23/01/2025

Nhiều nơi quay cuồng trong cơn sốt đất

Nhiều nơi quay cuồng trong cơn sốt đất

Không chỉ có miền biển và đồng bằng sốt đất, mà ngay cả khu vực Tây nguyên, nơi tốc độ phát triển đô thị chưa cao nhưng tình trạng sốt đất từng ngày bắt đầu manh nha.

 

 

 

Ngay sau khi một số tập đoàn lớn đã được Chính phủ cho chủ trương lập quy hoạch một số đại đô thị ven biển, cơn sốt đất một lần nữa “bủa vây” thị trường bất động sản (BĐS) Khánh Hòa. Theo ghi nhận, từ hơn nửa tháng nay, giới đầu tư cả nước đang đổ về Khánh Hòa tìm kiếm cơ hội đầu tư lẫn đầu cơ và tranh thủ bán hàng ra thị trường thu hồi vốn.

Nhiều nơi quay cuồng trong cơn sốt đất - ảnh 1
Nhiều môi giới BĐS đổ về tỉnh Đắk Nông hoạt động  THANH QUÂN

“Sốt” theo quy hoạch

Tại H.Cam Lâm, sau khi có thông tin tập đoàn lớn đầu tư 3 dự án với gần 17.000 ha đã khiến giá đất khu vực này sốt trở lại. Có mặt ở xã Cam Hiệp Nam, Cam An Nam (H.Cam Lâm), nơi vốn là vùng thuần nông trồng cây mía, trồng xoài nhưng đi đến đâu cũng nghe thấy người dân bàn chuyện giá đất.

Anh Ngô Minh (một môi giới BĐS) cho hay đất khu vực này cách đây hơn 1 năm ở vị trí trục đường bê tông 5 – 6 m có giá khoảng 30 triệu đồng/mét ngang. Trước tết, đất chỗ này nhích lên 50 triệu đồng/mét ngang, nhưng nay đã hơn

100 triệu đồng/mét ngang. Nguyên nhân được anh Minh nhận định là do có nhiều nhà đầu tư tìm đến đây hỏi mua đất, sau khi biết khu vực các xã này nằm giáp ranh với khu vực một số khu đô thị lớn đang được lập quy hoạch.

Còn khu vực phía tây Nha Trang, đất các xã thuộc H.Diên Khánh cũng bắt đầu tăng, có nơi tăng gấp đôi. Theo anh Nguyễn Khánh Phước (Nha Trang), do có nhu cầu mua đất vùng ven để đưa ba mẹ ở quê (Hà Tĩnh) vào sinh sống, sau tết anh đi H.Diên Khánh (bán kính cách TP.Nha Trang khoảng 15 km) để tìm đất. Tại đây, nhiều lô đất rộng hơn 300 – 400 m2 được chủ báo giá khoảng 3,5 triệu đồng/m2, nhưng tôi chần chừ không mua, đợi thương lượng giá. “Cách đây hơn tuần, tôi gọi điện cho chủ đất để chốt mua thì người ta thông báo đã bán với giá 4,5 triệu/m2. Cách đây 2 ngày, chính lô đất ấy đã được nhiều môi giới BĐS chào bán trên mạng xã hội khi giá tăng thêm một triệu đồng mỗi m2”, anh Phước nói.

Nhiều nơi quay cuồng trong cơn sốt đất - ảnh 2
Thông tin mua bán đất dán đầy trụ điện các tuyến đường vùng ven TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk  TRUNG CHUYÊN

Tương tự, nhiều nơi tại tỉnh Đắk Nông cũng chỉ cần nghe có chủ đầu tư đến xin khảo sát, lập quy hoạch ở một khu vực nào đó, thì tình trạng “sốt” đất lại nóng lên. Trong đó, đáng nói nhất là khu vực hồ Tà Đùng, H.Đắk Glong. Ngay khi có thông tin nhiều doanh nghiệp lớn sẽ về đầu tư, cò đất từ khắp nơi đã kéo về thổi giá đất khu vực quanh hồ Tà Đùng lên cao. Vừa qua, đã có những lô đất được hét giá cao gấp 3 – 4 lần so với giá trước đây. Tuy nhiên, theo chính quyền địa phương, tình trạng sốt đất quanh hồ Tà Đùng chỉ là sốt ảo vì giao dịch thực tế địa phương ghi nhận được rất ít.

