23/12/2024

Các chuyên gia vẫn hoài nghi về kinh tế Nga dù đồng rúp tăng giá

Các chuyên gia vẫn hoài nghi về kinh tế Nga dù đồng rúp tăng giá

Các chuyên gia cho rằng dùng tín hiệu đồng rúp hồi phục mạnh để nhận định nền kinh tế Nga đã qua khó khăn có lẽ vẫn còn quá sớm.

 

 

Các chuyên gia vẫn hoài nghi về kinh tế Nga dù đồng rúp tăng giá - Ảnh 1.

Những ngày gần đây, đồng rúp tăng giá tiệm cận với thời điểm trước chiến dịch quân sự ở Ukraine – Ảnh: WSJ

Tỉ giá đồng rúp đã phục hồi một cách mạnh mẽ và tiệm cận với mức trước thời điểm Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine (24-2), qua đó làm lu mờ các dự báo các lệnh trừng phạt của phương Tây có thể khiến giá trị đồng rúp rơi thẳng đứng.

Trước đó, đồng rúp mất gần một nửa giá trị trong 7 phiên giao dịch sau ngày 24-2. Nhưng đồng tiền của Nga đã hồi phục nhanh chóng trong khoảng thời gian gần đây khi tỉ giá duy trì ổn định ở mức 83-84 rúp đổi 1 USD.

Sự phục hồi này một phần là nhờ cải thiện trong hệ thống tài chính Nga, khi doanh thu từ xuất khẩu năng lượng gia tăng và nhập khẩu giảm, theo Hãng tin Reuters.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng dùng tín hiệu này để nhận định nền kinh tế Nga đã qua khó khăn thì có lẽ vẫn còn quá sớm.

Hiện tỉ giá đồng rúp đang được hỗ trợ từ các nỗ lực của giới chức Nga trong kiểm soát thị trường vốn.

Nhằm đối phó với các lệnh trừng phạt, Nga đã tăng lãi suất lên 20%, hạn chế các công ty trong nước tiếp cận nguồn tiền ngoại tệ, và cấm người dân rút hơn 10.000 USD bằng ngoại tệ trong vòng 6 tháng, cũng như dừng hoạt động ngân hàng bán các đồng tiền mạnh bằng tiền mặt.

Các nhà đầu tư nước ngoài bị cấm thoái vốn từ thị trường chứng khoán, qua đó hạn chế nguy cơ lạm phát tiền rúp. Tổng thống Vladimir Putin cũng yêu cầu các khách hàng nước ngoài mua khí đốt của Nga bằng đồng rúp từ ngày 1-4.

Các chuyên gia vẫn hoài nghi về kinh tế Nga dù đồng rúp tăng giá - Ảnh 2.

Đồng rúp đã tăng trở lại sau khi bị rớt giá do các lệnh trừng phạt của phương Tây – Ảnh: AP

“Các nước châu Âu không sẵn lòng làm điều này, bởi nếu thực hiện theo yêu cầu của Nga, điều này sẽ có tác động tích cực đối với đồng rúp”, chuyên gia phân tích trưởng của Danske Bank Minna Kuusisto nói.

Kuusisto cho rằng các nhà cung cấp khí đốt Nga trong quá khứ không hoàn toàn chuyển đổi nguồn thu từ ngoại tệ sang đồng rúp.

“Sự phục hồi của đồng rúp sẽ không ảnh hưởng tới quan điểm của thị trường khi nhìn vào triển vọng trung và dài hạn của Nga”, Ulrich Leuchtmann, nhà phân tích tại Commerzbank, nói.

Vừa qua, Viện Tài chính quốc tế (IIF) có trụ sở ở Mỹ cho rằng GDP Nga sẽ giảm 15% vào năm 2022 và 3% nữa trong năm 2023.

Kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine bắt đầu, hoạt động giao dịch đồng rúp đã bị chia làm hai, một mặt là giữa các định chế nội địa, và mặt khác là giữa các ngân hàng phương Tây và nhà đầu tư vốn không bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt. Nhưng khối lượng giao dịch hiện giờ đã không còn cao như trước.

JPMorgan trong tuần này cho biết các ngân hàng phương Tây đã giảm quy mô giao dịch và hỗ trợ tài chính cho các thể chế có liên quan đến Nga, qua đó tạo ra khoảng cách giữa các hoạt động giao dịch trong và ngoài nước.

Chuyên gia kinh tế trưởng của IIF, ông Robin Brooks cũng cho rằng về lâu dài, triển vọng của đồng rúp là không mấy tích cực.

Sự cô lập từ phương Tây sẽ khiến ngày càng ít đi khách hàng mua hàng hóa của Nga, và trong trường hợp giá dầu giảm, đồng rúp sẽ gặp nhiều thách thức.

Do hơn một nửa trong tổng số 640 tỉ USD dự trữ vàng và ngoại tệ của Nga bị phong tỏa, Matxcơva sẽ bị hạn chế không nhỏ trong nỗ lực hỗ trợ đồng tiền nội địa.

LAN HƯƠNG
TTO