22/12/2024

Tình huống mới trong chiến sự Nga – Ukraine

Tình huống mới trong chiến sự Nga – Ukraine

Ukraine   lần đầu tiên bị cáo buộc không kích vào lãnh thổ Nga, trong khi tình hình tại Ukraine có nhiều thay đổi.

 

 

 

Ngày 1.4, Nga và Ukraine tiếp tục đàm phán theo hình thức trực tuyến theo sau cuộc đàm phán trực tiếp ở Thổ Nhĩ Kỳ hôm 29.3 mà hai bên đều cho là “có ý nghĩa” và mang tính “tích cực”. Tuy nhiên, những diễn biến mới trên thực địa vẫn chưa hạ nhiệt.

Tình huống mới trong chiến sự Nga - Ukraine - ảnh 1
Kho nhiên liệu ở TP.Belgorod bốc cháy, trong video do Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga công bố ngày 1.4  AFP

Nga tố Ukraine không kích kho nhiên liệu

Tỉnh trưởng Vyacheslav Gladkov của tỉnh Belgorod (Nga) khẳng định hai trực thăng quân sự Ukraine tấn công kho nhiên liệu ở TP.Belgorod hôm qua sau khi vượt qua biên giới ở tầm thấp. Đây là lần đầu tiên Ukraine bị cáo buộc tiến hành cuộc không kích trên lãnh thổ Nga kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào ngày 24.2, theo Reuters.

Sau đó, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo cuộc không kích đã không tạo ra các điều kiện dễ chịu để tiếp tục cuộc hòa đàm với Kyiv. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Ukraine Oleksandr Motuzyanyk không xác nhận hay bác bỏ cáo buộc trên, nhưng nhấn mạnh Ukraine “đang thực hiện chiến dịch phòng thủ và không thể chịu trách nhiệm cho mọi thảm họa trên lãnh thổ Nga”, theo Reuters.

 

Hai nhân vật cấp cao ở Ukraine bị sa thải

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 31.3 thông báo đã sa thải hai thành viên cấp cao của cơ quan an ninh quốc gia, theo Reuters. Ông nói rằng hai quan chức đã phản bội lời thề bảo vệ Ukraine. “Tôi không có thời gian để xử lý tất cả những kẻ phản bội, nhưng dần dần tất cả họ sẽ bị trừng phạt”, ông Zelensky nhấn mạnh.

Cùng ngày, tỉnh trưởng Oleksandr Pavlyuk của tỉnh Kyiv (Ukraine) viết trên ứng dụng nhắn tin Telegram rằng một phần lực lượng Nga tiếp tục rời khỏi khu vực và đang tiến về phía Belarus. Tỉnh trưởng Viacheslav Chaus của tỉnh Chernihiv cũng cho biết lực lượng Nga đang rút khỏi khu vực, theo Reuters. Ngoài ra, một quan chức Ukraine xác nhận lực lượng Nga đã rời khỏi nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, nhưng một số binh sĩ Nga vẫn còn ở khu vực xung quanh nhà máy.

Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tối 31.3 đánh giá tình hình chiến sự ở miền nam và vùng Donbass thuộc miền đông nước này vẫn vô cùng khó khăn, cảnh báo Nga đang củng cố lực lượng và chuẩn bị tiến hành “cuộc tấn công mạnh” ở khu vực, theo AFP. Bộ Quốc phòng Anh cũng cho rằng khoảng 1.200 – 2.000 binh sĩ Nga từ Georgia đang được tái tổ chức thành 3 nhóm chiến thuật để tăng cường chiến dịch tại Ukraine.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace ngày 31.3 cho hay các nước phương Tây đã đồng ý gửi xe bọc thép và pháo tầm xa cho Ukraine, theo tờ The Guardian. Ông Wallace khẳng định Ukraine cần pháo tầm xa để đối phó hành động quân sự của Nga. Đến tối qua chưa có thông tin về phản ứng của Nga.

 

Nga đáp trả phương Tây

Kể từ khi chiến sự nổ ra, Liên minh Châu Âu (EU) áp đặt nhiều lệnh cấm vận nhắm vào Nga. Bộ Ngoại giao Nga hôm 31.3 cảnh báo chính sách cấm vận của EU “vượt quá tất cả giới hạn” và ý định của EU rõ ràng là “buộc Nga từ bỏ những lợi ích sống còn của mình”, theo Đài RT. Vì vậy, dựa trên cơ sở có qua có lại, Nga “đang mở rộng đáng kể danh sách những đại diện của các nước thành viên và tổ chức EU bị cấm vào Liên bang Nga”, trong đó có giới lãnh đạo hàng đầu EU, theo Bộ Ngoại giao Nga.

Ngoài ra, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 31.3 tuyên bố từ ngày 1.4, khách hàng từ những quốc gia “thiếu thân thiện” từ chối trả bằng đồng rúp khi mua khí đốt của Nga sẽ bị xem là vi phạm hợp đồng, theo TASS.

Những nước này gồm Mỹ, Anh, 27 nước thuộc EU và một số nước khác. Đức, khách hàng mua khí đốt lớn nhất của Nga, gọi tối hậu thư đó là “đe dọa”, theo Reuters. Sắc lệnh ông Putin ký ngày 31.3 ủy quyền cho ngân hàng Nga Gazprombank mở các tài khoản bằng đồng rúp và ngoại tệ cho việc mua bán khí đốt, theo The Guardian. Đến hôm qua, khí đốt của Nga vẫn được chuyển đến châu Âu, theo Reuters.

VĂN KHOA

TNO