‘Cá mập’ làm giá chứng khoán
‘Cá mập’ làm giá chứng khoán
Tạo cung cầu ảo, bán chui… là các chiêu trò được “cá mập”, “đội lái” sử dụng để úp sọt nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Đáng tiếc là ngay cả những ông chủ lớn, lãnh đạo không ít doanh nghiệp cũng tham gia vào trò bẩn này.
Trong đó, việc ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC, vừa bị bắt để điều tra về hành vi thao túng chứng khoán có thể nói là vụ lớn nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán VN.
Sử dụng nhiều tài khoản tạo cung cầu giả
Các “đội lái”, “cá mập” khi muốn làm giá chứng khoán để trục lợi đều sử dụng đến kỹ thuật trong giao dịch. Đó là sử dụng nhiều tài khoản chứng khoán khác nhau để “tay trái mua, tay phải bán” hoặc ngược lại “úp sọt” nhà đầu tư.
Chiêu này được ông Trịnh Văn Quyết sử dụng trong vụ bán chui khủng nhất trong lịch sử hồi tháng 1 vừa rồi. Cụ thể, từ ngày 1.12.2021 – 10.1.2022, ông Quyết đã chỉ đạo các cá nhân có quan hệ gia đình hoặc thân thiết điều hành nhân viên Công ty cổ phần chứng khoán BOS và các công ty con, công ty vệ tinh sử dụng 20 tài khoản chứng khoán khác nhau. Các tài khoản này đã tham gia 28 phiên giao dịch để đặt mua và bán mã FLC.
Tại các phiên tăng giá, nhóm tài khoản đặt mua với tổng khối lượng 77% tổng khối lượng của nhóm. Tại các phiên giảm giá, nhóm đặt bán với tổng khối lượng 94% tổng khối lượng của nhóm. Mục đích đẩy giá chứng khoán FLC từ 14.650 đồng/cổ phiếu (CP) ngày 1.12.2021 lên giá cao nhất 24.050 đồng/CP (trung bình là 22.586 đồng/CP, tăng 64%).
Sau đó, ông Trịnh Văn Quyết giao cho người thân trong gia đình đặt lệnh bán 175 triệu CP FLC và đã khớp lệnh bán 74,8 triệu CP FLC với giá 22.586 đồng/CP, nhưng không công bố thông tin trước khi giao dịch. Tổng số tiền thu về 1.689 tỉ đồng, trong đó thu lợi bất chính số tiền hơn 500 tỉ đồng. Chiêu này cũng đã được ông Quyết thực hiện trong năm 2017 khi bán chui 57 triệu cổ phiếu FLC.
Việc các “cá mập” xả hàng sẽ khiến nhà đầu tư (NĐT) thua lỗ nặng bởi giá CP sẽ sụt giảm liên tục, mất thanh khoản. Trong khi các NĐT nhỏ lẻ do ăn theo nên thường mua chậm và bán ra cũng chậm hơn, hoặc thậm chí mắc kẹt khi CP mất thanh khoản như FLC, ROS (thuộc nhóm FLC) hiện nay.
Theo luật sư Bùi Quang Nghiêm, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, việc cơ quan điều tra xử lý hình sự về tội thao túng chứng khoán với những lãnh đạo doanh nghiệp (DN) như ông Quyết sẽ có tác dụng răn đe phòng ngừa chung. Từ đó sẽ giảm bớt được các hành vi làm giá CP cũng như tạo niềm tin cho NĐT trong và ngoài nước về một thị trường chứng khoán minh bạch, công khai. Nhưng các hành vi đầu cơ, trục lợi trên sàn chứng khoán hay thị trường hàng hóa nào nói chung vẫn luôn xảy ra. Bản thân các NĐT đã mua những CP bị thao túng giá như FLC, ROS trong các phiên gần đây nhiều khả năng sẽ bị mất tiền mà không thể kiện đòi bồi thường vì khó chứng minh thiệt hại là do hành vi của ông Quyết gây ra (hành vi bán chui của ông Quyết đã diễn ra từ đầu năm 2022). Vì vậy, NĐT cần tỉnh táo hơn, kiểm soát lòng tham để không bị sập bẫy của những “cá mập” trên thị trường.
