23/12/2024

Hà Nội đang ‘bỏ rơi’ các quán karaoke, bar… ?

Hà Nội đang ‘bỏ rơi’ các quán karaoke, bar… ?

Nhiều doanh nghiệp karaoke ‘kêu cứu’ và cho rằng loại hình kinh doanh này đang bị Hà Nội ‘bỏ rơi’ khi tới nay thành phố chưa có động thái cho phép hoạt động trở lại.

 

 

Hà Nội đang bỏ rơi các quán karaoke, bar... ? - Ảnh 1.

Các cửa hàng karaoke tại Hà Nội phải tạm đóng cửa gần 1 năm nay để “phòng dịch” – Ảnh: PHẠM TUẤN

Từ 0h ngày 30-4-2021, UBND thành phố Hà Nội cho tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường… để “phòng dịch” COVID-19.

Sau gần 1 năm tạm đóng cửa, đến nay, khi các hoạt động kinh doanh khác đã được mở cửa trở lại sau khi dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, nhưng các cửa hàng kinh doanh karaoke, bar… tại Hà Nội vẫn chưa được mở cửa.

Anh Nguyễn Duy Phương – chủ quán karaoke Ione (Thanh Xuân, Hà Nội) – cho biết cơ sở kinh doanh của mình đang trong tình cảnh lao đao sau gần 1 năm phải tạm đóng cửa vì dịch COVID-19: “Mỗi tháng tôi phải bỏ khoảng 150 triệu để trả tiền mặt bằng nhằm duy trì cơ sở kinh doanh karaoke. Ngoài ra, còn chi phí để trả một phần cho quản lý và nhân viên nữa”.

“Dịch bệnh bây giờ cũng đã giảm rồi, các hoạt động kinh tế, du lịch gần như đã mở cửa, bây giờ cũng phải cho các ngành nghề này hoạt động để chúng tôi tồn tại. Nếu Hà Nội cho rằng nghề này dễ lây nhiễm thì Hà Nội nên đưa ra những giải pháp phòng dịch tại các quán karaoke giống như các tỉnh thành khác, sau đó cho mở cửa”, anh Phương nói.

Anh Phương cho rằng việc Hà Nội chưa có hướng dẫn hay thông báo cụ thể khiến các chủ kinh doanh karaoke “tiến thoái lưỡng nan”, thành phố Hà Nội đang “bỏ rơi” loại hình kinh doanh này, bởi “Hà Nội một tuần họp giao ban một lần nhưng rất ít khi đề cập tới việc bao giờ cho phép mở quán karaoke”.

Sở hữu 5 quán karaoke thuộc hệ thống Karaoke 5 sao, anh Nguyễn Văn Du – chủ hệ thống – cho biết đã nhiều lần đợi chờ, hy vọng UBND thành phố Hà Nội có những hướng cởi mở hơn để mở hơn, nhưng đến nay “vẫn chưa có động tĩnh gì”.

“Từ 30-4-2021 đến nay gần tròn 1 năm, chưa kể năm 2020 cũng rất biến động, hoạt động kinh doanh karaoke bị ngắt quãng, chúng tôi rất sốt ruột. Chúng tôi mong sao Hà Nội có những chỉ đạo cụ thể, rõ ràng hơn nữa để tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở kinh doanh”, anh Du nói.

Với 5 cơ sở, mỗi tháng anh Du phải chi khoảng 1 tỉ đồng để duy trì.

 

Cần có chính sách hỗ trợ các quán karaoke

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, luật sư Nguyễn Văn Phi – phó giám đốc Công ty luật TNHH LawKey – cho rằng nếu Hà Nội tiếp tục ngưng hoạt động cơ sở kinh doanh dịch vụ có nguy cơ cao như vũ trường, karaoke, massage, quán bar… sẽ ảnh hưởng đến kinh tế, đến hoạt động kinh doanh của cơ sở, lực lượng lao động tại các cơ sở này.

Các tổ chức, cá nhân này sẽ thấy mình trong trạng thái “bị bỏ lại phía sau” trong khi thành phố đã thích ứng linh hoạt và trong trạng thái bình thường mới.

“Chính sách về đầu tư kinh doanh tại Luật đầu tư 2020 cũng đã quy định: Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu về tài sản, vốn đầu tư, thu nhập và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của nhà đầu tư.

Vì vậy, UBND thành phố Hà Nội trong thời gian chưa cho phép cơ sở kinh doanh dịch vụ có nguy cơ cao như vũ trường, karaoke, massage, quán bar… cần có chính sách hỗ trợ riêng cho các cơ sở này để quyền, lợi ích của họ được bảo đảm theo quy định”, luật sư Phi nhận định.

Hiện nhiều tỉnh, thành phố đã xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 đối với các cơ sở kinh doanh vũ trường, karaoke, massage, quán bar…. và cho phép hoạt động trở lại.

“Chính vì thế, tôi cũng có kiến nghị UBND thành phố Hà Nội sớm xem xét mở lại các dịch vụ karaoke, spa, massage… không nên dừng quá dài để đảm bảo quyền, lợi ích của cơ sở kinh doanh theo chính sách về đầu tư kinh doanh tại Luật đầu tư 2020”, luật sư Phi nói.

PHẠM TUẤN
TTO