Dẹp loạn ‘cò’ bất động sản bằng cách nào?

Dẹp loạn ‘cò’ bất động sản bằng cách nào?

Ngày 30-3, tại toạ đàm “Vai trò của nhà môi giới bất động sản (BĐS) trong xu thế mới”, các chuyên gia trong lĩnh vực nhìn nhận rằng còn nhiều điều tiếng không hay về lực lượng môi giới BĐS thiếu tính chuyên nghiệp hiện nay.

 

Dẹp loạn cò bất động sản bằng cách nào? - Ảnh 1.

Hàng trăm cò đất kéo đến đường ĐT 753 (huyện Đồng Phú, Bình Phước) “thổi giá” khiến giá bất động sản nơi đây tăng cao – Ảnh: A LỘC

Tuy nhiên, các chuyên gia đến từ Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) cũng khẳng định vai trò của môi giới rất quan trọng trong việc hình thành và phát triển thị trường BĐS Việt Nam. Trong hai thập niên qua, những người làm môi giới BĐS đã từng bước hoàn thiện kiến thức, kỹ năng, đạo đức và chuyên nghiệp hóa hơn rất nhiều.

 

Một người làm sai, cả hội mang tiếng

Trong thực tế, các chuyên gia trên cũng phải nhìn nhận vẫn còn đó những vấn đề lôm côm của nghề khiến “cả hội” bị mang tiếng. Đánh giá về thị trường môi giới BĐS, bà Nguyễn Hương, phó chủ tịch VARS, thừa nhận lực lượng môi giới BĐS trong thời gian qua tăng số lượng nhanh chóng nhưng chất lượng còn bỏ ngỏ. Chất lượng của môi giới BĐS bị thả nổi trong thời gian dài đã dẫn đến nhiều hệ lụy trong thực tế, làm đau đầu chủ đầu tư, khách hàng và cả những người môi giới chuyên nghiệp.

Theo bà Hương, trong khi các chủ đầu tư của thị trường sơ cấp lựa chọn rất kỹ đơn vị môi giới thì thị trường thứ cấp với hoạt động nhộn nhịp, sôi nổi còn nhiều nỗi lo về môi giới. Nhiều đơn vị hoạt động không đúng quy chuẩn, nhái các thương hiệu lớn. Thậm chí có nơi còn lập luôn trang thông tin, đem nguyên những hình ảnh, thông tin của dự án chính thống, chỉ thay mỗi… số điện thoại để chào mời khách hàng. Chủ đầu tư rất khó khăn để bảo vệ uy tín và thương hiệu của mình trước những hành động vi phạm đó.

Bà Hương cho rằng đã đến lúc chúng ta cần phải có một quy chuẩn về nghề môi giới kể cả cá nhân, tổ chức. Quy chuẩn quy định rõ những điều kiện để một cá nhân, tổ chức tham gia nghề môi giới. Bên cạnh đó, cần có những chế tài phù hợp để môi giới BĐS hoạt động ngày càng chuyên nghiệp hơn.

Còn ông Trương Anh Tú, tổng giám đốc Công ty cổ phần PropertyX, cho rằng những quy định gần đây đã tăng chế tài đối với các tổ chức, cá nhân môi giới BĐS vi phạm. Tuy nhiên, có thể vì chưa ai giám sát thực hiện hay chế tài chưa đủ mạnh, chưa đủ quyết liệt trong việc điều chỉnh hành vi của các cá nhân, tổ chức. Có nhiều người mang danh chuyên nghiệp nhưng hành xử chưa chuyên nghiệp, có cả những môi giới chuyên nghiệp nhưng tiếp tay cho những cá nhân hoặc tổ chức hoạt động không đúng luật pháp.

Ông Tú mong sắp tới cần có hành lang pháp lý và những quy trình cụ thể để hướng hoạt động môi giới BĐS đi vào chuyên nghiệp, quy củ dựa trên một thị trường BĐS chuyên nghiệp, có sự giám sát và chế tài đủ mạnh.

Dẹp loạn cò bất động sản bằng cách nào? - Ảnh 2.

Bảng quảng cáo bán đất nền trên đường Lê Hồng Phong, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tương tự, ông Nguyễn Minh Quang, giám đốc khối tiếp thị của Công ty CP đầu tư Nam Long, cho rằng quy định về môi giới BĐS tại Việt Nam có, nhưng lại quá “sơ khởi” so với các quy định về môi giới chứng khoán hay của các quốc gia trong khu vực. Ông Quang nhận xét thị trường môi giới BĐS có sự phân hóa rõ nét, lớn. Bên cạnh những đơn vị có tuổi đời trên 5 – 10 năm, có tổ chức tốt, chuyên nghiệp, có tâm có tầm thì có nhiều đơn vị môi giới khá lôm côm.

Theo ông Quang, nhiều công ty môi giới không quan tâm lắm việc phải bảo vệ thương hiệu của chủ đầu tư hay trách nhiệm đối với khách hàng như thế nào mà chỉ quan trọng việc chốt cho được giao dịch và thu tiền.

“Cần nhanh chóng có những quy chuẩn, điều kiện về những đơn vị hoạt động ngành nghề này. Mong Nhà nước và hội môi giới có những chính sách, quy định trong hiệp hội mình về chất lượng của đơn vị môi giới”, ông Quang kiến nghị.

