21/12/2024

Đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT năm 2022: Giáo viên nói gì?

Đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT năm 2022: Giáo viên nói gì?

Sau khi Bộ GD-ĐT công bố đề thi tham khảo của tất cả các môn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, giáo viên đã có những nhận xét về yêu cầu và nội dung có trong đề.

 

 

Đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT năm 2022: Giáo viên nói gì? - ảnh 1
Thí sinh sẽ được giáo viên ôn tập theo định hướng từ đề tham khảo   ĐÀO NGỌC THẠCH

Giáo viên Trần Đình Hương, tổ trưởng tổ hóa Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM) nhận xét: “Đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT môn hóa có 50% câu hỏi (20 câu), ở mức độ biết, 20% với 8 câu ở mức độ hiểu và 12 câu vận dụng. Riêng với 12 câu vận dụng (3 điểm) thì có khoảng 4 câu khó hơn năm trước”.

“Nói chung đề có 7 điểm dành cho thí sinh thi tốt nghiệp và 3 điểm để phân hóa, phù hợp với tình hình học sinh học trực tuyến kéo dài do ảnh hưởng của dịch Covid-19”, thầy Hương nói.

Còn thạc sĩ Phan Thế Hoài, giáo viên ngữ văn Trường THPT Bình Hưng Hòa (Q.Bình Tân), nhận định đề tham khảo tương tự như đề thi tốt nghiệp THPT năm 2021 và biên độ phân hóa phù hợp với việc xét tốt nghiệp (6 điểm) và xét tuyển ĐH. Nội dung yêu cầu có tính phân hóa thể hiện rõ ở câu nghị luận văn học và nghị luận xã hội.

Qua đề tham khảo, thạc sĩ Thế Hoài cho hay giáo viên nắm bắt được ma trận đề và căn cứ vào đó để có kế hoạch ôn tập cho học sinh.

Riêng ở phần nghị luận văn học, học sinh cần lưu ý Bộ GD-ĐT có thể cho ngữ liệu là đoạn văn, đoạn thơ… nhưng học sinh không chỉ nắm bắt nội dung đó mà phải cảm nhận toàn bộ tác phẩm, giá trị mà tác giả gửi gắm… Từ đó, liên hệ, mở rộng kết hợp với kỹ năng nghị luận thì bài viết mới sâu sắc, chặt chẽ.

Với đề tham khảo môn lịch sử, thạc sĩ Nguyễn Viết Đăng Du, tổ trưởng tổ lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3), cho rằng: “Đề vừa sức với giáo viên còn với học sinh thì chỉ giảm tỷ lệ thí sinh bị điểm liệt so với năm trước và yêu cầu đạt điểm trên trung bình cũng hơi xa tầm với. Theo đề tham khảo này, phổ điểm tập trung ở mức từ 2,5 – 4,5 điểm”.

Thạc sĩ Đăng Du lý giải: “Năm nay, hình thức học tập không ổn định, hết trực tuyến kéo dài sau đó đến trường trở lại thì trực tiếp và trực tuyến thay đổi liên tục vì học sinh mắc Covid-19 phải cách ly y tế… Do đó, các em khó có thể nắm bắt được khái quát tiến trình lịch sử như những năm trước”.

Theo thạc sĩ Du, trong đề tham khảo môn lịch sử, với các câu hỏi dễ, “mồi nhử” (đáp án) có thể suy luận ngay trong đề. Tuy nhiên, để nhận ra “mồi nhử”, chọn đáp án chính xác thì học sinh phải nắm rõ sự kiện nào diễn ra trước, nhớ kỹ thời gian. Để có được điều này thì phải học lịch sử theo kiểu khái quát, lần lượt nhưng năm nay học sinh khó thực hiện được điều này do hình thức học tập thay đổi liên tục.

BÍCH THANH

TNO