“Bơm thổi”, “lùa gà”…
Một nhân viên môi giới chứng khoán có thâm niên tại TP.HCM cho biết trước đây các “đội lái” thường chọn CP mới lên sàn hoặc giá thấp dưới 20.000 đồng/CP, số lượng bên ngoài không quá nhiều mà chủ yếu do các cổ đông nội bộ công ty nắm giữ để “đánh lên” (đẩy giá lên) hay “đánh xuống” (hạ giá xuống) mà không cần số vốn quá lớn.
Ví dụ, muốn “đánh lên”, họ gom mua liên tục, tạo thành cầu ảo lôi kéo các NĐT lao vào. Khi con mồi đã cắn câu, “đội lái” xả hàng thu lợi. Chiêu truyền thống này khá đơn giản, nhưng hiệu nghiệm. Về sau, chính là các ông chủ DN và cả những cổ đông lớn cũng sử dụng để làm giá chứng khoán. Đó là những “cá mập” thật sự khi vừa nắm lượng lớn CP, vừa có nhiều tiền cũng như sở hữu một đội ngũ nhân viên để thực hiện. Dấu hiệu nghi vấn khi có bàn tay “đội lái” thông thường là lượng giao dịch đột biến và kéo giá CP tăng trần nhiều phiên liên tiếp. Sau đó sẽ là chuỗi ngày giảm sâu trong khi hoạt động của công ty vẫn không thay đổi so với trước.
Chẳng hạn, cổ phiếu T…G của Công ty CP L.C năm vừa qua cũng trở thành hiện tượng “hot” trên sàn chứng khoán mà nhiều NĐT đều cho rằng có bàn tay “đội lái”. T…G từ giá chỉ 2.000 đồng vào đầu tháng 3.2021 đến hết ngày 22.9.2021 đạt 74.800 đồng/CP, tương ứng tăng 3.740% sau hơn nửa năm. Đây là một mức tăng kỷ lục trên sàn chứng khoán VN và vượt xa tưởng tượng của mọi NĐT. Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM thậm chí đã đưa CP này từ diện cảnh báo vào diện kiểm soát do xét thấy cần thiết để bảo vệ quyền lợi của các NĐT. Trái ngược với sự thăng thiên của CP, tình hình kinh doanh của T…G hết sức ì ạch. Năm 2020, công ty này báo lỗ 44 tỉ đồng, sang đến quý 1/2021 tiếp tục lỗ thêm 344 triệu đồng…
Đi kèm với chuỗi ngày tăng trần là các thông tin được tung ra trên nhiều diễn đàn, các nhóm chat từ nhân viên công ty và kể cả lãnh đạo công ty T…G liên quan đến các thương vụ mua bán sáp nhập mà công ty đang thực hiện. Một số NĐT cá nhân thấy giá và thanh khoản cùng gia tăng đồng thời có thêm thông tin hỗ trợ sẽ bắt đầu tham gia. Đây được xem là thông tin “bơm thổi” để “lùa gà” nhằm lôi kéo các NĐT tham gia mua vào và sau khi giá tăng cao thì “đội lái” hay lãnh đạo công ty sẽ bắt đầu “xả hàng”.
Đẩy giá cổ phiếu thông qua phát hành thêm
Ngoài việc bơm thổi, phím hàng để dụ dỗ, lôi kéo NĐT tham gia, những ông chủ DN cũng có thể đẩy giá CP thông qua việc phát hành thêm. Chẳng hạn có một số CP đang có giá dưới mệnh giá (dưới 10.000 đồng), nhưng DN vẫn công bố bán thêm với giá 10.000 đồng.
