23/11/2024

‘Giữ cửa’ cho ví điện tử thế nào để tránh mất tiền oan

‘Giữ cửa’ cho ví điện tử thế nào để tránh mất tiền oan

Không phải những công ty công nghệ, tài chính hay ngân hàng, mà chính người dùng là yếu tố then chốt để bảo vệ sự an toàn thông tin cũng như tài khoản cá nhân khi giao dịch trên mạng.

 

 

Xu hướng thanh toán không tiền mặt

Xu hướng tiêu dùng trên thế giới cũng như tại Việt Nam thời gian qua đang chuyển mình từ mô hình phụ thuộc tiền mặt truyền thống sang các giao dịch “cashless” (không tiền mặt) được thực hiện qua mạng internet. Sự kết hợp giữa các Fintech (công ty công nghệ tài chính) và tổ chức tài chính truyền thống, cùng “cú hích” từ đại dịch Covid-19 đang đẩy nhanh quá trình ứng dụng thanh toán không tiền mặt vào đời sống.

Xa hơn nữa, việc liên kết các “siêu ứng dụng” và tăng cường bảo mật sẽ giúp thu hút người dùng mới cho các ví điện tử, ngân hàng hứa hẹn tạo nên một thị trường hết sức sôi động trong tương lai gần. Tuy nhiên, lĩnh vực này cũng khiến người tiêu dùng đối mặt với nguy cơ mất an toàn, từ đó làm gia tăng tâm lý ngần ngại của công chúng khi chuyển đổi thói quen mua sắm.

'Giữ cửa' cho ví điện tử thế nào để tránh mất tiền oan - ảnh 1
Toàn cảnh buổi tọa đàm  ĐÀO NGỌC THẠCH

Chia sẻ tại buổi tọa đàm “Để an toàn trong các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt” do Báo Thanh Niên tổ chức sáng 30.3 tại TP.HCM, ông Nguyễn Bá Diệp, đồng sáng lập kiêm Phó chủ tịch Ví điện tử MoMo, cho biết thanh toán không tiền mặt là xu hướng phát triển chung của toàn cầu mà trong đó nổi lên mạnh mẽ là hình thức giao dịch qua ví điện tử. Dưới tác động của đại dịch Covid-19, chỉ trong hai năm (2020, 2021), thanh toán điện tử đã tăng trưởng 3 con số. Sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng không tiền mặt tại Việt Nam thay đổi nhanh chóng khi có tới 31 triệu người đang sử dụng ví điện tử MoMo và chỉ riêng 2020 – 2021, mỗi năm có thêm 10 triệu người dùng mới.

Bà Trương Cẩm Thanh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần ZION (đơn vị chủ quản ví điện tử ZaloPay), nhận định Việt Nam đang có nhiều điều kiện thuận lợi để bắt kịp xu hướng tiêu dùng không tiền mặt. Cụ thể, Việt Nam có dân số trẻ, thu nhập bình quân đầu người đang được cải thiện những năm gần đây… Lãnh đạo ZaloPay giải thích thêm: “Bên cạnh đó, tăng trưởng 2 con số hằng năm về doanh thu của thị trường thương mại điện tử, sự phát triển nhanh chóng của cơ sở hạ tầng 4G đã làm giảm đáng kể chi phí internet di động giúp Việt Nam trở thành quốc gia có chi phí internet rẻ thứ 10 trên thế giới… Tất cả đều đang góp phần đưa tiêu dùng không dùng tiền mặt ngày càng khởi sắc”.

 

Trang bị kiến thức để tự bảo vệ mình

Tuy nhiên, theo nhà báo Phạm Hồng Phước: “Việt Nam có lượng người dùng trẻ, internet giá rẻ, smartphone phổ biến, đó vừa là lợi thế, vừa là điểm yếu về bảo mật vì càng nhiều người dùng thì rủi ro càng cao. Trong khi đó, giới tội phạm giờ không tập trung vào cơ sở hạ tầng của tổ chức tài chính mà nhắm vào người sử dụng – lỗ hổng lớn nhất trong chuỗi giao dịch”. Nhiều chuyên gia đồng quan điểm cho rằng Fintech hay ngân hàng đang rất nỗ lực tăng cường các biện pháp bảo mật để bảo vệ chính họ cũng như khách hàng, nhưng thực tế người dùng cuối mới là mắt xích yếu nhất trong xu hướng tiêu dùng không tiền mặt vì có tâm lý lơ là các biện pháp bảo vệ, có thể thiếu kiến thức về an toàn thông tin, hoặc quá chủ quan vào các giải pháp an ninh từ nhà cung cấp dịch vụ.

