23/01/2025

Mỹ gia tăng sức ép quân sự với Trung Quốc ở Biển Đông

Mỹ gia tăng sức ép quân sự với Trung Quốc ở Biển Đông

Mỹ đang gia tăng sức ép quân sự đối với Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nói chung, đặc biệt ở Biển Đông, khi liên tục đẩy mạnh các hoạt động dưới nhiều cách thức khác nhau.

 

 

Theo trang thông tin của Bộ Quốc phòng Mỹ, tàu sân bay nước này USS Abraham Lincoln vừa hoạt động ở Biển Đông vào cuối tháng 3.

Điều động căn cứ viễn chinh di động

Đặc biệt trước đó, cũng vào cuối tháng 3, Lầu Năm Góc đã điều động căn cứ viễn chinh di động – tàu USS Miguel Keith đi vào Biển Đông khiến Trung Quốc phải phản ứng. Đây là lần đầu tiên USS Miguel Keith hoạt động ở Biển Đông sau khi được triển khai ở vùng tây Thái Bình Dương từ tháng 10.2021. Dài khoảng 240 m và có độ choán nước lên đến 90.000 tấn, tàu này mang theo một số máy bay trực thăng chiến đấu đa nhiệm, nhưng vai trò trọng yếu là đáp ứng công tác hậu cần cho hải quân.

Mỹ gia tăng sức ép quân sự với Trung Quốc ở Biển Đông - ảnh 1
Căn cứ viễn chinh di động USS Miguel Keith

Trả lời Thanh Niên ngày 2.4, ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp – Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ và đang giảng dạy ở Đại học Hawaii về quan hệ quốc tế, lịch sử) giải thích: “Tàu USS Miguel Keith là một căn cứ di động của hải quân Mỹ để cho hạm đội được hỗ trợ hậu cần và sửa chữa di động ở các khu vực xa”.

“Căn cứ viễn chinh di động có thể thực hiện hầu hết những gì một căn cứ hỗ trợ cố định có thể đáp ứng (ngoại trừ sửa chữa ở độ nhà máy đóng tàu) và duy trì hoạt động suốt chiến dịch hải quân. Nó có thể hỗ trợ các hoạt động của thủy quân lục chiến như trên bờ và bảo dưỡng, sửa chữa ngay lập tức trên các tàu hải quân”, cựu đại tá Schuster giải thích thêm.

Thông điệp của Washington

Nhận định về việc Mỹ điều động USS Miguel Keith qua Biển Đông, ông Schuster cho rằng: “Về mặt chính trị, việc triển khai căn cứ viễn chinh di động đến Biển Đông báo hiệu rằng hải quân Mỹ đủ sức tự do hoạt động ở vùng biển này cả trong thời bình lẫn khi xảy ra xung đột. Về mặt hoạt động thực tế, thì diễn biến trên chứng tỏ hải quân Mỹ đang thử nghiệm hoạt động của các lực lượng hỗ trợ viễn chinh ở Biển Đông”.

Mỹ gia tăng sức ép quân sự với Trung Quốc ở Biển Đông - ảnh 2
Chiến đấu cơ F-35 trên tàu sân bay USS Abraham Lincoln hoạt động ở Biển Đông ngày 29.3  HẢI QUÂN MỸ

Tương tự, cũng trả lời Thanh Niên, TS James Holmes (chuyên gia chiến lược hàng hải – Đại học Hải chiến Mỹ) phân tích: “Việc triển khai USS Miguel Keith là một cách Mỹ gửi thông điệp đến Trung Quốc lẫn các đồng minh và đối tác của Washington ở châu Á. Lẽ ra, một số nước trong khu vực nên đẩy nhanh việc hợp tác phát triển cơ sở với Mỹ để chống lại các hoạt động vùng xám của Trung Quốc vốn ẩn chứa nhiều khả năng gây hấn. Washington không thể mãi đơn độc trong nỗ lực này nếu các bên khác chùn bước trong việc tự bảo vệ lợi ích của họ. Tuy nhiên, Washington vẫn gửi đi thông điệp rằng Mỹ có các lựa chọn khác chứ không chỉ lệ thuộc vào việc xây dựng các căn cứ trên đất liền theo kiểu truyền thống”.

