tỉnh lẻ nên thiếu thốn các hình thức giải trí lành mạnh, lúc đó chỉ có thể nói là tôi bơ vơ, không biết phải làm sao. Tôi đã muốn tự sát…

Đến giờ gần 40 tuổi mình chợt thấy sợ, sao lúc niên thiếu, ý định tự sát lại đến dễ dàng đến thế, như mệt quá thì muốn ngủ vậy. Tôi rùng mình khi nhớ lại. Thực tế lúc đó có nhiều bạn tôi đã thực hiện việc tự sát, chủ yếu là các bạn nữ, rất may là phát hiện kịp thời, tôi đã mấy lần vào viện thăm họ.

Chuyện của T.

Tôi may mắn là đủ sợ hãi để không tự kết liễu thanh xuân của mình. Lúc đó tôi chỉ còn lựa chọn duy nhất. Tôi phải cố gắng cạnh tranh với các bạn cùng lớp chuyên toán, một cuộc cạnh tranh thực sự không công bằng nhưng tôi không có lựa chọn.

Trong lớp đó, hẳn sẽ có ngôi sao, T. là hy vọng không chỉ của lớp mà của cả trường. Ngôi sao đó sẽ tỏa sáng trong các cuộc thi và mang về hào quang cho trường. Khi biết về sự “gà nòi” của T. tôi tự giải thích được tại sao bạn lại xuất sắc đến vậy.

Tất cả những gì tôi có là một cuốn sách giáo khoa, bạn có hẳn một bộ tài liệu với những thầy cô hỗ trợ. Với tất cả cố gắng của đội ngũ thầy cô và tài năng thật sự, bạn đã đoạt giải nhất, một thành tích rất quan trọng cho trường.

Theo quy định lúc đó, T. sẽ được tuyển thẳng vào đại học. Tuy nhiên vẫn còn một trở ngại là phải thi đậu kỳ thi tốt nghiệp phổ thông. Đây là một thử thách bởi vì chúng tôi học rất lệch. Thậm chí bạn cũng không hẳn dễ dàng làm được bài thi toán tốt nghiệp vì học chuyên toán rất khác học toán phổ thông.

Thế là các thầy cô phải bồi dưỡng thêm cho bạn để vượt ải. Ngẫm tưởng tương lai của bạn sẽ tươi sáng với suất đại học bách khoa. Vài năm sau, nghe kể lại, bạn đã dừng học bách khoa sau năm đầu tiên vì cảm thấy không phù hợp.

Và (nghe nói) do một số phiêu lưu tình ái tuổi trẻ, bạn rẽ hướng chọn học sư phạm toán. Hiện tại bạn đang sống với công việc giáo viên dạy toán học. Tôi cảm thấy vui cho bạn đã tự lựa chọn con đường của mình.

 

Hàng trăm lượt bạn đọc tham gia ý kiến

Tính đến 16h chiều 4-4, thống kê sơ bộ của Tuổi Trẻ Online cho thấy hàng trăm lượt bạn đọc đã tham gia bình luận ý kiến, gửi bài tham gia diễn đàn “Thi học sinh giỏi để làm gì?”. Bên cạnh đó, thăm dò trên Tuổi Trẻ Online về kỳ thi học sinh giỏi cũng thu hút khoảng 1.500 ý kiến bình chọn của bạn đọc.

Theo đó, nhiều ý kiến đồng tình về việc cân nhắc bỏ các cuộc thi học sinh giỏi ở Việt Nam. Tuy nhiên, không ít bạn đọc cho rằng có thể giữ lại kỳ thi này nhưng cần điều chỉnh để hạn chế tiêu cực và theo kịp thời đại.

 

Tiếc nuối thanh xuân lãng phí

Đây là câu chuyện của tôi để góp thêm một tham khảo cho câu chuyện thi học sinh giỏi. Nhiều năm sau nhìn lại, tôi cảm thấy có chút tự hào về bản thân nhưng cũng cảm thấy nuối tiếc cho thanh xuân lãng phí. Tôi cho rằng mình là một nạn nhân của cái gọi là “bệnh thành tích”.

