22/12/2024

Trung Quốc là thị trường khó khăn nhất thế giới

Trung Quốc là thị trường khó khăn nhất thế giới

Đó là nhận xét của các doanh nghiệp và chuyên gia trong việc đưa hàng chính ngạch vào Trung Quốc tại hội nghị “Xử lý các vướng mắc kỹ thuật, thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thuỷ sản sang Trung Quốc”, do Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD) tổ chức ngày 1.4.

 

 

Từ các quy định về sản xuất, chế biến, kiểm dịch phòng chống dịch bệnh Covid-19, đến hệ thống thủ tục hành chính như khai báo hải quan của phía Trung Quốc… đã gây ra rất nhiều khó khăn không những cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam mà với cả DN khắp thế giới.

Trung Quốc là thị trường khó khăn nhất thế giới - ảnh 1
Các quy định về kiểm soát dịch bệnh Covid-19 và thủ tục hành chính của Trung Quốc gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp xuất hàng sang thị trường này  NGỌC THẮNG

Mất vài tháng vẫn chưa xong thủ tục

Đại diện Công ty Havico, hoạt động trong lĩnh vực thủy sản, cho biết công ty đã xuất khẩu sản phẩm sang Trung Quốc được 15 năm. Theo quy định mới, Havico đã đăng ký lại từ năm 2021 và có tên trong danh sách được phép xuất hàng vào nước này. Hai tháng trước, công ty có 2 lô hàng xuất đi Trung Quốc nhưng bị vướng thủ tục khai báo hải quan đến nay vẫn chưa giải quyết xong, gây thiệt hại rất lớn.

“Trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính theo yêu cầu như khai báo, đăng ký thông tin lại khó vô cùng, làm đi làm lại nhiều lần vẫn bị lỗi mà không thể hiểu lỗi ở đâu. Tôi đã mất một tháng rưỡi để điều chỉnh rồi mà vẫn không làm được. Người ta thiết kế trang web khó hiểu vô cùng. Tôi thật sự không biết phải làm gì và làm sao để đăng ký thành công. Tôi đề nghị các cơ quan chức năng cần hợp tác tích cực hơn với phía Trung Quốc và triển khai tập huấn lại cho các DN Việt Nam”, vị này đề xuất.

Nhiều DN cũng đồng tình với ý kiến trên và đó cũng là vướng mắc chung của họ hiện nay. Phần mềm gặp nhiều trục trặc, liên hệ các cơ quan đầu ngành để được hỗ trợ nhưng rất khó khăn. Số điện thoại họ cho để DN liên hệ thì gọi không có ai nghe máy. Vì vậy, DN bối rối, thậm chí bất lực trong việc đăng ký và xuất khẩu hàng.

Một vấn đề kỹ thuật khác mà các DN gặp phải là đã được cấp tài khoản đăng ký trực tuyến nhưng khi DN đăng nhập thì hệ thống báo tên đăng nhập và mật khẩu không chính xác, dù đã kiểm tra kỹ và thực hiện lại nhiều lần vẫn bị báo lỗi. Hay mã HS (mã hàng hóa) bị sai rất khó khăn trong việc điều chỉnh…

“Các DN xuất khẩu thường bị vướng trong việc khai và được cấp mã HS, mã CIQ (mã hải quan, xuất nhập cảnh và kiểm dịch) nên không xuất được hàng. Mã HS của Việt Nam có 10 số, còn mã HS của Trung Quốc đến 13 số nên các DN rất lúng túng, không đăng ký được và không thể đăng ký đúng”, một DN phản ánh.

 

Hơn 100 nước bị vướng thủ tục

Liên quan đến vấn đề mã HS và CIQ, đại diện Văn phòng SPS Việt Nam (Văn phòng thông báo và hỏi đáp về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật, thuộc Bộ NN-PTNT) cho biết: Mã HS của Trung Quốc có 13 số, trong đó có 3 số là mã CIQ. Việc xác định mã CIQ đối với từng loại hàng là khá phức tạp. Để thuận lợi, các DN xuất khẩu có thể liên hệ với đối tác Trung Quốc nhờ hỗ trợ để xác định xem loại hàng đó thuộc đối tượng nào, như vậy sẽ nhanh chóng thuận lợi hơn.

“Các DN xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc, trước nay vẫn quen xuất khẩu tiểu ngạch, đa số lại là DN vừa và nhỏ nên chuyển qua chính ngạch gặp rất nhiều khó khăn, nhất là sự khác biệt về thủ tục và ngôn ngữ. Tuy nhiên đây là vấn đề nội tại của DN, cần tìm giải pháp tháo gỡ. Có thể thuê các đơn vị tư vấn có uy tín để hỗ trợ. 29.10.2021 là đợt DN đăng ký nhanh theo yêu cầu của phía Trung Quốc. Các DN đăng ký đợt này cơ bản đã được cấp mã số để xuất khẩu, chỉ còn một số ít đang được cơ quan hải quan Trung Quốc kiểm tra cấp mã tiếp tục”, đại diện Văn phòng SPS Việt Nam cho hay.

