22/12/2024

Rất nhiều người châu Âu đang cảm thấy nỗi sợ chiến tranh

Rất nhiều người châu Âu đang cảm thấy nỗi sợ chiến tranh

Dù chiến sự chưa lan rộng sang nước khác, nhưng không khí chiến tranh đã bàng bạc khắp nơi, từ những bản tin trên báo, đài, tới giá hàng hóa tăng chóng mặt mỗi ngày.

 

 

Rất nhiều người châu Âu đang cảm thấy nỗi sợ chiến tranh - Ảnh 1.

Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky, phát biểu trước Nghị viện Hà Lan ngày 31-3-2022 qua kết nối video – Ảnh: Reuters

Những ngày này tại châu Âu, dường như chuyện dịch bệnh đã bị gác lại một bên vì còn phải đối mặt với một điều đáng sợ hơn thế. Với rất nhiều người, đây là lần đầu tiên họ cảm thấy nỗi sợ về chiến tranh.

 

“Phản lực” từ cấm vận

Phát biểu trực tuyến trước Quốc hội Đan Mạch hôm 29-3, tổng thống Ukraine cảm ơn các doanh nghiệp nước này như Mærsk, Jysk, Vestas, Lego… đã ngưng hoạt động tại Nga, đồng thời đề nghị Đan Mạch tiến tới chấm dứt hoàn toàn việc nhập khí đốt Nga.

Việc Liên minh châu Âu (EU) áp đặt cấm vận với Nga là không tránh khỏi, nhưng cũng đem lại nhiều khó khăn cho các nước thành viên. Hãng bia Carlsberg đã phải hứng nhiều chỉ trích vì chậm đưa ra quyết định ngưng hoạt động tại Nga, nhưng họ cần có thời gian sắp xếp.

Carlsberg chiếm tới 27% thị phần bia tại Nga, là tập đoàn bia nước ngoài lớn thứ hai tại đây, sau Anheuser-Busch của Bỉ. Chấm dứt hoạt động có nghĩa 8.400 người lao động tại Nga sẽ thất nghiệp và 8 nhà máy của Carlsberg có nguy cơ bị quốc hữu hóa.

Trên thực tế Nga là thị trường rất lớn cho các nước EU. Việc EU trừng phạt Nga năm 2015 từng khiến nhà nông ở các nước Hy Lạp, Ý, Pháp, Bulgaria, Romania… lao đao dù đã được nhận một phần hỗ trợ của khối.

Vấn đề cấp bách hiện nay là năng lượng. Theo tính toán của Euracoal, nếu EU tìm nguồn cung khác thay thế Nga, chi phí chuyên chở dầu thô, than đá, khí đốt hóa lỏng, chủ yếu bằng đường thủy sẽ tốn thêm khoảng 100 tỉ euro mỗi năm.

Cơ quan Năng lượng quốc tế cho rằng EU có thể bù vào 1/3 số lượng chất đốt nhập từ Nga bằng nhiều biện pháp như Na Uy và Azerbaijan tăng sản lượng khí đốt, Đan Mạch khôi phục mỏ khí đốt Tyra, các nước đẩy mạnh sản xuất điện mặt trời, điện gió… Và nếu các hộ gia đình đều giảm một độ sưởi (rất may là thời tiết châu Âu năm nay ấm hơn thường lệ) thì có khả năng đạt được mục tiêu này.

Trong quan điểm của một bộ phận dân chúng, đây là cái giá phải trả của việc nhiều nước xem nhẹ an ninh năng lượng từ nhiều năm qua. Như Đức, trong vài thập niên qua đã quá phụ thuộc vào nguồn cung từ Nga.

Năm 2000, các nhà máy năng lượng hạt nhân của Đức đã cung cấp tới 30% lượng điện năng cần thiết nhưng sau sự cố Fukushima năm 2011, Thủ tướng Merkel đã quyết định đóng cửa chúng.

