Vai trò ngoại giao văn hoá của Thư viện Vatican
Vai trò ngoại giao văn hoá của Thư viện Vatican
Hàng ngàn tài liệu
Tài liệu Marega là một bộ sưu tập khoảng 10.000 tài liệu, mô tả sự hiện diện và bách hại cộng đoàn Công giáo tại Nhật Bản. Đây là giai đoạn từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19. Các tài liệu được nhà truyền giáo người Ý, cha Mario Marega đưa đến Vatican vào những năm 40 của thế kỷ 20. Kể từ đó, các tài liệu vẫn ở trong kho lưu trữ của Vatican cho đến năm 2010, khi nhà nghiên cứu Delio Proverbio tìm thấy chúng.
Các tài liệu được viết trên giấy gạo, chúng rất thanh mảnh; để có thể chạm vào phải dùng găng tay đặc biệt. Theo Đức ông Cesare Pasini, Quản thủ Thư viện, đây là “bộ sưu tập tài liệu lớn nhất thuộc loại này”. Trong 6 năm, bắt đầu từ năm 2014 có một thỏa thuận giữa Thư viện Vatican và 4 Viện Lịch sử Nhật Bản về việc dịch và phân loại các tài liệu.
Văn bản đầu tiên trong số này có niên đại 1719, nội dung nói về sự xuất hiện Kitô giáo tại Nhật Bản vào năm 1549 do các cha Dòng Tên đến loan báo Tin Mừng. Để hiểu được đức tin đã lan rộng trong nước như thế nào, người ta có thể đọc trong một tài liệu mô tả việc 4 nhà quý tộc Nhật Bản đã đến Roma năm 1585 tham dự cuộc bầu cử của Giáo hoàng Sixtus V. Nhiều tài liệu trong số này đã cho biết chi tiết cuộc bách hại chống cộng đoàn mới của Mạc Phủ, và mô tả chi tiết cuộc tử đạo của 26 Kitô hữu Nagasaki, hậu quả dẫn đến việc trục xuất Kitô giáo vào năm 1612.
Lịch sử loan báo Tin Mừng ở Nhật Bản. Các tài liệu Marega của Thư viện Vatican
Phát biểu tại buổi giới thiệu sách “Lịch sử loan báo Tin Mừng ở Nhật Bản. Các tài liệu Marega của Thư viện Vatican”, Đức Hồng y Mendonca cho biết, các sự kiện lịch sử lớn của Nhật được bảo quản bên ngoài lãnh thổ, là những tài liệu hiện đang được lưu giữ trong Thư viện Vatican. Đây là một công trình hợp tác giữa Thư viện Vatican và Nhật Bản, cả hai đều muốn “bắt đầu nghiên cứu, phục hồi và lập danh mục hàng nghìn tài liệu, với các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã làm việc nhiều lần trong Thư viện Vatican”.
Trưởng Văn khố và Thư viện Trưởng Vatican nhấn mạnh vai trò của Văn khố Toà Thánh trong việc mở các bộ sưu tập lưu trữ cho các nhà nghiên cứu, điều này đang đóng góp đáng kể cho hoạt động nghiên cứu mối quan hệ Toà Thánh- Nhật Bản. Các tài liệu được lưu giữ trong Bộ sưu tập Marega là nền tảng để tái xây dựng lịch sử Kitô giáo Nhật Bản. Nhưng giá trị lịch sử của các tài liệu vượt xa khuôn khổ này. Tài liệu tạo thành một bức vẽ đa dạng của xã hội Nhật trong thời tiền hiện đại.
Để hiểu rõ hơn những nhận định trên, sau buổi giới thiệu sách, Vatican News đã có cuộc phỏng vấn với Đức Hồng y Mendonca, Trưởng Văn khố và Trưởng Thư viện Vatican.
