23/01/2025

Đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT năm 2022: Có môn dễ hơn năm trước

Đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT năm 2022: Có môn dễ hơn năm trước

Đề tham khảo  kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 mà Bộ GD-ĐT mới công bố được đánh giá là không thay đổi so với năm trước, có môn còn tăng mức độ… dễ.

 

 

Cách ra đề đem lại cảm giác an toàn

Bà Trịnh Thị Thu Tuyết, nguyên giáo viên (GV) văn Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội), cho rằng: Đề thi tham khảo môn văn năm nay nhìn chung không thay đổi so với đề tham khảo cũng như đề thi chính thức của năm 2021. Thậm chí, cấu trúc và kiểu dạng câu hỏi không có gì thay đổi so với đề thi từ năm 2019 – 2020.

Đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT năm 2022: Có môn dễ hơn năm trước - ảnh 1
Học sinh lớp 12 sẽ được ôn tập theo định hướng đề thi tham khảo Bộ GD-ĐT công bố hôm qua  ĐÀO NGỌC THẠCH

Theo bà Tuyết, với cấu trúc quen thuộc, mức độ các câu hỏi vừa sức, có xu hướng giảm tải khá rõ khi gia tăng câu hỏi nhận biết so với các kỳ thi THPT quốc gia trước đây, đọc hiểu sẽ là phần kiến thức và kỹ năng hứa hẹn khả quan cho quỹ điểm của thí sinh (TS) trong quá trình thực hiện các yêu cầu của đề bài.

Bà Tuyết nhận định: “Nhìn chung, nếu đề tham khảo đúng với tính chất minh họa cho cấu trúc, kiểu dạng, mức độ các câu hỏi của đề thi chính thức trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, đó sẽ là những định hướng đem lại sự yên tâm, cảm giác an toàn cho thầy và trò các trường phổ thông trong thời gian ôn luyện sắp tới”.

Nhiều GV các môn lý, hóa, sinh cũng cho rằng đề tham khảo bài thi khoa học tự nhiên đảm bảo mục tiêu xét công nhận tốt nghiệp THPT, có độ phân hóa phù hợp. Theo đó, mỗi môn thi thành phần vẫn bao gồm 40 câu hỏi với thời gian làm bài 50 phút và tuân thủ đúng cấu trúc nội dung, bám sát hướng dẫn về dạy học giảm tải ứng phó với dịch Covid-19 mà Bộ ban hành từ đầu năm, không có câu hỏi thuộc nội dung đã được tinh giản trong chương trình lớp 12 của năm học 2021 – 2022. Về phạm vi, có tới 90% câu hỏi thuộc chương trình lớp 12, còn lại là phần kiến thức thuộc chương trình lớp 11. Khoảng 70 – 75% số câu hỏi thuộc mức độ nhận biết và thông hiểu, 25 – 30% số câu hỏi còn lại thuộc mức độ vận dụng và vận dụng cao.

Bà Trần Vân Anh, GV môn lịch sử của Hệ thống giáo dục Học Mãi, chỉ ra rằng: 95% tổng số câu hỏi trong đề thuộc kiến thức lớp 12 và 5% câu hỏi thuộc lớp 11; riêng với câu hỏi lớp 12, có 79% câu hỏi thuộc học kỳ 1. Theo bà Vân Anh, nếu như đề thi tốt nghiệp THPT năm 2021 có 75% câu hỏi thuộc mức độ nhận biết thông hiểu thì đề thi tham khảo có 80% câu hỏi thuộc mức độ này. Các câu hỏi này đều hỏi về những kiến thức cơ bản không làm khó TS. 20% câu hỏi thuộc phần vận dụng – vận dụng cao, rải đều ở các chuyên đề lịch sử VN từ năm 1919 – 1975, không có câu hỏi thuộc phần lịch sử thế giới.

Bà Vân Anh lưu ý: Trong đề tham khảo môn lịch sử xuất hiện 1 câu hỏi thuộc về kiến thức mục II bài 25 (là nội dung thuộc chương trình giảm tải theo Công văn 5842 mà Bộ GD-ĐT ban hành năm 2011) nhưng theo Công văn 4040 cũng của Bộ GD-ĐT ban hành năm 2021 thì vẫn dạy, nên nếu học sinh không chú ý hoặc chủ quan có thể bỏ qua nội dung này.

 

Tiếng Anh sẽ vẫn có phổ điểm “lạ” ?

Nhiều GV tiếng Anh nhận xét đề thi tham khảo của môn này năm 2022 giữ được tính ổn định về cấu trúc, không có sự thay đổi nhiều so với đề thi năm 2021 về mức độ và các dạng câu hỏi, phù hợp với mục tiêu của kỳ thi. Có khoảng 80% câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu, phần còn lại là các câu hỏi vận dụng và vận dụng cao. Phần lớn các câu hỏi kiến thức ngữ pháp và một số câu từ vựng rất quen thuộc với TS trong quá trình học và ôn tập lớp 12. Các dạng bài ngữ âm hầu hết kiểm tra các từ cơ bản, xuất hiện trong sách giáo khoa; câu giao tiếp rất gần gũi với đời sống – đáp lại lời cảm ơn và lời đề nghị; các dạng bài để gỡ điểm, TS có thể đạt điểm tối đa ở những nội dung này.