Đức cũng là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào hai hệ thống Nord Stream 1 và Nord Stream 2 dẫn khí đốt từ Nga vào châu Âu, bất chấp sự phản đối của Mỹ và các nước Trung và Đông Âu.

Trước nguy cơ khủng hoảng năng lượng, tháng trước Ủy ban EU đã quyết định công nhận cả khí đốt tự nhiên và năng lượng hạt nhân là các nguồn năng lượng xanh và bền vững, dù đề xuất này có thể sẽ không được Nghị viện châu Âu thông qua.

Tuy nhiên việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tốn rất nhiều thời gian. Một nhà máy điện hạt nhân của Phần Lan chỉ vừa phát điện vào tuần trước sau… 17 năm xây dựng.

 

Thách thức từ làn sóng tị nạn

Một thách thức nữa cho EU là người tị nạn Ukraine. Tới nay đã có hơn 4 triệu người Ukraine trong số 44 triệu dân nước này, rời bỏ quê hương. Chi phí để lo cho họ không hề nhỏ. Đan Mạch đã tăng chỉ tiêu tiếp nhận từ 20.000 lên 100.000 người nên phải cắt giảm viện trợ cho Syria và các nước như Mali, Burkina Faso, Bangladesh….

Tuy nhiên gánh nặng nhất thuộc về Ba Lan. Hiện đã có khoảng 2,3 triệu người tị nạn Ukraine chọn ở lại đây vì khi trở về sẽ thuận tiện hơn. Ngôn ngữ cũng không là rào cản khi nhiều người Ba Lan biết tiếng Nga, lại có khoảng 1,4 triệu người Ukraine đã sinh sống tại đây từ sau năm 2015.

Số người tị nạn tại thủ đô Warsaw nay đã lên tới 300.000, tức 20% dân cư. Tuy thăm dò cho thấy 94% người Ba Lan ủng hộ giúp Ukraine, song chưa rõ chính phủ của Tổng thống Duda sẽ cầm cự được bao lâu.

Điều rắc rối là giữa Brussels và Warsaw tồn tại xung đột từ mấy năm qua, nghiêm trọng nhất là Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu cáo buộc Chính phủ Ba Lan thiếu dân chủ, không tôn trọng pháp quyền, trong khi Ba Lan cho rằng EU can thiệp quá sâu vào hệ thống tư pháp của họ.

Tháng 2-2022 EU tuyên bố sẽ kỷ luật Ba Lan bằng cách một mặt giữ lại 15 tỉ euro trong khoản thanh toán mà Ba Lan được hưởng từ Quỹ phục hồi của khối, một mặt tiếp tục buộc Ba Lan nộp phạt, hiện đã lên tới 60 triệu euro.

Trong tình hình hiện nay, Ba Lan càng không có khả năng nộp phạt, nhưng xí xóa cho họ thì sẽ ảnh hưởng tới cơ chế kỷ luật của EU. Có lẽ cách duy nhất là cầu cho chiến tranh chấm dứt sớm ngày nào hay ngày đó!

 

Nhiều nước châu Âu tăng chi quốc phòng

Mới đây, Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson tuyên bố sẽ áp dụng lại toàn bộ chế độ quân dịch. Thụy Điển từng bãi bỏ chế độ này vào mùa hè 2010 và giảm đầu tư cho quốc phòng xuống 1,1% GDP.

Đến năm 2018, lo lắng khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea và tập trận trên vùng biển Baltic, Thụy Điển đã áp dụng lại một phần chế độ quân dịch và tăng chi quốc phòng. Nay thì bà Andersson cho rằng ngân sách cho quốc phòng sẽ phải đạt 2% GDP.

Thủ tướng Andersson và Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto đã có một số buổi họp bàn về kế hoạch hợp tác quân sự.

Đan Mạch cũng tuyên bố sẽ nâng dần mức đầu tư cho quốc phòng để đạt chỉ tiêu của NATO là 2% GDP vào năm 2033.

QUẾ VIÊN
TTO