 

Hiến kế dẹp loạn môi giới

Sau khi nghe đại diện Bộ Xây dựng giới thiệu các chế tài đối với các môi giới vi phạm theo nghị định 16 năm 2022, ông Ngô Quang Thiện, phó chủ tịch VARS, cho rằng mức xử phạt theo nghị định tương đối phù hợp. Không phải là phạt tiền nhiều hay ít mà làm sao người bị xử phạt thấy việc vi phạm làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của họ trên thị trường thì mới có tác dụng răn đe.

Một phó chủ tịch khác của VARS, ông Trần Minh Hoàng, cũng đề xuất khi sửa đổi Luật kinh doanh BĐS sắp tới cần nghiên cứu quy định đi vào cuộc sống để không cản trở hoạt động kinh doanh, môi giới BĐS. Cần quy định chỉ có chủ sở hữu BĐS hoặc môi giới được đăng tin rao bán BĐS. Thông tin rao bán BĐS phải kèm theo giá cả, địa chỉ rõ ràng và kèm theo mã số hành nghề của môi giới. Như vậy, tin giả sẽ giảm đáng kể và môi giới sai có địa chỉ để xử lý. Nếu một BĐS được đưa cho nhiều môi giới đăng tin thì các môi giới sẽ cạnh tranh nhau, giúp minh bạch thị trường. Nếu chủ BĐS chỉ chọn một người thì người đó có quyền phối hợp với các môi giới khác một cách sòng phẳng, minh bạch… Ai uy tín hơn sẽ được nhiều chủ BĐS lựa chọn.

Dẹp loạn cò bất động sản bằng cách nào? - Ảnh 3.

Quảng cáo ký gửi, mua bán đất ở TP Thủ Đức, TP.HCM (ảnh chụp trưa 30-3) – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Còn ông Trương Anh Tú nhìn ở góc khác: “Thị trường BĐS rất đa dạng và nhạy bén thông tin. Việc quản lý này nếu không khéo sẽ tạo điều kiện cho nhóm người có lợi thế về thông tin”. Còn về chế tài, ông Tú cho rằng xử lý hành chính chưa đủ mạnh, có phạt 1 tỉ đồng cũng không nhiều. Nên chăng có quy định về xử lý hình sự cho những vi phạm của môi giới.

Ông Nguyễn Mạnh Khởi, phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), cho rằng để môi giới thực hiện đúng là vai trò của một nhà trung gian trong thị trường BĐS thì cần sự vào cuộc của cả hệ thống. Đầu tiên là luật pháp phải thay đổi để tạo được hành lang pháp lý chung. Hành lang pháp lý đó phải giải quyết được các vấn đề như làm nghề môi giới BĐS cần học không? Cách thức quản lý, hoạt động của môi giới như thế nào? Một môi giới đã bị phạt ở công ty này, có đến công ty khác làm việc được không? Bị xử lý ở tỉnh này có đến tỉnh khác hành nghề được không? Vấn đề nào pháp luật quy định, vấn đề nào đưa vào quy tắc hành nghề, đạo đức nghề nghiệp do hiệp hội quản lý… Ông Khởi cho biết tất cả các vấn đề trên sẽ được thảo luận trong dự án Luật kinh doanh BĐS sửa đổi dự định trình Quốc hội lấy ý kiến lần đầu vào kỳ họp cuối năm nay.

Dẹp loạn cò bất động sản bằng cách nào? - Ảnh 4.

Nguồn: Hội môi giới Bất động sản Việt Nam – Đồ họa: TUẤN ANH

Môi giới: người kết nối trong thị trường bất động sản

* Bà Nguyễn Hương (phó chủ tịch VARS): Đơn vị môi giới chuyên nghiệp sẽ cải thiện được hình ảnh, uy tín, thương hiệu của chủ đầu tư. Từ đó, chất lượng thông tin chuyển đến cho khách hàng được minh bạch. Nhiều công ty môi giới đồng hành lâu dài và trở thành đối tác chiến lược của chủ đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm của chủ đầu tư.

* Ông Trương Anh Tú (tổng giám đốc Công ty cổ phần PropertyX): Không thể phủ nhận vai trò của nhà môi giới cho dù là cá nhân hay tổ chức trong thị trường BĐS. Môi giới kết nối thông tin giữa những người mong muốn sở hữu hay đầu tư BĐS và những chủ đầu tư, người có BĐS muốn bán. Nhà môi giới xác lập quan hệ, làm cầu nối quan trọng, tạo ra thị trường. Nếu thiếu vai trò môi giới trong gần 20 năm nay thì liệu chúng ta có thị trường BĐS đủ sôi động, tạo nên nguồn thu lớn hay góp phần phát triển kinh tế như hiện nay không?

* Ông Nguyễn Mạnh Khởi (phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, Bộ Xây dựng): Thị trường BĐS hiện nay, vai trò nhà môi giới là một tất yếu khách quan. Môi giới là một trong những chủ thể hết sức quan trọng trong thị trường BĐS.

DƯƠNG NGỌC HÀ – ÁI NHÂN
TTO