Muôn nẻo luyện thi
Muôn nẻo luyện thi
Đêm 31-3, Bộ GD-ĐT công bố đề thi tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022. Như vậy, học sinh bắt đầu bước vào mùa luyện thi với kỳ thi tốt nghiệp, thi đánh giá năng lực, thi tiếng Anh…
Bên cạnh các “lò” luyện thi truyền thống, gần đây xuất hiện “lò” luyện thi online với những cam kết vô cùng hấp dẫn như “chắc chắn đạt 100+” (đạt trên 100 điểm đánh giá năng lực theo thang điểm của ĐH Quốc gia Hà Nội), “đảm bảo đạt 120 điểm”. Hoặc cung cấp độc quyền bộ đề chuẩn đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội, combo luyện thi cấu trúc chuẩn của ĐH Quốc gia TP.HCM…
Hoa mắt với các “gói” luyện thi online
Trên một trang luyện thi có tên “Đánh giá năng lực” giới thiệu các lớp cơ bản (ôn toán, lý, hóa, sinh, sử, địa, tiếng Anh) có mức giá đã “khuyến mãi” cho đợt ôn tập nước rút này, còn 199.000 đồng, thay vì gần 300.000 đồng trước đó. Khóa chuyên đề ngôn ngữ tiếng Việt – Tư duy có mức giá 399.000 đồng thay vì gần 500.000 đồng trước đó. Các gói tổng ôn có mức giá từ 700.000 đến trên 1 triệu đồng. Tài liệu ôn tập cũng được rao bán với giá 50.000 đồng/môn học.
Một số trang khác còn thông báo rõ luyện thi đánh giá năng lực theo kỳ thi của cơ sở nào tổ chức. Ví dụ có trang luyện thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội. Trang này còn công bố “độc quyền cung cấp 20 bộ đề chuẩn cấu trúc đề thi của ĐH Quốc gia Hà Nội. Trong combo trọn gói luyện thi sẽ có các đợt thi thử. Ngoài ra thí sinh có thể mua các gói để tham gia nhóm kín trao đổi học tập có cố vấn hỗ trợ giải đáp của chuyên gia.
Nhiều trang luyện thi giới thiệu combo luyện thi, bao gồm các lớp ôn cơ bản, luyện đề, lớp tổng ôn hoặc live đặc biệt, tổ chức thi thử. Nếu thí sinh mua cả combo sẽ rẻ hơn mua lẻ từng khóa khác nhau. Mức giá khoảng 300.000 – 500.000 đồng nếu mua lẻ và 1 – 3 triệu đồng nếu mua cả combo. Mức tiền khác nhau, thời lượng của mỗi khóa, combo cũng được công bố khác nhau, từ 10 giờ đến 50 và 90 giờ…
Trong khi đó ông Nguyễn Tiến Thảo, giám đốc Trung tâm khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội, khẳng định rằng việc lao vào các lò luyện chỉ giải quyết vấn đề tâm lý, chứ thí sinh không thể thay đổi kết quả thi chỉ trong thời gian vài tháng ôn luyện.
“Qua mỗi đợt thi chúng tôi đều phỏng vấn thí sinh đạt điểm cao ở top 10, top 20. Những em được điểm cao đa số lại ở các tỉnh lẻ, không có điều kiện đến các lớp luyện thi. Còn tại Hà Nội, điểm cao chỉ rơi vào một số học sinh chuyên. Đã trải qua ba đợt thi, khảo sát thì thấy những thí sinh đã thi lại lần 2 vẫn chỉ đạt được mức điểm như lần 1. Đây là điểm khác biệt giữa thi đánh giá năng lực và cách thi khác như thi tốt nghiệp THPT” – ông Thảo nói.
Theo ông Thảo, ĐH Quốc gia Hà Nội không tổ chức luyện thi. “Thậm chí chúng tôi không chọn người tham gia luyện thi bên ngoài để xây dựng, biên soạn câu hỏi thi đánh giá năng lực” – ông Thảo khẳng định.