Bà Am Thùy Linh, GV Trường THCS – THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), chia sẻ: “Nếu như các năm trước khi học sinh không phải nghỉ học quá dài vì dịch bệnh thì tôi sẽ thất vọng và nói đề thi này quá dễ, sẽ làm xuất hiện tình trạng “mưa điểm 10” ở khu vực thành thị, nơi các em được đầu tư học ngoại ngữ nhiều và tốt hơn. Tuy nhiên, năm nay học sinh phải học gần hết năm học theo hình thức trực tuyến, chất lượng và ý thức học tập giảm sút rõ rệt nên tôi thấy đề thi ra theo hướng đó là phù hợp hướng dẫn giảm tải của Bộ, phù hợp với chất lượng dạy học trực tuyến như năm học này”.

Tuy nhiên, bà Am Thùy Linh dự báo, với cách thức ra đề như vậy thì đề thi môn tiếng Anh năm nay cũng sẽ vẫn xuất hiện phổ điểm “lạ” như năm trước với 2 đỉnh trái ngược nhau do điều kiện và động lực học tập môn học này quá khác biệt giữa vùng thành thị và nông thôn.

Ông Lê Anh Tuấn, GV dạy toán của Hệ thống Học Mãi, cũng cho rằng cấu trúc đề thi tham khảo môn toán giữ được tính ổn định, gần như không có sự thay đổi so với năm 2021. Tuy nhiên vẫn có một số câu hỏi ở dạng mới, cách cho dữ kiện đề bài mới lạ mang tính thử thách dành cho những TS muốn lấy điểm tuyệt đối.

 

Các trường không bất ngờ

Bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội), cho biết: “Về cơ bản, GV đều nhận xét đề tham khảo mà Bộ GD-ĐT mới công bố giữ ổn định về cấu trúc và mức độ phân hóa như năm 2021. Một số GV có cho rằng độ phân hóa ở 1 – 2 môn rõ hơn một chút so với năm trước nhưng không làm thay đổi đáng kể về mức độ dễ – khó của đề thi và vẫn phù hợp với mục tiêu để đánh giá tốt nghiệp THPT hơn là xét tuyển ĐH, đặc biệt là những trường ĐH, ngành học top đầu”.

Cũng theo bà Nhiếp, khi nghiên cứu đề tham khảo kỳ thi năm nay của Bộ thì tâm trạng chung là thở phào vì cơ bản ổn định. “Điều mà các trường và học sinh đang chờ đợi nhất lúc này là Bộ ban hành hướng dẫn đăng ký dự thi cũng như hướng dẫn đăng ký xét tuyển ĐH ra sao”, bà Nhiếp nói.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội), nói GV và đặc biệt là học sinh đang mong chờ những hướng dẫn cụ thể về việc đăng ký dự thi, xét tuyển; TS là F0, F1 sẽ dự thi hay đặc cách tốt nghiệp ra sao…

Ông Quách Đức Hiển, Hiệu trưởng Trường THPT Nho Quan A (Ninh Bình), cũng cho biết: Sau khi Bộ GD-ĐT công bố đề thi tham khảo các môn kỳ thi tốt nghiệp, ban giám hiệu và GV sẽ họp và phân tích đề thi tham khảo các môn và quyết định có sự điều chỉnh nhất định trong kế hoạch ôn tập ở từng môn.

 

Đề môn sử, thí sinh khó đạt điểm trung bình ?

Với đề tham khảo môn lịch sử, thạc sĩ Nguyễn Viết Đăng Du, tổ trưởng tổ lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM), nhận xét: “Đề vừa sức với GV, còn với học sinh thì chỉ giảm tỷ lệ TS bị điểm liệt so với năm trước nhưng yêu cầu đạt điểm trên trung bình cũng hơi xa tầm với. Theo đề tham khảo này, phổ điểm tập trung ở mức từ 2,5 – 4,5 điểm”.

Thạc sĩ Đăng Du lý giải: “Năm nay, hình thức học tập không ổn định, hết trực tuyến kéo dài, sau đó đến trường trở lại thì trực tiếp và trực tuyến thay đổi liên tục vì học sinh mắc Covid-19 phải cách ly y tế… Do đó, các em khó có thể nắm bắt được khái quát tiến trình lịch sử như những năm trước”.

Theo thạc sĩ Du, trong đề tham khảo môn lịch sử, với các câu hỏi dễ, “mồi nhử” (đáp án) có thể suy luận ngay trong đề. Tuy nhiên, để nhận ra “mồi nhử”, chọn đáp án chính xác thì học sinh phải nắm rõ sự kiện nào diễn ra trước, nhớ kỹ thời gian. Để có được điều này thì phải học lịch sử theo kiểu khái quát, lần lượt nhưng năm nay học sinh khó thực hiện được điều này do hình thức học tập thay đổi liên tục.

Bích Thanh

TUỆ NGUYỄN

TNO