“Ở Việt Nam, đa số lừa đảo bằng kịch bản và kỹ thuật đơn giản nhưng vẫn làm bao nhiêu người mất tiền. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy người dùng cuối là mắt xích yếu nhất và khó nâng cấp nhất của các thành phần trong hệ thống bảo mật. Một khi họ không có ý thức về bảo mật thì dù ngân hàng, ví điện tử có nỗ lực nâng cấp tới đâu cũng không thể bảo vệ một người dùng sơ suất trong giao dịch online”, ông Ngô Trần Vũ, Giám đốc điều hành Công ty bảo mật NTSS, nhấn mạnh. Theo ông Vũ, có một thực tế rằng người dùng tại Việt Nam có thói quen cài nhiều ứng dụng vào điện thoại một cách thiếu kiểm soát, vô hình trung tạo hành lang cho kẻ xấu tấn công vào thiết bị di động, nơi giờ đây chứa rất nhiều thông tin cá nhân quan trọng cùng dữ liệu về ví điện tử, tài khoản ngân hàng…

Ông Nguyễn Đức Dũng, Phó giám đốc Trung tâm chuyển đổi số HDBank, đánh giá người dùng hiện nay dần hiểu thêm về bảo mật trên điện thoại và từ phía ngân hàng, đơn vị luôn cam kết nâng cấp bảo mật hệ thống. “Ngân hàng rất mong muốn khách hàng hiểu thêm về những rủi ro khi dùng dịch vụ trên mạng để có thể tự bảo vệ mình trước trong trường hợp xảy ra tình huống không mong đợi”, ông nói.

Trao đổi sau tọa đàm, ông Đào Anh Tú, phụ trách trang Công Nghệ Việt, cho biết buổi hội thảo đi sâu vào vấn đề mà bản thân quan tâm. “Ví điện tử từ lâu là ứng dụng thanh toán chính của tôi trên không gian mạng, tôi thường sử dụng thanh toán cho các dịch vụ mà thanh toán bằng tiền mặt không thể làm được như dịch vụ iCloud, Drive… Cái nhiều người quan ngại nhất khi dùng ví điện tử là vấn đề bảo mật, ví dụ như các trang thanh toán đó có an toàn không, vì quá trình thanh toán quá nhanh nên cũng sợ mất an toàn. Là một người làm về công nghệ, mình cũng không quá lo ngại nhưng nhiều người dùng, đặc biệt là người lớn tuổi thường không rành công nghệ thì đây sẽ là một rào cản nếu muốn phổ cập thanh toán không dùng tiền mặt đến đối tượng này”, ông Anh Tú chia sẻ.

Còn ông Trần Quốc Dũng, khách mời đến từ Signify Việt Nam, cho biết: “Là người dùng hệ điều hành iOS và ví điện tử MoMo, mình gần như đều đặn thanh toán cho các dịch vụ điện, nước, internet, mua hàng qua Tiki, nạp tiền điện thoại… Mình cho rằng dù iOS là hệ điều hành bảo mật, nhưng hiện hacker đang lợi dụng tính năng gửi iMessage miễn phí để spam các đường liên kết mà mình nghi ngờ là lừa đảo để chiếm đoạt tài khoản. Vì vậy, mình rất cảnh giác, xóa hoàn toàn các tin nhắn với nội dung chào mời lừa đảo, cũng như không nhập thông tin cá nhân hay mật khẩu OTP theo như khuyến cáo của ví MoMo”.

Về phía mình, ông Phạm Phan An đến từ Công ty Smartlink Việt Nam, đồng quan điểm với ông Ngô Trần Vũ khi cho rằng: “Đúng là người dùng cần phải tự trang bị kiến thức để tự bảo vệ mình, dù sao thì phòng bệnh vẫn hơn là chữa bệnh. Tôi cho rằng nhà cung cấp dịch vụ, các công ty Fintech cũng nên có động thái thông báo thường xuyên vì các hành vi lừa đảo thay đổi rất tinh vi. Như tôi thường xuyên bị nhận những tin nhắn giả dạng là từ ngân hàng (hình thức SMS brandname) với liên kết đến website có tên miền gần giống để thay đổi mật khẩu. Vì đã được cảnh báo nên tôi không bao giờ nhấp vào chúng”.

LOAN CHI – ANH QUÂN – THÀNH LUÂN

TNO