23/12/2024

Lằn ranh đỏ cho công ty chứng khoán

Lằn ranh đỏ cho công ty chứng khoán

Không chỉ mua bán lướt sóng cổ phiếu, “cạnh tranh” với chính khách hàng của mình khi nắm được nhiều thông tin trọng yếu của doanh nghiệp, các công ty chứng khoán (CTCK) còn có thể trở thành sân sau cho “người nhà” thao túng cổ phiếu.

 

 

Lằn ranh đỏ cho công ty chứng khoán - Ảnh 1.

Dù trong bộ quy tắc đạo đức nghề mà bất kỳ nhân viên môi giới chứng khoán nào cũng được tiếp cận có nội dung “không được trực tiếp hoặc gián tiếp cấu kết với người khác để thực hiện hành vi thao túng giá chứng khoán”, nhưng rất khó để giám sát việc này.

Không chỉ mua bán lướt sóng cổ phiếu thông qua hoạt động tự doanh, “cạnh tranh” với chính khách hàng của mình khi nắm được nhiều thông tin trọng yếu của doanh nghiệp, các công ty chứng khoán (CTCK) còn có thể trở thành sân sau cho “người nhà” thao túng cổ phiếu.

Những khách hàng lớn được phía CTCK báo tin trước, khách nhỏ, ít tiền chạy theo sau, tôi cảm thấy không công bằng.

Nhà đầu tư Nguyễn Minh Hải (31 tuổi) chia sẻ.

 

Ai cũng muốn có CTCK

Trên thị trường hiện có không ít CTCK có dây mơ rễ má với các doanh nghiệp niêm yết. Chẳng hạn Chứng khoán VIX được nhiều người trong giới đầu tư nhắc kèm đại gia Nguyễn Văn Tuấn – người có liên quan tới loạt doanh nghiệp như Thiết bị điện Việt Nam (GEX), Dây cáp điện Việt Nam (CAV), Kho vận miền Nam (STG)…

Ngoài ra, nhiều ngân hàng cũng có CTCK phía sau. Hay Chứng khoán BOS (mã ART, tên cũ là Chứng khoán FLC) cũng được giới đầu tư xếp vào những “hệ sinh thái FLC”, bên cạnh những doanh nghiệp khác như Tập đoàn FLC (FLC), Xây dựng FLC Faros (ROS), Nông dược HAI (HAI), Đầu tư thương mại và xuất nhập khẩu CFS (KLF) và Đầu tư và khoáng sản FLC Stone (AMD).

Trong đề xuất mở chiến dịch “làm sạch thị trường chứng khoán” gửi đến Bộ Tài chính, ông Nguyễn Hoàng Hải (phó chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam) cho biết tồn tại tình trạng nhóm thao túng giá mua lại CTCK nhỏ để làm công cụ làm giá bằng nhiều thủ đoạn như tạo lập hàng ngàn tài khoản để tạo cung cầu giả tạo, làm giả tài khoản nước ngoài, làm giả báo cáo tài chính, thành lập nhiều công ty ma để thực hiện các hành vi giao dịch giả tạo để đẩy giá chứng khoán, tạo doanh thu lợi nhuận, vốn điều lệ giả và ảo cao gấp hàng chục hàng trăm lần số vốn thực có để thực hiện hành vi bán giấy lấy tiền thật.

Tại đại hội cổ đông thường niên 2021, vấn đề xung đột đạo đức trong kinh doanh cũng được cổ đông của Chứng khoán SSI đặt ra. Ông Nguyễn Duy Hưng (chủ tịch SSI) khẳng định khối tự doanh của công ty không kinh doanh dựa trên những điều khuyến nghị nhằm đảm bảo tính công bằng, tránh mâu thuẫn quyền lợi với cổ đông trên thị trường, dù điều đó có thể ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh. “Chúng tôi không tham gia vào câu chuyện làm giá, thổi giá, đồng hành với nhóm này hay nhóm khác”, ông Hưng nói.

Lằn ranh đỏ cho công ty chứng khoán - Ảnh 3.

Phiên giao dịch chứng khoán tại một công ty chứng khoán ở quận 1 (TP.HCM) – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Biết trước thông tin, thắng cả ván cờ

Với nhà đầu tư vốn là khách hàng của CTCK, khi công ty cung cấp dịch vụ lại tự doanh – mua bán lướt sóng cổ phiếu, những nghi ngờ về xung đột lợi ích, bất bình đẳng về việc tiếp cận thông tin luôn được đặt ra. Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán, biết trước thông tin là thắng cả ván cờ.

Điển hình như vào giữa năm 2021 cổ phiếu Tập đoàn Masan (MSN) tăng trần nhờ tin đồn “gã khổng lồ” Alibaba rót vốn vào The CrownX.

Một tuần sau tin đồn trở thành sự thật, Alibaba và đối tác đạt thỏa thuận chi 400 triệu USD mua cổ phần The CrownX. Tuy nhiên, hàng tháng trước đó, trong nhóm tập hợp khách hàng VIP của một số CTCK đã biết trước tin này và gọi mua cổ phiếu Masan từ sớm.

