23/01/2025

Chiến tranh Nga – Ukraine: Trung Quốc chọn đứng ở đâu?

Chiến tranh Nga – Ukraine: Trung Quốc chọn đứng ở đâu?

Những tuyên bố mới nhất của các quan chức Trung Quốc cho thấy nước này dường như chọn “đứng ngoài” cuộc chiến tranh Nga – Ukraine, một kiểu “đứng ngoài” theo cách riêng của họ.

 

 

Chiến tranh Nga - Ukraine: Trung Quốc chọn đứng ở đâu? - Ảnh 1.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trên), Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel (dưới, phải) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen trong cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến hôm 1-4 – Ảnh: TÂN HOA XÃ

Ngày 2-4, ông Vương Lỗ Đồng, vụ trưởng Vụ châu Âu thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, phát biểu trước báo giới: “Chúng tôi không cố tình làm bất cứ điều gì để lách các lệnh trừng phạt mà Mỹ và châu Âu áp đặt lên Nga”.

 

Giúp “theo cách riêng”

Đây là phát biểu rõ ràng nhất cho đến nay về quan điểm của Bắc Kinh trong vấn đề phương Tây trừng phạt Nga vì chiến dịch quân sự ở Ukraine. Tuyên bố của ông Vương được đưa ra chỉ một ngày sau khi các quan chức hàng đầu Liên minh châu Âu (EU) và các lãnh đạo Trung Quốc họp thượng đỉnh trực tuyến lần đầu tiên trong gần hai năm.

Tại cuộc họp ngày 1-4, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói với các nhà lãnh đạo EU rằng Trung Quốc luôn tìm kiếm hòa bình và thúc đẩy các cuộc đàm phán, đồng thời sẽ thúc đẩy hòa bình ở Ukraine “theo cách riêng của mình”. Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hy vọng EU sẽ có cách tiếp cận vấn đề “độc lập”.

Tuy nhiên, không rõ “cách riêng” như ông Lý nói là gì. Ông Vương Lỗ Đồng cho rằng vai trò của Trung Quốc không nên “được đánh giá quá cao”. “Mấu chốt của vấn đề này không nằm trong tay Trung Quốc, mà thuộc về Washington và Brussels”, ông Vương nói. Dù vậy Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho rằng “Trung Quốc không thể làm ngơ” trước hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen, cho biết các lãnh đạo hai bên đã có những quan điểm đối lập rất rõ ràng về nhiều chủ đề tại cuộc họp. Tuy nhiên, bà Ursula von der Leyen hy vọng Trung Quốc sẽ dùng ảnh hưởng của họ với tư cách một nước lớn và là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc để thuyết phục Nga ngừng chiến dịch quân sự tại Ukraine. Nhưng EU không nhận được cam kết từ Trung Quốc về vấn đề này.

Bà Ursula von der Leyen nhấn mạnh bất kỳ sự hỗ trợ nào của Bắc Kinh nhằm giúp Nga tăng năng lực chiến đấu ở Ukraine đều dẫn đến “tổn hại danh tiếng to lớn cho Trung Quốc” tại châu Âu.

 

Trung Quốc lo bị ảnh hưởng?

Thời gian qua, Trung Quốc đang xây dựng quan hệ an ninh, thương mại và năng lượng chặt chẽ hơn với Nga. Khoảng vài tuần trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine hôm 24-2, Trung Quốc và Nga đã tuyên bố quan hệ đối tác giữa hai nước là “không có giới hạn”.

Kể từ sau ngày 24-2 đến nay, Trung Quốc từ chối lên án Nga nhưng lại lên án các biện pháp trừng phạt đơn phương của phương Tây. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói với các nhà lãnh đạo EU rằng nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng Ukraine chính là “căng thẳng an ninh khu vực châu Âu”, và “giải pháp cơ bản là giải quyết những lo ngại an ninh chính đáng của tất cả các bên liên quan”.

Theo Hãng tin AP, cuộc họp thượng đỉnh giữa Trung Quốc và EU diễn ra trong bối cảnh tâm lý tiêu cực về Bắc Kinh gia tăng bên trong khối EU. Hãng tin Reuters cho rằng Trung Quốc đang lo ngại các nước châu Âu cũng sẽ đi theo chính sách đối ngoại cứng rắn hơn của Washington, do đó Bắc Kinh kêu gọi EU độc lập hơn trong chính sách quan hệ với Trung Quốc.

EU, Anh và Mỹ đã trừng phạt các quan chức Trung Quốc vì cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương. Nghị viện châu Âu còn “đóng băng” thỏa thuận đầu tư đã đàm phán giữa EU và Trung Quốc. Cùng với đó là căng thẳng xoay quanh việc Đài Loan mở văn phòng đại diện ở Lithuania. Đỉnh điểm là EU và Trung Quốc công bố trừng phạt các quan chức của nhau.

Do đó chiến sự Nga – Ukraine có thể sẽ khiến quan hệ Trung Quốc – EU thêm căng thẳng nếu Bắc Kinh có động thái hỗ trợ Matxcơva. Tuy nhiên, ông Vương Nghĩa Nguy – giám đốc Học viện quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc – nhận định quan hệ Trung Quốc – EU sẽ không thể bị xấu đi do cuộc khủng hoảng Ukraine hay các vấn đề khác.

 

Trung Quốc muốn làm ăn với cả Nga, EU

Trước những cảnh báo của EU, ông Vương Lỗ Đồng nói hoạt động thương mại bình thường của Trung Quốc với Nga “không nên bị ảnh hưởng”. “Ngay cả châu Âu cũng tiến hành công việc kinh doanh bình thường với Nga” – ông Vương nói.

Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết Bắc Kinh “hy vọng EU cũng sẽ tạo môi trường kinh doanh tốt cho các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư và phát triển ở châu Âu”. Theo các quan chức EU, hiện nay 13,7% tổng trao đổi thương mại của Trung Quốc được thực hiện với khối EU (gồm 27 quốc gia), 12% với Mỹ và chỉ 2,4% với Nga.

BẢO ANH
TTO