22/11/2024

Thi học sinh giỏi để làm gì: Những trăn trở của người trong cuộc

Thi học sinh giỏi để làm gì: Những trăn trở của người trong cuộc

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Nguyễn Võ Hữu Thức cho rằng đó là những kỷ niệm đẹp. Nhưng cùng với đó là những nỗi băn khoăn mà lời giải khó như trong một bài thi học sinh giỏi toán cấp quốc gia.

 

Thi học sinh giỏi để làm gì: Những trăn trở của người trong cuộc - Ảnh 1.

Thí sinh thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm 2022 tại TP.HCM – Ảnh: NHƯ HÙNG

Nguyễn Võ Hữu Thức (25 tuổi, quê Tiền Giang) – cựu sinh viên Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), hiện là nghiên cứu sinh chuyên ngành cơ khí vật liệu tại ĐH Ecole Nationale Supérieure d’Arts et Métiers (Pháp) – từng “chinh chiến” qua rất nhiều cuộc thi học sinh giỏi lớn nhỏ.

Bỏ sót những bạn có niềm yêu thích thật sự

Đối tượng dự thi, theo tôi, cũng nên được mở rộng. Nhiều bạn thật sự có niềm yêu thích môn học nhưng vì năng lực hay một lý do nào đó không thể hiện tốt trong các bài thi tuyển chọn đội tuyển khiến các bạn không thể thi vòng quốc gia.

Hiện nay, ở mỗi môn, một đội tuyển chỉ có trung bình sáu người, có thể sẽ bỏ sót những bạn có niềm yêu thích thật sự. Theo quan sát của tôi, nhiều bạn trong số đó mới là những người “có lửa” trong môn học và chính các bạn ấy lại chọn hướng sư phạm để tiếp tục “truyền lửa” cho những thế hệ tiếp theo.

NGUYỄN VÕ HỮU THỨC

 

Rốt cuộc thi vì cái gì?

* Trải qua nhiều cuộc thi học sinh giỏi những năm cấp II và cấp III, phải chăng việc tham gia những cuộc thi như thế là một đam mê của Thức?

– Không hẳn như vậy. Có những lúc nhìn lại khoảng thời gian ôn tập trong các đội tuyển học sinh giỏi, tôi cũng tự hỏi ngày xưa mình đi thi vì mục đích gì? Để lấy giải? Để nhận tiền thưởng? Để hãnh diện? Không. Khi bước vào cấp II, tôi đơn giản đi thi vì thấy xung quanh mình ai điểm cao, học tốt đều thi học sinh giỏi. Nó gần giống như một con đường có sẵn cho những bạn có sức học tốt.

Sau này, có nhiều dịp gặp gỡ các thí sinh ở nhiều tỉnh thành từng tham gia các cuộc thi học sinh giỏi, tôi nhận ra mình không phải là người duy nhất có cảm giác trên. Phần đông các bạn mà tôi tiếp xúc khi nhìn lại hành trình “chinh chiến” ở những cuộc thi học sinh giỏi cũng không biết rốt cuộc thật sự mình đi thi vì cái gì.

Số muốn thi chỉ để tuyển thẳng đại học hay để làm đẹp hồ sơ du học, tôi thấy rất ít. Còn về đam mê? Tất nhiên đã đi thi thì học sinh nào cũng có ít nhiều yêu thích môn học, ở đây với chúng tôi là toán, nhưng để xem đó là một niềm đam mê thật sự đủ để theo đuổi trọn vẹn con đường toán học sau cuộc thi hay theo nghề toán thì cũng rất hiếm.

* Nhưng nếu được danh hiệu học sinh giỏi cấp quốc gia, đặc biệt trong những năm cấp III, có vẻ cũng khá danh giá và thú vị đó chứ?

– Lớp 12, tôi học chuyên toán và là một trong sáu thí sinh của tỉnh dự thi học sinh giỏi quốc gia. Trường của tôi khá đầu tư, cho nhóm đến học vài buổi tại một trường chuyên ở Đông Nam Bộ nổi tiếng với nhiều thành tích toán.

Trong vài ngày “giao lưu” ở đây, chúng tôi nhận ra có quá nhiều dạng bài, nhiều công thức, nhiều định lý mà chúng tôi chưa từng được dạy ở bất cứ đâu. Các tài liệu được cho là sẽ hữu dụng để giải quyết đề thi.

Vì sao có trường lại sở hữu những nguồn tài liệu “tiệm cận” với cách ra đề thi học sinh giỏi để ôn cho học sinh? Tôi mơ hồ nhận ra một thực tế khá phũ phàng rằng nếu sức học của các thí sinh tương đương thì ai tiếp cận được nhiều dạng bài, dạng đề mà bộ phận ra đề đưa ra sẽ là người chiến thắng.

Sự cạnh tranh không còn là giữa các thí sinh, mà còn là giữa các thầy cô, các trường với nhau, để xem ai là người có những mối quan hệ tốt để lấy được tài liệu giá trị.

Từ đó, tôi trăn trở nhiều hơn. Trong các nhóm học sinh giỏi, chúng tôi thắc mắc vì sao học sinh ở một số vùng, một số địa phương phía Bắc thường có được những thứ hạng cao hơn trong khi sức học chưa chắc đã nổi trội? Vì sao một trường chuyên sau khi mời được một thầy ở “ngoài kia” về ôn tập thì số giải thưởng đã tăng lên?