Thực tế, Washington gần đây liên tục thể hiện khả năng tổ chức tác chiến đa dạng với nhiều biện pháp linh hoạt ở Biển Đông. Cụ thể, sau khi thử nghiệm nhiều cách thức triển khai không quân linh hoạt tại Biển Đông, quân đội Mỹ cũng đẩy mạnh việc đa dạng hóa biện pháp tác chiến ở vùng biển này như phối hợp nhóm tác chiến tàu sân bay với nhóm tác chiến sẵn sàng đổ bộ, điều động tàu sân bay tiếp cận Biển Đông bằng nhiều hải trình khác nhau để tạo sự bất ngờ…

TS Holmes đánh giá: “Qua đó, Washington có thể đối phó với Bắc Kinh ngay cả khi một số đồng minh và đối tác chưa có chính sách phối hợp rõ ràng. Washington cũng cho Bắc Kinh thấy rằng Mỹ có nhiều chọn lựa mạnh mẽ để ngăn chặn Trung Quốc”.

 

Cựu quan chức Philippines đề xuất tuần tra chung ở Biển Đông

Đài GMA vừa dẫn lời cựu Chánh án Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio đề nghị đưa Trung Quốc ra tòa trọng tài, đồng thời cho rằng Philippines cần tuần tra chung ở Biển Đông với Mỹ và các nước Đông Nam Á. Đề xuất được đưa ra sau khi Lực lượng tuần duyên Philippines ngày 27.3 cáo buộc tàu hải cảnh Trung Quốc “hoạt động ở khoảng cách gần” tại khu vực bãi cạn Scarborough ở Biển Đông đã “hạn chế” sự di chuyển của một tàu Philippines.

Ông Antonio Carpio cho rằng việc tuần tra cũng nên tiến hành tại các vùng đặc quyền kinh tế của các bên.

Khánh An

 

Quân đội Trung Quốc tăng cường tập trận xuyên đêm

Tờ South China Morning Post ngày 1.4 đưa tin truyền thông nhà nước Trung Quốc gần đây liên tục đăng tải thông tin về việc quân đội nước này tiến hành các cuộc tập trận xuyên suốt cả ngày lẫn đêm. Nổi bật trong số này, không quân Trung Quốc vừa điều động các loại chiến đấu cơ J-11B và J-11BS bay tập trận liên tục gần 20 giờ, bay qua hơn 5.000 km, có ra biển và thử nghiệm đáp ở nhiều sân bay có địa hình khác nhau.

Tờ báo dẫn lời chuyên gia quân sự ở Đài Loan nhận định Trung Quốc đại lục đang đẩy mạnh năng lực tác chiến liên tục, đặc biệt là khả năng tác chiến xuyên đêm để tăng yếu tố bất ngờ và khả năng phản ứng tức thời, ở các vùng biển trong khu vực như Biển Đông, biển Hoa Đông… Trong năm 2021, quân đội Trung Quốc đã tiến hành 100 cuộc tập trận vào ban đêm, trong đó có 70 cuộc tập trận diễn ra từ nửa đêm đến rạng sáng. Con số này nhiều hơn đáng kể so với năm 2020. Bởi trong năm 2020, quân đội Trung Quốc chỉ tiến hành 30 cuộc tập trận vào ban đêm, trong đó có 11 cuộc tập trận từ nửa đêm đến rạng sáng.

Các cuộc tập trận trên được cho là nhằm tăng cường năng lực chống lại sức mạnh quân sự của Mỹ trong khu vực.

NGÔ MINH TRÍ

TNO