Đức Hồng y gọi đây là dự án hợp tác văn hoá lớn nhất trong những năm gần đây. Vậy điều gì đã làm nên những điều này, những yếu tố nào đã giúp vượt qua những trở ngại?
Khi tài liệu mang tên cha Mario Marega được chú ý trong Thư viện Vatican, tầm quan trọng về mặt lịch sử và Giáo hội của nó đã được hiểu rõ, bởi vì nó là tường thuật lớn về một thời kỳ rất quan trọng của Giáo hội ở Nhật. Trở ngại lớn đối với chúng tôi là ngôn ngữ. Chúng tôi có một truyền thống lớn về việc khôi phục các tài liệu phương Tây, nhưng không phải là tài liệu phương Đông. Chúng tôi không có khả năng này. Tuy nhiên, những trở ngại đã trở thành những điểm mạnh. Điều quan trọng cần nhấn mạnh là: chúng tôi đã liên hệ với các Viện Văn hoá lớn ở Nhật Bản và chúng tôi đã tạo ra một nhóm chung. Với tính đặc thù tuyệt vời, xưởng phục chế của chúng tôi ngày nay đã có được một năng lực phi thường. Đồng thời, nhiều học giả Nhật Bản đã thường xuyên đến Vatican, cộng tác với chúng tôi để có những tài liệu này. Hôm nay chúng tôi tự hào đã hoàn thành quá trình xử lý tài liệu, cung cấp chúng cả trên giấy và kỹ thuật số. Một khó khăn đã được chuyển thành điểm mạnh và tổng hợp.
Hôm nay dự án kết thúc và giai đoạn có thể biết những tài liệu này bắt đầu. Một giai đoạn kết thúc và một giai đoạn khác bắt đầu.
Vâng, tài liệu Marega đã trở thành một tài liệu mở. Một kho tàng được cung cấp cho các học giả từ khắp nơi trên thế giới, những người có thể đọc và giải thích những tài liệu này trong bối cảnh nghiên cứu đa dạng nhất. Đây là một phần quan trọng trong sứ vụ của Thư viện Vatican. Tất cả các công việc trước đây sẽ cho phép các học giả tiếp cận với một kho tàng văn hoá và Giáo hội ở mức độ tuyệt vời .
Vượt qua những trở ngại
Phát biểu tại buổi họp báo giới thiệu sách còn có Đức ông Cesare Pasini, Quản thủ Thư viện. Đức ông cho biết, các tài liệu này không dễ tiếp cận, ít nhất là ngay lúc đầu. Bộ sưu tập không được kiểm kê ngay, giống như các bộ sưu tập khác, cần xác minh cẩn thận và phức tạp; thời gian chờ đợi kéo dài, nguyên nhân cũng do tài liệu bằng tiếng Nhật và hơn nữa do các văn bản được viết tay, vì vậy cần phải có những chuyên gia đặc biệt trong lĩnh vực này.
Đức ông giải thích rằng cơ hội để tài liệu được đưa ra ánh sáng xảy ra vào năm 2011 khi Tiến sĩ Delio Proverbio, nhà văn đông phương của Thư viện đã quan tâm và nhận ra giá trị của chúng. Đó là một bước quyết định, dẫn đến sự hợp tác với thế giới Nhật Bản và với giới chuyên môn mà các viện nghiên cứu của Nhật có thể cung cấp, cho đến dự án hợp tác văn hoá được khởi động vào năm 2013. Hiện nay dự án đã hoàn thành, và giờ đây việc nghiên cứu các tài liệu được cung cấp cho tất cả mọi người và các mối liên hệ mang tính xây dựng với các viện Nhật Bản vẫn tiếp tục.