Khi buộc phải thừa nhận kết quả của cuộc chơi này có quá nhiều thứ chi phối, tôi quyết định dừng lại, không còn dồn hết sức ôn tập. Trong đội tuyển học sinh giỏi toán lúc đó, tôi đoạt giải nhất vòng tỉnh. Thầy cô cũng chờ đợi tôi sẽ đoạt được giải cao ở vòng quốc gia. Vì vậy, quyết định dừng lại của tôi đã khiến một số thầy cô thất vọng.

Những đề thi không biết đáp án

* Lên đại học thì sao, Thức có còn tham gia các cuộc thi “sinh viên giỏi” nữa không?

– Ở đại học cũng có những cuộc thi Olympic, nhưng tôi đã dừng lại. Tôi cảm thấy đã đủ rồi, không có mục đích gì để thi tiếp. Giờ đây khi đang là nghiên cứu sinh, tôi thấy những giải thưởng ngày xưa của mình cũng không có giá trị lắm.

* Nhìn lại một chặng đường dài thi học sinh giỏi, Thức nghĩ rằng mình có học được thêm cho bản thân được gì hay không?

– Suy cho cùng, tôi cũng học được nhiều thứ từ hành trình thi học sinh giỏi của mình. Điều lớn nhất tôi học được là mở rộng tầm mắt để thấy được nhiều người tài năng xung quanh mình.

Về kiến thức, không thể phủ nhận rằng với nhiều bạn được ôn tập trong các đội tuyển học sinh giỏi sẽ giúp các bạn nhẹ nhàng hơn trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT. Bên cạnh đó là những giải thưởng nếu bạn đoạt giải.

Câu hỏi đặt ra là những “quả ngọt” ấy có đáng để bạn dành thời gian, nỗ lực ôn thi suốt nhiều năm liền hay không? Điều này sẽ phụ thuộc vào mỗi người. Có người sẽ thấy cũng đáng để đánh đổi, nhiều người sẽ thấy đó là sự lãng phí.

* Từ những trải nghiệm của mình cũng như việc được tiếp xúc với nhiều nền giáo dục tiên tiến ở các nước, theo Thức, kỳ thi học sinh giỏi ở Việt Nam có nên giữ lại hay không?

– Suy cho cùng, nếu loại bỏ được một số bất cập thì kỳ thi học sinh giỏi vẫn là một trải nghiệm hay cho các học sinh.

Tôi nghĩ có lẽ không nhất thiết sẽ luôn tổ chức đồng loạt cho cả 63 tỉnh thành cùng thi thố, từ đó các tỉnh thành lấy số giải thưởng đoạt được để so sánh, ganh đua với nhau rồi phát sinh ra nhiều bất cập. Nên chăng có thể tổ chức theo từng cụm ở từng khu vực để giảm bớt sự hào nhoáng của những danh hiệu, là một trong nhiều nguồn gốc của sự tiêu cực.

Tôi nghĩ có thể thiết kế cuộc thi học sinh giỏi thành những dịp để giao lưu, học hỏi hơn là mỗi đoàn học sinh chỉ đến điểm thi làm bài 180 phút rồi ra về. Đây không phải là cuộc thi nặng nề như đại học, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tương lai. Thí sinh nên được có dịp gặp gỡ, vui chơi hay kể cho nhau nghe mình đã học được gì, chia sẻ kinh nghiệm hay trong học tập, ôn luyện…

Đặc biệt khi làm bài thi xong, ban giám khảo có thể tổ chức một buổi sửa bài thi tại chỗ, ở đó các chuyên gia toán học hàng đầu sẽ hướng dẫn các cách giải hay cho thí sinh. Có một thực tế là nhiều năm nay các cuộc thi học sinh giỏi cấp quốc gia không công bố đáp án.

Đây là một điều khá vô lý đã được rất nhiều người lên tiếng. Nhiều bài toán bạn chỉ có thể gặp một lần trong đời, đâu thể mấy năm sau mà người ra đề vẫn không cho bạn biết cách giải là gì.

Những nghịch lý

N. (24 tuổi) từng là một học sinh có học lực tốt, có nhiều tìm tòi trong môn vật lý ở một trường huyện tại tỉnh Bến Tre. N. chia sẻ mình cũng từng trăn trở việc nhiều bạn sức học không bằng mình nếu xét một cách khách quan nhưng luôn có được kết quả cao trong một số cuộc thi học sinh giỏi.

Trong đó, nguyên nhân chủ yếu, theo N., là các bạn được học cùng những người thầy “nhất định”, được làm quen với những dạng bài “nhất định” và thậm chí có liên quan “nhất định” đến hướng ra đề thi.

Nhiều bạn thi học sinh giỏi trong lứa của N. sau khi tốt nghiệp THPT đã học chung với nhau ở Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM). Trong những bài thi để chọn vào lớp cử nhân tài năng, N. kể các bạn ở trường huyện như N. lại có kết quả cao hơn hẳn so với những bạn từng xếp trên mình trong các cuộc thi học sinh giỏi ngày trước.

Mời tham gia Diễn đàn “Thi học sinh giỏi để làm gì?”

Có nên duy trì kỳ thi học sinh giỏi? Nếu có thì nên điều chỉnh, thay đổi như thế nào cho phù hợp? Nếu không thì có cách thức nào phát hiện, tìm kiếm được nhân tài? Mời quý bạn đọc, thầy cô, phụ huynh và học sinh chia sẻ quan điểm, góc nhìn của mình về câu chuyện này.

Bài viết xin email về [email protected]. Những bài được sử dụng trên nhật báo Tuổi Trẻ hoặc báo Tuổi Trẻ điện tử (tuoitre.vn) sẽ được chấm nhuận bút theo quy định của tòa soạn.

TRỌNG NHÂN thực hiện
TTO