Giá đất dậy sóng

Ngoài ra, tại Gia Lai, giá BĐS ở tỉnh này tăng chóng mặt với nhiều nhà đầu tư từ trong và ngoài tỉnh đổ về tìm mua đất trong những tháng gần đây, tạo nên “cơn sốt” đất chưa từng thấy. Theo đó, khu vực “view” hồ, ruộng, khu vực đất ở suối đẹp hay vườn chè, rừng thông cổ thụ… là những từ khóa hot đối với những nhà đầu tư BĐS. Nhiều nhà đầu tư đến từ Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Bình Phước… cùng với lực lượng ở địa phương đã tạo nên “cơn sốt” đất trong nhiều tháng qua. Điển hình, đất ở khu vực xã Chư Đăng Ya, H.Chư Păh trước đây mỗi mét ngang đất mặt tiền có giá chừng 40 – 45 triệu đồng thì chỉ trong vòng hơn nửa năm qua, mức giá đã được giới cò đất đẩy lên hơn 100 triệu đồng/mét ngang. Mới đây, khu đất gồm 104 lô đất với tổng diện tích hơn 17.200 m2 thuộc Khu quy hoạch chi tiết xây dựng khu dân cư phường Chi Lăng, TP.Pleiku có giá khởi điểm hơn 21,7 tỉ đồng, nhưng sau 2 ngày đấu giá (25 và 26.3) 101,1 tỉ đồng với gần 10.700 hồ sơ đấu giá.

Nhiều nơi quay cuồng trong cơn sốt đất - ảnh 3
Khu đất gồm 104 lô ở P.Chi Lăng có giá cao hơn nhiều lần so với giá khởi điểm khi đem ra đấu giá  TRẦN HIẾU

Tại Đắk Lắk, sau tết đến nay, tình trạng giá đất tăng nhanh tập trung nhiều nhất ở TP.Buôn Ma Thuột, các huyện lân cận. Theo ghi nhận, đất ở các địa phương trên được mua bán, sang nhượng với giá cao ngất ngưởng. Một lãnh đạo chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP.Buôn Ma Thuột cho biết, những tháng qua, số hồ sơ giao dịch đất trên địa bàn tăng nhiều lần so với những năm trước. Theo vị này, do có thông tin về các dự án đầu tư hạ tầng lớn, cùng các dự án BĐS khác trên địa bàn nên giá đất tại TP.Buôn Ma Thuột ngày càng tăng. Ngoài ra, dịch bệnh vừa qua cũng làm thay đổi cách nghĩ của người dân ở các địa phương, không ít người từ các tỉnh, thành khác có xu hướng muốn sở hữu căn nhà thứ 2 theo kiểu nhà vườn, xa các đô thị lớn nên đến vùng ven TP.Buôn Ma Thuột tìm mua đất, kéo theo lượng hồ sơ giao dịch đất đai tăng…

Tại TP.Gia Nghĩa (Đắk Nông), hiện những lô đất có view hồ cũng đang được thổi giá rất cao khi ngày có nhiều người mê loại hình BĐS này. Anh Nguyễn Hưng Thiên (TP.Gia Nghĩa, Đắk Nông) chia sẻ, tháng 4.2020, anh mua lô đất ở xã Đắk Nia (TP.Gia Nghĩa) rộng 5.000 m2 với giá 1,6 tỉ đồng. Sau 2 năm, lô đất này có người trả 5 tỉ đồng nhưng anh không bán. “Mặc dù nhiều lần tôi thẳng thừng từ chối nhưng các tay cò đất cứ làm phiền. Có nhiều người còn bạo gan cắm biển bán đất lên lô đất của tôi kèm theo số điện thoại của họ”, anh Hưng kể.

 

Ngăn chặn, xử lý rao bán đất không đúng

Trả lời Thanh Niên, ông Ngô Văn Bảo, Chủ tịch UBND H.Cam Lâm, cho rằng để đối phó với tình trạng BĐS nóng lên sau khi các tập đoàn lớn vào nghiên cứu, huyện đã thành lập ban chỉ đạo riêng về lĩnh vực đất đai, quy hoạch để tránh tình trạng rao bán đất đai, dự án không đúng. Đồng thời, công bố công khai quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 để người dân nắm rõ. Bên cạnh đó, H.Cam Lâm đã thành lập Ban chỉ đạo về việc quản lý đất đai trên địa bàn, mục đích hạn chế việc đẩy giá đất và cố tình tạo “sốt ảo” BĐS nhằm trục lợi, gây khó khăn cho công tác quản lý.

Còn chính quyền Gia Lai, dù tỉnh đã khẩn trương có những văn bản chỉ đạo để ổn định tình hình mua bán, trao đổi BĐS trên địa bàn, song thực sự tình hình vẫn nóng lên từng ngày. Ông Đỗ Tiến Đông, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Gia Lai, cho hay chính quyền tỉnh đang giao cho các cơ quan chức năng vào cuộc tìm hiểu nguyên nhân giá đất tăng cao cũng như những vấn đề liên quan để có phương án chỉ đạo, xử lý.

Riêng chính quyền Đắk Lắk, địa phương này có các biện pháp quyết liệt hơn khi đề nghị giao Công an tỉnh chỉ đạo rà soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm đối với tổ chức môi giới, mua bán BĐS, cá nhân sử dụng tập tin dự thảo bản đồ quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 – 2030 của các địa phương để tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá đất lên cao, tạo bong bóng BĐS nhằm trục lợi bất hợp pháp, gây bất ổn cho thị trường…

THANH NIÊN

TNO