Theo Quản thủ Thư viện đây chính là “ngoại giao văn hoá”, nghĩa là khả năng của văn hoá “dệt nên các mối quan hệ và xử lý khéo léo và chính xác ngay cả những vấn đề tế nhị hay gai góc nhất. Ngay cả khi lịch sử đã gây ra những vết thương hoặc những bất đồng hoặc đối lập với nhau, chúng ta có thể xây dựng sự hiểu biết và chấp nhận, hoà hợp và tôn trọng, nghiên cứu và điều tra, giải thích và bối cảnh hoá, tạo ra một ký ức tôn trọng mọi người và mọi thứ. Và chúng ta biết rõ hơn cuộc sống của các dân tộc. Một thông điệp không phải ngẫu nhiên, ít nhất là bây giờ”.
Về khẳng định này, Vatican News cũng đã có cuộc phỏng vấn Đức ông Cesare Pasini, Quản thủ Thư viện Vatican.
Thưa Đức ông, tôi rất ấn tượng với thành ngữ “ngoại giao văn hoá” mà Đức ông đã sử dụng trong bài phát biểu. Như thế, văn hoá cũng vậy, vẻ đẹp mà Đức Thánh Cha nói, cũng nhắc nhở chúng ta rằng ngoại giao là quan trọng?
Đúng vậy, chính trong phương pháp tiếp xúc và kiến thức này, cùng làm việc tạo nên lòng quý trọng lẫn nhau. Điều đó không chỉ đúng với Nhật Bản, tôi đang nghĩ ví dụ về Trung Quốc, nơi mà trong vài năm, chúng tôi đã có những dự án văn hoá đang được tiến hành. Cả hai ấn bản của các bộ sách của các nhà truyền giáo đã từng đến Trung Quốc và các bộ sách tiếng Trung do các nhà truyền giáo mang về. Một dự án nhà nước cần tái tạo chúng để có các bản sao và chúng tôi đã hợp tác, với một ấn bản vẫn đang được tiến hành trong những năm gần đây.
Đức ông đã là Quản thủ Thư viện trong 15 năm qua. Vậy Đức ông sẽ giữ gìn trải nghiệm đặc biệt này như thế nào?
Chắc chắn đó là sức quyến rũ của thế giới Nhật Bản, của người dân Nhật. Sự tử tế, sự chào đón tạo điều kiện thuận lợi cho mọi dự án chúng tôi muốn thực hiện với họ. Chúng tôi đã phát hiện ra biết bao sự quan tâm, chú ý đến di sản này như thế nào. Chúng tôi thấy rằng không chỉ các học giả, mà ngay cả những người dân thường cũng thực sự tự hào là người trông coi những tài liệu, của lịch sử này.
Phục hồi và bảo tồn
Một giai đoạn quan trọng của dự án Marega, chuẩn bị cho việc tham vấn trong tương lai và số hóa an toàn toàn bộ tài liệu, liên quan đến việc bảo tồn và phục hồi. Tiến sĩ Angela Nuñez Gaitán, người đứng đầu Phòng thí nghiệm Khôi phục, giải thích rằng vật liệu của Nhật Bản rất khác với vật liệu của phương Tây.
Tiến sĩ nói: “Mặc dù các nhà phục chế giấy phương Tây quen xử lý các loại giấy hiện đại của Nhật Bản, sử dụng chúng để phục hồi giấy, nhưng họ không quen xử lý các loại giấy cổ và viết tay của Nhật Bản, chúng phản ứng rất khác với các phương pháp xử lý phục hồi.”
Ngoài ra, bà cho biết thêm: “Tài liệu lưu trữ đó có định dạng khác và có những đặc điểm giao thức đặc thù. Điểm mạnh để giải quyết thích đáng những đặc thù này là sự hợp tác chặt chẽ với các chuyên gia Nhật Bản, đứng đầu là Mutsumi Aoki và Masako Kanayama, là những người đã giới thiệu Phòng Thực nghiệm Phục hồi của Vatican để bảo tồn và phục hồi các tài liệu lưu trữ của Nhật Bản.”
Ngọc Yến
Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2022-03/vai-tro-ngoai-giao-thu-vien-vatican.html