Ông Hồ Quốc Tuấn (giảng viên ĐH Bristol, Anh) nhận định khi CTCK hoạt động tự doanh, khả năng thao túng thị trường “luôn tồn tại và dân trong nghề hiểu được sự xung đột về lợi ích”.

Hiện nay nhiều CTCK Việt Nam được phép tiếp cận các doanh nghiệp để được báo trước về lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết sẽ công bố, các hoạt động đầu tư trọng yếu, nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào công ty, kế hoạch thoái vốn… từ đó có thể sử dụng thông tin này để báo với “khách VIP”, tất nhiên bao gồm bộ phận tự doanh của CTCK đó.

Ví dụ khác, có ngân hàng cũng thông tin đến các chuyên gia phân tích, nhà đầu tư tổ chức những vấn đề quan trọng nhất như tăng trưởng tín dụng, thu nhập từ lãi, chi phí dự phòng, những chỉ số trọng yếu như CAR… Các số liệu này có độ chính xác rất cao, lệch rất ít so với báo cáo tài chính mà ngân hàng công bố sau đó.

“Đây là một cách hành xử phân biệt đối xử trong cung cấp thông tin mà luật pháp của đa số các nước, bao gồm cả những thị trường mới nổi như Trung Quốc, cũng đã cấm. Rõ ràng, thị trường Việt Nam đang có nhiều vấn đề trong bất cân xứng thông tin cũng như những lợi thế nhất định cho nhà đầu tư lớn, hoạt động tự doanh của CTCK”, ông Tuấn chia sẻ.

Lằn ranh đỏ cho công ty chứng khoán - Ảnh 4.

Sử dụng nhiều tài khoản chứng khoán của các tổ chức để “làm giá”, sau đó bán chui gây thiệt hại cho nhà đầu tư – Ảnh: TỰ TRUNG

CTCK cạnh tranh với chính khách hàng

Không chỉ được biết trước thông tin trọng yếu của doanh nghiệp niêm yết, CTCK còn nhìn thấy được dòng lệnh trên bảng giao dịch chứng khoán, hiểu dòng tiền thị trường, cũng như được ưu tiên thực hiện lệnh của mình.

Điển hình nhà đầu tư khó quên thời điểm tình trạng nghẽn lệnh diễn ra triền miên, bảng điểm sàn HoSE từng bị “treo cứng”, các chỉ số không nhúc nhích, “bịt mắt” giao dịch. Tuy nhiên lúc đó nhiều môi giới của các CTCK vẫn biết được thanh khoản thị trường đang bao nhiêu. Chưa kể, các khách hàng VIP của CTCK cũng được báo cổ phiếu nào đang căng margin (vay ký quỹ) để ra quyết định, tránh rủi ro.

Ông M. – lãnh đạo của một CTCK lớn – chia sẻ do tham gia tự doanh nên biến động lợi nhuận của nhiều CTCK thường rất lớn, đột biến. Để bảo đảm tính độc lập, nguyên tắc là không tự doanh. Trường hợp muốn mua bán lướt sóng trên thị trường, công ty nên có một quỹ đầu tư riêng hoặc công ty con có báo cáo tài chính độc lập. Các CTCK 100% vốn ngoại, khi muốn tự doanh tại Việt Nam cũng thường chọn cách này.

Vấn đề đầu tiên được vị chuyên gia đặt ra là đạo đức nghề nghiệp. Khi hoạt động tự doanh xảy ra, việc minh bạch trong báo cáo phân tích khó kiểm soát, không loại trừ trường hợp đẩy giá cổ phiếu. Giả sử mã cổ phiếu A tự doanh đang nắm lỗ, đội ngũ phân tích bị ảnh hưởng, đặt lợi ích công ty lên trên lợi ích nhà đầu tư, đưa ra khuyến nghị mua, “úp sọt” nhà đầu tư nhỏ. Tiếp đến, lợi nhuận tự doanh của CTCK được hạch toán theo giá thị trường, các khoản lãi vẫn được ghi nhận dù chứng khoán chưa được bán, thị giá vào ngày cuối quý trước sẽ được lấy làm giá để tính lỗ/lãi chưa thực hiện cho quý tiếp theo.

Chẳng hạn CTCK mua cổ phiếu B với giá 5.000 đồng, sau đó giá tăng lên 15.000 đồng, CTCK không cần bán cổ phiếu trên mà vẫn có quyền ghi lãi 10.000 đồng, đẩy lợi nhuận sau thuế tăng cao. “Cách ghi lãi trên tạo ra lợi nhuận ảo, mới chỉ lãi trên báo cáo tài chính, nếu sau đó giá cổ phiếu biến động, phải bán lại bị lỗ”, vị chuyên gia cho hay. Cách tính lãi trên ít nhiều có lợi cho cổ phiếu của CTCK bởi gây hiểu nhầm cho nhà đầu tư.

