23/12/2024

Ba Lan cảnh báo lệnh trừng phạt Nga không hiệu quả vì đồng rúp… vẫn lên giá

Ba Lan cảnh báo lệnh trừng phạt Nga không hiệu quả vì đồng rúp… vẫn lên giá

Tỉ giá đồng rúp đang quay trở lại thời điểm Nga phát động chiến dịch quân sự với Ukraine. Điều này có nghĩa là lệnh trừng phạt không gây ra hiệu quả như mong muốn, thủ tướng Ba Lan nói.

 

Ba Lan cảnh báo lệnh trừng phạt Nga không hiệu quả vì đồng rúp… vẫn lên giá - Ảnh 1.

Đồng rúp của Nga đang mạnh lên – Ảnh: REUTERS

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết các biện pháp trừng phạt chống Nga đã không có hiệu quả như mong đợi, bằng chứng là đồng rúp đang mạnh lên, theo Hãng thông tấn TASS của Nga.

Ông Morawiecki cũng kêu gọi châu Âu áp dụng “các biện pháp trừng phạt thực tế hơn”.

Đồng rúp của Nga bắt đầu tăng trở lại kể từ ngày 31-3, sau khi rớt giá vì các lệnh trừng phạt của Mỹ và các đồng minh châu Âu liên quan đến chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, theo Economic Times.

Nga đã sử dụng các biện pháp tài chính để giảm nhẹ các hình phạt của phương Tây. Khi phương Tây áp đặt các mức trừng phạt chưa từng có đối với nền kinh tế Nga, Ngân hàng Trung ương Nga đã tăng lãi suất đồng rúp lên 20% và Điện Kremlin đã áp đặt các biện pháp kiểm soát vốn nghiêm ngặt đối với những người muốn đổi rúp sang USD hoặc euro.

Đồng rúp được giao dịch ở mức xấp xỉ 85 rúp đổi 1 USD vào ngày 31-3, gần bằng với tỉ giá trước khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine một tháng trước (24-2). Tỉ giá ngày 3-4 là 84 rúp đổi 1 USD.

Hồi đầu tháng 3, đồng rúp đã giảm xuống mức thấp, khoảng 150 rúp/1 USD vào ngày 7-3, khi có tin chính quyền Tổng thống Biden cấm nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga.

Trên tờ Izvestia của Nga, nhà phân tích Oleg Syrovatkin tại bộ phận nghiên cứu toàn cầu của Otkritie Investments cho rằng sức mạnh của đồng rúp được hậu thuẫn sau khi các nhà xuất khẩu được yêu cầu bán 80% thu nhập ngoại hối. Tiếp đến, việc Tổng thống Vladimir Putin đề nghị các quốc gia nằm trong danh sách “không thân thiện” phải thanh toán hóa đơn nhập khẩu khí đốt Nga bằng đồng rúp sẽ còn thúc đẩy giá trị của đồng nội tệ này hơn nữa.

Trong khi đó, chiến lược gia đầu tư tại BCS World of Investments Alexander Bakhtin cho biết vì nhu cầu du lịch quốc tế từ Nga bị giảm mạnh nên nhu cầu sử dụng ngoại tệ cũng giảm theo (người Nga ít đổi rúp sang USD và euro), dẫn đến việc đồng rúp mạnh lên.

LAN HƯƠNG
TTO