Vì giá cao hơn thị trường, nên NĐT cá nhân sẽ không mua. Khi đó, các ông chủ DN sẽ công bố bán riêng cho một số NĐT chiến lược, nhưng thực tế có khi đó là gia đình, người nhà. Trường hợp của bà Phạm Thị Hinh, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP công nghiệp khoáng sản Bình Thuận (KSA), đã bị bắt giam về tội thao túng chứng khoán là điển hình. Bà Hinh cũng là cựu Chủ tịch Công ty chứng khoán VSM.
Giám sát chặt chẽ diễn biến của thị trường chứng khoán
Ngày 30.3, Phó thủ tướng Lê Minh Khái có chỉ đạo triển khai các biện pháp bảo đảm thị trường chứng khoán hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt, công khai, minh bạch, phát triển bền vững.
Theo đó, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thống đốc NHNN chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường chứng khoán trong nước và quốc tế để theo thẩm quyền chủ động thực hiện các biện pháp điều hành thị trường tài chính, tiền tệ, tín dụng và thị trường chứng khoán, hoạt động của các tổ chức tín dụng ổn định, an toàn, thông suốt. Chí Hiếu
Năm 2015, KSA đưa ra chủ trương tăng vốn điều lệ từ 373 tỉ đồng lên 1.044 tỉ đồng, thông qua việc phát hành thêm hơn 67 triệu CP cho các cổ đông. Tuy nhiên, đợt phát hành này không có ai mua, chỉ mình bà Phạm Thị Hinh đăng ký mua và nhờ người đứng tên hộ. Tiền mua CP được vay từ ngân hàng, sau khi nộp vào công ty thì lại rút ra để trả nợ ngân hàng. Sau đó, bà Hinh chỉ đạo nhân viên lập 69 tài khoản khác nhau để liên tục thực hiện mua, bán CP KSA, tạo cung cầu giả trên thị trường nhằm thu hút NĐT. Cơ quan tố tụng cáo buộc từ cuối năm 2015 đến tháng 7.2016, hành vi của bà Hinh và các đồng phạm đã gây thiệt hại cho 1.496 nhà đầu tư với số tiền hơn 8,1 tỉ đồng. Bên cạnh đó, các công ty chứng khoán như Mirae Asset, Phú Hưng, Dầu khí cũng bị thiệt hại 761 triệu đồng tiền cho vay margin (vay ký quỹ, thế chấp bằng chứng khoán). Tòa án đã tuyên phạt bà Hinh đóng vai trò chủ mưu hành vi phạm tội và bị tuyên phạt 18 tháng tù cũng như phải bồi thường số tiền đã gây thiệt hại cho NĐT.
Theo những người trong ngành môi giới chứng khoán, chiêu đẩy giá thông qua việc phát hành thêm CP mới khi giá trên sàn giao dịch ở mức thấp như trường hợp KSA còn được gọi là “cho thuê tiền”. Những ông chủ DN sẽ “thuê” tiền từ DN khác hay các cá nhân có thân quen để sử dụng trong việc mua CP phát hành thêm; sử dụng mua bán tạo cung cầu ảo, đẩy giá lên cao gấp nhiều lần và sau đó thoát hàng.
Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Đông Á, nhận định các chiêu trò làm giá CP thường không mới nhưng ngày càng kín hơn. Có thể chia làm 3 dạng thổi giá CP: do chính lãnh đạo DN chỉ đạo các nhân viên thực hiện; “cá mập” bắt tay với “đội lái” bên ngoài để vừa kiểm soát số lượng CP bên ngoài, vừa dễ dàng mua hay bán theo kịch bản đặt ra: “đội lái” tự thực hiện chiêu trò dìm hàng, thổi giá.
Các “đội lái” thường tự thực hiện khi biết trước thông tin có lợi mà DN sắp công bố, nên sẽ âm thầm gom hàng trước và sau đó góp phần đẩy giá lên cao hơn rồi bán ra thu lợi lớn. Tất cả những kịch bản như trên đều đi kèm với việc tung ra các thông tin úp mở về hoạt động của DN. Tùy theo trường hợp muốn gom hàng hay đẩy giá thì thông tin sẽ mang tính tiêu cực hay tích cực…
MAI PHƯƠNG
TNO