Hoạt động tự doanh của CTCK cũng là rủi ro. Khi thị trường lao dốc, tự doanh thua lỗ, các nghiệp vụ chính, đặc biệt là hoạt động cho vay margin, bị ảnh hưởng, không có khả năng thanh toán cho khách hàng, tiền của khách hàng bị lợi dụng. Chẳng hạn trong khi nhiều CTCK lãi đậm, cũng có công ty lỗ cả trăm tỉ do tự doanh.

Ngoài ra, giới đầu tư khó quên trường hợp Chứng khoán SME từng gây rúng động khi dùng thủ đoạn đưa các mã chứng khoán khống vào hợp đồng hợp tác đầu tư chứng khoán niêm yết, hợp đồng ủy thác, cầm cố với các đối tác để lừa đảo của các tổ chức hơn 380 tỉ đồng. Những khách hàng chưa kịp rút tiền từ tài khoản của SME cũng không biết đi đòi ở đâu.

 

“Tự doanh kiếm tiền ngon hơn”

Bên cạnh mảng kinh doanh cốt lõi là môi giới, cho vay margin, hoạt động tự doanh đang góp tỉ trọng lớn vào cơ cấu lãi của nhiều CTCK. Với hoạt động mua bán cổ phiếu, CTCK vừa là bên cung cấp dịch vụ, lại vừa “cạnh tranh” với chính khách hàng của mình. “Đặc thù nghiệp vụ môi giới chứng khoán có lãi không nhiều. Thời gian này thị trường tăng trưởng, hoạt động tự doanh kiếm tiền ngon hơn”, giám đốc một CTCK cho hay.

 

“Sân sau” của FLC thao túng cổ phiếu thế nào?

Screen Shot 2022-04-01 at 08

Mới đây, vụ ông Trịnh Văn Quyết – chủ tịch Tập đoàn FLC – bị bắt tạm giam để điều tra về hành vi thao túng cổ phiếu cho thấy ông Quyết đã chỉ đạo nhiều người thân và một số người khác điều hành nhân viên thuộc Chứng khoán BOS và các công ty con sử dụng khoảng 20 tài khoản chứng khoán của 11 tổ chức để thực hiện việc “làm giá” cổ phiếu FLC từ 14.000 đồng (1-12-2021) lên mức 24.000 đồng/cổ phiếu (10-1-2022). Sau đó ông Quyết bán “chui” 74,8 triệu cổ phiếu FLC nhưng bị “tuýt còi”. Nếu thành công, ông Quyết có thể hưởng lợi bất chính số tiền hơn 530 tỉ đồng.

Thế nhưng, đang bị “soi”, tài khoản bị đình chỉ giao dịch trong 5 tháng, để đối phó với cơ quan chức năng, ông Quyết đã giao cho người thân sử dụng các tài khoản mở tại Chứng khoán BOS liên tục đặt lệnh mua cổ phiếu FLC với số lượng lớn để đẩy giá cổ phiếu, “thổi” từ 12.000 đồng/cổ phiếu lên 14.500 đồng/cổ phiếu (ngày 22-3).

Giới đầu tư đều có thể nhận ra mối quan hệ giữa ông Quyết, Tập đoàn FLC và Chứng khoán BOS.

Cụ thể, theo báo cáo tình hình quản trị 2021 được công bố hồi đầu năm nay, bà Hương Trần Kiều Dung là đại diện pháp luật và cũng là chủ tịch HĐQT Chứng khoán BOS (bổ nhiệm từ 18-6-2020). Ở Tập đoàn FLC, bà Kiều Dung ngồi ghế phó chủ tịch thường trực. Ông Lê Bá Nguyên – thành viên HĐQT Chứng khoán BOS – cũng từng là thành viên HĐQT Tập đoàn FLC. Em gái của ông Quyết là bà Trịnh Thị Thúy Nga giữ chức vị trí thành viên HĐQT kiêm phó tổng giám đốc của công ty chứng khoán này.

Ngoài ra, riêng ông Quyết cũng từng là chủ tịch HĐQT của Chứng khoán BOS, trước khi ông Doãn Văn Phương được bổ nhiệm thay thế vào tháng 12-2011. Bên cạnh giữ 30,34% cổ phần tại FLC, ông Quyết cũng sở hữu hơn 3,156 triệu cổ phiếu ART của Chứng khoán BOS, tương đương 3,2% vốn điều lệ.

Theo báo cáo tài chính đã kiểm toán (công bố ngày 30-3-2022), năm 2021 Chứng khoán BOS ghi nhận lãi sau thuế gần 34 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ lãi xấp xỉ 1,6 tỉ đồng. Rổ danh mục tự doanh của công ty chứng khoán này đa số là các cổ phiếu thuộc “họ FLC” đã niêm yết trên sàn như FLC, HAI, KLF, GAB, hay cổ phiếu chưa niêm yết gồm FHH (FLC Homes), BAV (Bamboo Airways)…

B.MAI

BÔNG MAI
TTO