23/12/2024

Hệ luỵ chọn ngành học để làm hài lòng ba mẹ

Hệ luỵ chọn ngành học để làm hài lòng ba mẹ

Thời gian này, những học sinh lớp 12 đang chọn ngành nghề để tuyển sinh vào đại học. Cha mẹ nên để cho con quyết định hay sẽ là người làm thay con trong việc chọn ngành? 

 

 

 

Hệ lụy chọn ngành học để làm hài lòng ba mẹ - ảnh 1
Học sinh lớp 12 đặt câu hỏi để lựa chọn ngành nghề phù hợp với khả năng và sở trường trong một chương trình tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên tổ chức các năm trước  LÊ THANH

Nếu được làm lại…

Nguyễn Thị Thu Hương, sinh viên năm 3 Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, kể: “Hồi nhỏ mình ước mơ sau này trở thành cô giáo nhưng khi học xong lớp 12, ba mẹ không cho mình thi vào ngành sư phạm. Ba mẹ nói, mình hãy chọn trường nào ngành kinh tế mà học mới có tương lai chứ làm cô giáo lương ba cọc, ba đồng làm sao cuộc sống khấm khá nổi. Giờ theo học ngành kinh tế nhưng thú thật mình không có khả năng bươn chải và nhạy bén với thị trường nên không biết sau này cuộc sống có tốt như kỳ vọng của ba mẹ không nữa”.

Mặc dù sắp ra trường nhưng Lê Văn Hiếu, sinh viên năm 4, Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, khẳng định: “Hiện tại em thấy mình đã chọn sai ngành học. Tuy nhiên em cũng phải cố gắng học để ra trường rồi sẽ tính sau”.

Hiếu nhớ lại: “Hồi đó, em thích học ngành công nghệ ô tô của một trường cao đẳng nhưng do ba em nói sao đậu đại học mà lại đòi học cao đẳng, lúc đó em không biết nói sao để bảo vệ quan điểm của mình và đã xuôi theo ý của ba mẹ”.

Hệ lụy chọn ngành học để làm hài lòng ba mẹ - ảnh 2
Học sinh tỉnh Bình Thuận tham gia chương trình Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên tổ chức  LÊ THANH

Chị Trần Thị Ngọc Thúy (32 tuổi), ngụ tại chung cư Ngô Tất Tố, P.19, Q.Bình Thạnh (TP.HCM), đang làm nghề kinh doanh tự do, cho biết: “Mình tốt nghiệp chuyên ngành kế toán của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM vào năm 2010, nhưng thật lòng mà nói đến giờ này cái ngành của mình học ra chẳng có liên quan gì với việc kiếm tiền của mình gì cả. Bởi từ khi ra trường cho đến nay mình toàn làm những công việc chẳng liên quan gì đến con số và sổ sách”.

Chị Thúy nói: “Khi bước vào giai đoạn thực tập của năm cuối ĐH mình đã thấy bản thân không phù hợp với ngành học này, bởi suốt ngày cứ tiếp cận với sổ sách thu chi và con số làm mình nhức đầu. Nhưng sở dĩ mình ráng tốt nghiệp cho có tấm bằng cử nhân là để gia đình vui lòng vậy thôi chứ thật tình mà nói lúc đó mình đã chẳng thấy có hứng thú gì rồi”.

Theo chị Thúy, nếu bây giờ cho mình chọn lại thì không bao giờ mình chọn ngành kế toán, thay vào đó mình sẽ học một cái ngành liên quan đến dinh dưỡng, sức khỏe.

 

Cha mẹ cùng tham gia chứ không nên quyết định thay con

Ông Lê Văn Lâm ngụ tại ấp Kim Giao, thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, phụ huynh có 2 con học tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM và Trường ĐH Y dược Cần Thơ, chia sẻ: “Cha mẹ chỉ nên đóng vai trò là người đồng hành, hỗ trợ con trong việc xây dựng thái độ sống tích cực để khám phá, phát triển bản thân chứ không nên áp đặt thay con trong việc chọn ngành nghề”.

Mới đầu tôi cũng không vui nhưng cuối cùng phải tôn trọng quyết định của con, vì suy cho cùng mình không học thay con. Và nghề nghiệp, tương lai của con phải do con lựa chọn và quyết định

Ông Lê Văn Lâm, phụ huynh

Theo ông Lâm, hầu hết cha mẹ đều mong muốn con cái sẽ học hành thật tốt để sau này có nghề nghiệp ổn định, tương lai tươi sáng. “Tuy nhiên, những điều mong muốn của cha mẹ chưa chắc đã trùng hợp với sở thích, ước mơ và đam mê của con. Bởi vì tư duy, góc nhìn của cha mẹ nhiều khi mang tính áp đặt, chủ quan”, ông Lâm nói.

Ông Lâm dẫn chứng: “Những năm trước khi 2 con tôi chưa vào đại học, tôi mong muốn con trai sẽ vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM và con gái vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM để sau này trở thành cô giáo. Tuy nhiên, khi quyết định chọn nguyện vọng thì 2 con có mong muốn hoàn toàn khác với tôi. Mới đầu tôi cũng không vui nhưng cuối cùng phải tôn trọng quyết định của con, vì suy cho cùng mình không học thay con. Và nghề nghiệp, tương lai của con phải do con lựa chọn và quyết định”.

Hệ lụy chọn ngành học để làm hài lòng ba mẹ - ảnh 3
Phụ huynh đồng hành cùng con trong kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức  LÊ THANH

Theo thạc sĩ công tác xã hội Trần Minh Hải, giảng viên thỉnh giảng của Trường ĐH Hoa Sen, những học sinh cuối cấp, nhất là những em lớp 12 chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa cuộc đời có quyền được chọn lựa nghề nghiệp để theo học. Tùy hoàn cảnh và mức độ nhận thức của từng học sinh mà cha mẹ nên tạo cơ hội để các em cùng tham gia vào quá trình chọn lựa nghề nghiệp cho tương lai.

“Ngày nay, nhờ các phương tiện truyền thông phát triển cho nên việc tìm hiểu một ngành nghề nào đó trong xã hội vô cùng thuận lợi. Chính vì vậy, cha mẹ hãy tạo điều kiện thuận lợi về tâm lý lẫn vật chất để con mình tự tìm hiểu thông tin về nghề nghiệp. Và cha mẹ nên học cách lắng nghe con một cách chân thành, tôn trọng ý kiến cá nhân, tránh trường hợp quyết định theo kiểu áp đặt, gây ức chế và làm tổn thương đến con. Bởi vì lựa chọn một ngành nghề phù hợp đúng sở thích để theo học và sau này đi làm cũng giống như người ta chọn vợ để chung sống”, ông Hải nói.

Ông Hải lưu ý: “Nếu cha mẹ can thiệp và quyết định chọn nghề nghiệp thay con mà không phù hợp với nguyện vọng mong muốn của con trẻ thì sau đó dễ dẫn đến mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái. Tai hại hơn, việc cha mẹ ép con học ngành nghề theo ý muốn của mình còn dẫn đến một hệ lụy, đó là con bạn sẽ khó phát triển nghề nghiệp bền vững trong tương lai. Nếu không muốn nói, có khi con bạn bỏ ngang việc học giữa chừng, làm mất thời gian, công sức và tiền bạc”.

LÊ THANH

TNO