Ông Thảo cũng cho rằng thí sinh cần có sự tích lũy trong một thời gian dài, cụ thể là cả ba năm học THPT để có được một năng lực nhất định, chứ không thể luyện thi cấp tốc mà nâng cấp được năng lực.
Cần một hướng ôn thi phù hợp
Dồn tổng lực để thi lấy chứng chỉ tiếng Anh đợt cuối là một trong những hướng nhiều học sinh lớp 12 đang lao theo. “Em đang học theo hình thức 1-1 ở trung tâm IMES tại Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội), trung tâm cam kết đầu ra là 7.0 với mức học phí 42 triệu đồng. Nhưng vì dịch COVID-19, kế hoạch bị trì hoãn. Hiện em đang cố ôn tập để thi đợt tháng 4. Nếu không đạt được mục tiêu thì cũng nghỉ để lựa chọn hướng khác cho xét tuyển đại học” – Minh Chi, một học sinh, cho biết. Em này cùng lúc học với gia sư luyện thi IELTS, vừa học offline tại trung tâm và một ca online khác trên mạng.
Theo cô Thu Hà, một giáo viên chủ nhiệm Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), 90% học sinh lớp 12 lớp cô chủ nhiệm đã ít nhất một lần thi IELTS. Nhiều em chưa đạt mục tiêu đang cố “chạy nước rút”.
Sau khi Bộ GD-ĐT công bố đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT, các trường THPT bắt đầu tăng tốc ôn thi cho học sinh. Nhưng trong bối cảnh học sinh bị phân tâm với nhiều ngả luyện thi, nhiều giáo viên tỏ ra lo ngại về tính hiệu quả và áp lực đè nặng.
Cô Nguyễn Thị Nhiếp, hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa, cho biết dự kiến sẽ phải họp phụ huynh lớp 12 để trao đổi về tình hình năm nay. Theo cô Nhiếp, nhiều phương thức xét tuyển đại học, nhưng trừ phương thức xét tuyển bằng chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, thì các phương thức còn lại vẫn lệ thuộc vào năng lực, kiến thức cơ bản học sinh nắm được trong chương trình THPT. Cùng với đó, dù tuyển sinh phương thức nào nhưng 100% học sinh lớp 12 vẫn phải vượt qua “cửa ải” đầu tiên là thi tốt nghiệp.
“Chúng tôi giao các tổ bộ môn có kế hoạch ôn tập cho học sinh, từ giữa tháng 4-2022 sẽ là thời điểm phải tăng số tiết ôn tập, song song với dạy để kết thúc chương trình lớp 12. Bám sát kiến thức cơ bản, cho học sinh làm quen với đề thi tham khảo của Bộ GD-ĐT và các đơn vị tổ chức thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy nội dung chúng tôi đang hướng dẫn học sinh” – cô Nhiếp nói.
Không nên chạy theo luyện thi
Ông Nguyễn Xuân Thành, vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT, cho rằng học sinh không nên chạy theo các lớp luyện thi. Điều quan trọng là các em cần biết tự hệ thống kiến thức cơ bản của các môn học, dựa vào tài liệu ôn tập chính là sách giáo khoa, dựa vào hướng dẫn điều chỉnh nội dung chương trình đã được Bộ GD-ĐT ban hành vào tháng 9-2021 để ôn tập. Có thể ôn tập theo các chủ đề, ôn tập theo các nhóm nội dung có yêu cầu cao dần lên, tương ứng với các mức độ của đề thi được Bộ GD-ĐT quy định.
Lớp luyện thi với cả ngàn học sinh
Khác với luyện thi offline, lớp luyện online có khi đến vài trăm hoặc cả ngàn học sinh. Các trung tâm luyện thi chia nhiều ca học để học viên chọn giờ phù hợp và dành thời gian tương tác với học sinh trên các group, hoặc livestream, tùy theo học phí chi trả.