22/01/2025

Bạo lực học đường: Quá đau xót!

Bạo lực học đường: Quá đau xót!

Một học sinh lớp 6 tên H. của Trường THCS Phong An (Phong Điền, Thừa Thiên Huế) trong khi đi vệ sinh đã xảy ra xô xát với học sinh lớp 7. Kết quả, H. bị con dao rọc giấy đâm trúng và tử vong.

 

Bạo lực học đường: Quá đau xót! - Ảnh 1.

Học sinh Trường THCS – THPT Diên Hồng (quận 10, TP.HCM) đang diễn kịch chuyên đề sân khấu hóa tiếng Anh xây dựng tình bạn đẹp, nói không với bạo lực học đường – Ảnh: ANH KHÔI

Nhóm thiếu niên 16 tuổi đến trước cổng Trường THCS Nguyễn Du (huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước) chờ em Hiệp, một học sinh lớp 9 của trường. Thấy Hiệp vừa ra cổng trường, cả nhóm lao vào đánh hội đồng. Một em rút dao thủ sẵn trong người ra đâm Hiệp tử vong.

Câu chuyện kết thúc bi thảm dành cho hai đứa trẻ THCS ám mùi “xã hội đen” ấy đang diễn ra nhức nhối trong môi trường học đường. Quá đau xót! Bạo lực học đường là vấn nạn nhức nhối lâu nay.

Là giáo viên cũng là một người mẹ có con đến trường, tôi mong sao tất cả mọi người đều quan tâm hơn đến vấn nạn bạo lực học đường. Hãy giật mình trước sự bùng phát đáng ngại của nắm đấm ở tuổi học trò và quyết liệt chấn chỉnh biểu hiện lệch lạc; neo giữ những giá trị tốt đẹp về tình bạn, tình người trong tâm hồn mướt xanh của những đứa trẻ đang tuổi lớn.

Tôi mong sao gia đình và nhà trường đều chủ động, sẵn sàng cởi trói bớt áp lực về thi cử, điểm số, thành tích và chú trọng hơn vào các hoạt động hướng đến sự trải nghiệm giá trị sống tích cực.

Giáo dục kỹ năng sống thiết thực và hữu ích để học sinh cảm nhận được sự yêu thương và quan tâm từ những thầy cô giáo, những người bạn ở trường học.

Và tôi đặc biệt mong mỏi công tác tư vấn tâm lý học đường đi vào chiều sâu và hiệu quả. Bởi phòng tư vấn tâm lý học đường – chỗ dựa tin cậy của học sinh – ở nhiều nơi đang đóng cửa im ỉm hoặc ít hoạt động.

Và bởi khi trẻ không có nơi giải tỏa tâm lý sẽ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

THANH NGUYỄN
TTO