Lúc đó tôi còn quá trẻ để tự hiểu ra và tự quyết định. Tôi đã may mắn “trôi” qua được thời điểm khắc nghiệt đó. Tôi không nói “giá như”, tôi kể lại và tôi mong các diễn đàn như thế này sẽ giúp chúng ta hiểu đúng hơn về thành tích, thành tích của chúng ta hay thành tích của người khác?

 

Cần thay đổi tận gốc

NH-HSGQG7 5-4 2(Read-Only)

Học sinh trao đổi sau khi tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia 2022 – Ảnh: ANH KHÔI

Thi cử là chuyện thường của giáo dục. Nếu việc thi để học sinh đánh giá năng lực mình ở đâu, từ đó chủ động trọng việc trang bị kiến thức để khắc phục hạn chế của bản thân thì rất tốt.

Nhưng cố gắng học nhồi nhét một môn học nào đó để đạt thành tích cao trong các kỳ thi rồi bỏ bê các kiến thức cơ bản khác là chuyện phản giáo dục. Đáng tiếc là các cuộc thi học sinh giỏi ở bậc phổ thông lại đi theo hướng này.

Cách học này không ổn với học sinh. Bởi khi bản thân những học sinh đi thi học sinh giỏi thì được đặc cách học các môn học khác, được thầy cô nương nhẹ, nâng điểm ở những bộ môn còn lại.

Mục đích để các em đạt thành tích giỏi toàn diện, nhưng thực chất là “học lệch, học tủ”. Do đó, nếu chỉ chăm chú luyện bài tập khó, luyện “mẹo” mà ít rèn luyện kiến thức cơ bản nâng cao thì chúng ta rất dễ làm các học sinh giỏi của mình đạt thành tích sớm và cũng “còi cọc” sớm về trí tuệ.

Hiện nay, ở bậc phổ thông đang tồn tại tình trạng đào tạo chạy theo thành tích các cuộc thi học sinh giỏi. Việc này dẫn tới nhiều học sinh có phẩm chất, năng lực tốt bị nhào nặn thành các máy giải đề, “gà chọi” để đi thi.

Vì thế, nếu có những kỳ thi mà tạo cho học sinh học lệch, học tủ thì nên bỏ. Giáo dục nặng về thi cử mà quên đi nhiệm vụ đào tạo con người, hình thành phẩm chất, năng lực thì cần thiết phải chấn chỉnh kịp thời.

Công bằng mà nói, các cuộc thi học sinh giỏi ở bậc phổ thông nhiều năm qua đã phát huy được nhiều yếu tố tích cực như phát hiện và bồi dưỡng các học sinh có học lực vượt trội; giúp học sinh mở mang kiến thức, tiếp cận với những điều mới mẻ, định hướng chọn khối học, ngành nghề phù hợp; rèn luyện, thử sức mình; khẳng định bản thân…

Tuy nhiên, theo thời gian, vì quá chú trọng thành tích mà các kỳ thi đi theo hướng huấn luyện “gà nòi” không hơn không kém.

Có thực trạng những em đoạt giải khuyến khích học sinh giỏi quốc gia đã trượt trong các kỳ thi đại học. Lý do: giải khuyến khích thì không được ưu tiên tuyển thẳng đại học. Nếu biết mình chỉ đoạt giải khuyến khích thay vì tự hào thì nhiều em rơi vào tâm trạng khủng hoảng.

Đối với nhiều em thi quốc gia chẳng khác nào một trò may rủi, vì nếu đậu giải cao thì đương nhiên vào các trường đại học tốp đầu vì được tuyển thẳng, còn nếu trượt thì đó là thảm họa kéo theo hệ lụy có thể trượt đại học.

MINH ĐĂNG

PHẠM PHÚ THỌ
TTO