Sao lại bỏ kỳ thi học sinh giỏi?
Sao lại bỏ kỳ thi học sinh giỏi?
Tôi thiết nghĩ tại sao lại bỏ kỳ thi học sinh giỏi, mà hãy để sân chơi này cho các em học sinh được thoải mái đào sâu tìm hiểu tri thức mà mình yêu thích và lựa chọn.
Những ngày gần đây có nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề thi học sinh giỏi. Có ý kiến cổ xúy cho thi học sinh giỏi “góp phần tìm kiếm nhân tài”, nhưng có ý kiến lại cho rằng kỳ thi học sinh giỏi đã lỗi thời và không còn tác dụng trong bối cảnh giáo dục mới.
Vinh quang của người tham dự
Theo tôi, mỗi cuộc thi được tổ chức đều mang đến thành tích, vinh quang của người tham dự, dù đó là cuộc thi về tri thức, khoa học, thể thao, âm nhạc hay nghệ thuật.
Nhớ ngày xưa, khi tôi đoạt giải khuyến khích kỳ thi học sinh giỏi môn địa lý và được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi quốc gia tỉnh Thừa Thiên Huế, đó là một vinh dự lớn đối với tôi cũng như gia đình.
Cả tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ có sáu bạn được tham gia học sinh giỏi cấp quốc gia. Qua thời gian ôn tập trước kỳ thi, nhóm chúng tôi vừa học kiến thức phổ thông tại trường vừa học môn thi học sinh giỏi với khối lượng bài tập, kiến thức lớn nhưng ai nấy đều không hề thấy mệt mỏi, mà ngược lại thấy rất vinh dự.
Đến bây giờ, cháu tôi nằm trong đội tuyển thi học sinh giỏi môn tin học từ khi cấp II. Lên cấp III, mẹ cháu hướng vào trường y nên không khuyến khích cháu tham gia vào đội tuyển của trường. Nhưng không, cháu tôi vẫn âm thầm và được nằm trong đội tuyển thi học sinh giỏi của Trường Quốc học Huế.
Cháu mang rất nhiều giải về cho mẹ từ cấp tỉnh, khu vực đến cấp quốc gia trong suốt ba năm phổ thông. Và cháu đã sử dụng kết quả đạt học sinh giỏi cấp quốc gia để tuyển thẳng vào trường đại học mà cháu mong muốn. Cánh cửa bước vào đại học của cháu không còn mới so với thời bây giờ, nhưng với nhiều người, đó là điều đáng ngưỡng mộ.
Vẫn nên giữ kỳ thi
Từ câu chuyện của gia đình tôi, thiết nghĩ vẫn nên giữ kỳ thi học sinh giỏi bởi một số lý do như sau:
1. Mỗi học sinh đều muốn tạo thành tích cho mình. Tham gia các cuộc thi học sinh giỏi cũng là cơ hội để các em học sinh thể hiện bản thân và ‘tạo profile’ cho mình. Đó cũng là cơ hội cho các em học sinh có những trải nghiệm trong quãng đời học sinh, để lại những kỷ niệm thời áo trắng và hành trang cho nền tảng tri thức.
2. Trong môi trường nào cũng có cạnh tranh, với các em học sinh, việc thi thố tài năng, kiến thức cũng là cách để các em thể hiện tài năng của mình. Có cạnh tranh mới có tiến bộ. Việc cạnh tranh trong môi trường học tập thì là điều càng tốt.
3. Kết quả thi học sinh giỏi chứng tỏ mỗi học sinh đều đạt một ngưỡng giỏi của mình trong một lĩnh vực nhất định. Ngày nay, các trường đại học dựa vào kết quả thi học sinh giỏi để xét tuyển, tuyển thẳng vào đại học. Điều này có thể thấy rằng, việc thi học sinh giỏi đã và đang là điều kiện cần thiết.
4. Đoạt được giải trong kỳ thi học sinh giỏi là niềm hãnh diện, tự hào của các em học sinh.
5. Không thể nói thi học sinh giỏi nhắm vào một số môn chính yếu và đẩy các môn không có thi học sinh giỏi xuống hàng thứ yếu. Vì nếu vậy, cần xem xét số lượng tiết học của các môn trong chương trình học của các em học sinh.
6. Tổ chức thi học sinh giỏi không hề tạo ra tâm lý đố kỵ, mà là cuộc thi có tính học thuật, công bằng, minh bạch. Hiện nay, có rất nhiều cuộc thi cho các em học sinh thì thi học sinh giỏi cũng là một trong những sân chơi trí tuệ cho học sinh. Nếu nói có sự đố kỵ giữa các trường hay giáo viên dạy bồi dưỡng học sinh giỏi thì là vấn đề liên quan đến đạo đức nghề giáo.
Từ những lý do như trên, thiết nghĩ tại sao lại bỏ kỳ thi học sinh giỏi, mà hãy để sân chơi này cho các em học sinh được thoải mái đào sâu tìm hiểu tri thức mà mình yêu thích và lựa chọn.