Ông Lê Bá Anh, Phó cục trưởng NAFIQAD, cho biết đã nhiều lần làm việc với phía Trung Quốc để tìm giải pháp tháo gỡ các khó khăn cho DN Việt Nam. Cái vướng lớn và nhiều nhất hiện nay là mã HS. Ngay cả phía Trung Quốc cũng thừa nhận là do phần mềm mới được xây dựng nên rất thường xảy ra lỗi kỹ thuật. Vấn đề này không chỉ là phản ánh từ phía Việt Nam mà cả hơn 100 quốc gia khác có xuất khẩu hàng vào Trung Quốc cũng gặp phải. Để xuất khẩu thuận lợi hơn thì DN nên hợp tác và nhờ sự hỗ trợ thêm của các đối tác nhập hàng từ Trung Quốc vì chỉ có họ mới hiểu rõ vấn đề hơn ai hết. Bên cạnh đó, khi có bất kỳ khó khăn vướng mắc nào, DN có thể làm công văn mô tả rõ ràng vấn đề đó gửi về văn phòng NAFIQAD hoặc các cơ quan phụ trách trực tiếp. Cơ quan này sẽ tập hợp chuyển cho phía Trung Quốc xem xét giải quyết một cách nhanh nhất có thể. Đây là những khó khăn khách quan nằm ngoài khả năng giải quyết của chúng ta, mà chúng ta phải chấp nhận và giải quyết từng bước.

 

Kiểm soát dịch bệnh “độc nhất” thế giới

Một trong các khó khăn khác trong việc đưa hàng sang Trung Quốc là các quy định kiểm soát dịch bệnh Covid-19 rất phức tạp và khó thực hiện. Trong việc sử dụng chất khử trùng để sát khuẩn bên ngoài bao bì hàng hóa, Trung Quốc quy định nồng độ rất cao so với quy chuẩn của Việt Nam. Hoặc nước này yêu cầu công nhân làm việc trực tiếp trong các khâu bao bì, đóng gói, vận chuyển hàng phải được xét nghiệm PCR, hay khuyến cáo DN vệ sinh bao bì bên ngoài bằng các sản phẩm khăn ướt dùng một lần…

Ngoài ra phía Trung Quốc yêu cầu đối với các cơ sở sản xuất có bố trí nhà ăn trưa cho công nhân, DN phải thiết lập các biện pháp an toàn phòng dịch và biện pháp cách ly. DN cũng phải có quy trình triệu hồi lô hàng trong trường hợp phát hiện trên sản phẩm có dấu vết của Covid-19.

“Trong thời gian qua, chúng tôi liên tục làm việc với Hải quan Trung Quốc để giải quyết khó khăn cho các DN. Chúng tôi cũng thường xuyên tham khảo, cập nhật các hướng dẫn từ Bộ Nông nghiệp Mỹ trong việc xuất hàng vào Trung Quốc. Vì Mỹ cũng là đối tác xuất khẩu lớn hàng hóa vào Trung Quốc, họ thường xuyên đăng tải thông tin và tài liệu liên quan. Các DN Việt Nam cũng có thể tham khảo thêm các thông tin ở đó”.

Ông Lê Bá Anh (Phó cục trưởng NAFIQAD)

Đại diện Văn phòng SPS cho biết: Phía Trung Quốc sẽ chọn lựa ngẫu nhiên để thực hành kiểm tra trực tuyến một số DN. Việc kiểm tra khá gắt gao. Ví dụ, vừa rồi họ kiểm tra các DN sản xuất bột sắn. Trong quá trình kiểm tra, họ dừng lại và hỏi DN sử dụng hóa chất gì để khử trùng, nồng độ bao nhiêu?… Khi DN khai báo cồn 70 độ thì họ yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn sử dụng ngay lúc đó. Thực tế là một số DN chưa chuẩn bị tốt và còn lơ là trong việc thực hiện các quy định phòng chống dịch. Do đó DN nên thực hiện tốt hơn các yêu cầu để thuận lợi trong việc xuất khẩu hàng hóa vào Trung Quốc.

Ông Lê Bá Anh nhận định: Hiện nay, Trung Quốc vẫn còn duy trì chính sách “Zero Covid”, và gần như là nước duy nhất hiện tại theo đuổi chính sách này trong việc phòng chống dịch bệnh nói trên. Chúng ta muốn xuất khẩu hàng hóa vào thị trường này thì buộc lòng phải tuân thủ các quy định. Tuy nhiên, trong các cuộc làm việc chính thức và qua các văn bản trao đổi giữa 2 bên, phía Trung Quốc cũng khuyến cáo DN phải tuân thủ các quy định về phòng chống dịch của các tổ chức FAO, WHO, còn các tiêu chuẩn mà Trung Quốc đưa ra là khuyến cáo và khuyến khích áp dụng. Chính vì vậy, các DN cần nghiên cứu thực hiện sao cho hiệu quả nhất. Trên thực tế, cũng có một số DN chưa thật sự nắm vững và coi trọng các quy định phòng chống dịch bệnh Covid-19. Với những vi phạm bị phát hiện nhiều lần, DN sẽ bị phía Trung Quốc đình chỉ xuất khẩu từ 1 – 4 tuần.

CHÍ NHÂN

TNO