23/12/2024

Nhiều thuỷ lôi trôi nổi trên biển Đen làm gián đoạn vận chuyển quốc tế

Nhiều thuỷ lôi trôi nổi trên biển Đen làm gián đoạn vận chuyển quốc tế

Vận chuyển toàn cầu bị gián đoạn và giá cả lương thực đang tăng lên sau khi các nước phát hiện những quả thuỷ lôi đang trôi nổi trên biển Đen.

 

Nhiều thủy lôi trôi nổi trên biển Đen làm gián đoạn vận chuyển quốc tế - Ảnh 1.

Các thủy lôi trên biển Đen đang làm gián đoạn hoạt động vận chuyển quốc tế – Ảnh: DW

Kể từ cuối tuần trước, hải quân Thổ Nhĩ Kỳ đã phát hiện và phá hủy một số quả thủy lôi đang trôi dạt trên biển Đen. Trong đó, có một quả thủy lôi gần eo biển Bosporus đã bị vô hiệu hóa. Eo biển Bosporus (nối biển Đen với biển Marmara và Địa Trung Hải) phải đóng cửa trong một thời gian ngắn.

Quân đội Romania cũng cho biết họ đã phá hủy một quả thủy lôi do ngư dân phát hiện, theo Đài truyền hình Đức DW.

Các quả thủy lôi không nổi lên trên mà nằm ngay bên dưới mặt nước. Một sợi cáp thép kết nối quả thủy lôi với một mỏ neo để che giấu nó. Thủy lôi sẽ phát nổ khi tiếp xúc với vỏ tàu.

Bộ Quốc phòng Nga và Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) đã cảnh báo về các quả thủy lôi của Ukraine ở khu vực ngoài khơi bờ biển Odessa. Bộ Quốc phòng Nga cho biết có khoảng 10 quả thủy lôi trong tổng số 370 quả thủy lôi bị phát hiện đã đứt neo.

Ukraine bác bỏ các cáo buộc, gọi đó là “các thông tin sai lệch”. Họ nói rằng các quả thủy lôi này bắt nguồn từ kho dự trữ của Ukraine và đã được sử dụng ở cảng Sevastopol ngoài khơi bờ biển Crimea, khu vực bị Nga sáp nhập từ năm 2014.

Không có hiệp định quốc tế nào cấm cài thủy lôi trên biển, cũng như mìn trên đất liền. Tuy nhiên, Công ước La Hay về mìn, thủy lôi yêu cầu các quốc gia phải tuân theo các quy tắc nhất định, trong đó có quy định không được phép thả thủy lôi trôi dạt trong vùng biển quốc tế.

Eo biển Bosporus kết nối biển Đen với Địa Trung Hải và là một tuyến đường thương mại thiết yếu cho tất cả quốc gia lân cận biển Đen.

Tuy nhiên, eo biển Bosporus cũng tạo ra một điểm nghẽn cho việc xuất khẩu lúa mì từ Nga và Ukraine. Nơi này nếu bị chặn có thể khiến giá lúa mì thế giới tăng cao hơn nữa.

Tờ Deutsche Wirtschafts Nachrichten của Đức cho biết, tỉ trọng xuất khẩu lúa mì ra thế giới của Nga và Ukraine chiếm gần 30%. Do ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga – Ukraine, giá lúa mì thế giới đã tăng 43,4%.

Nhiều công ty vận tải biển đã phải chịu áp lực vì cuộc chiến ở Ukraine. Hiệp hội Chủ tàu Đức (VDR) ước tính ít nhất 60 tàu chở hàng thuộc các đội tàu buôn quốc tế đang mắc kẹt tại các cảng của Ukraine. Giờ đây, những thủy lôi trôi dạt đang khiến tình hình vốn đã rất nguy cấp trở nên tồi tệ hơn.

“Chúng tôi rất lo”, ông Gokhan Ozcan thuộc Hiệp hội chủ tàu Thổ Nhĩ Kỳ KOSDER nói với nhật báo Thổ Nhĩ Kỳ Dünya.

GIA MINH
TTO