23/12/2024

Logistics bàn cách ứng phó với biến động giá nhiên liệu

Logistics bàn cách ứng phó với biến động giá nhiên liệu

Trong bối cảnh giá nhiên liệu biến động, vật giá leo thang, các doanh nghiệp logistics đã ngồi lại với nhau bàn về những giải pháp, thích ứng trong giai đoạn này.

 

Logistics bàn cách ứng phó với biến động giá nhiên liệu - Ảnh 1.

Đây là chương trình “Cà phê sáng cùng HLA” do Hiệp hội Logistics TP.HCM tổ chức, bàn cách ứng phó với biến động giá nhiên liệu nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp – Ảnh: CÔNG TRUNG

Tại buổi chia sẻ “Cà phê sáng cùng HLA” do Hiệp hội Logistics TP.HCM tổ chức ngày 29-3, nhiều doanh nghiệp trong ngành đã bày tỏ những khó khăn, đề ra các giải pháp để thích ứng biến động giá nhiên liệu.

Ông Trương Nguyên Linh – phó tổng giám đốc Công ty liên doanh Phát triển tiếp vận số 1 (đơn vị liên doanh đầu tư khai thác cảng VICT) – cho biết chi phí logistics khai thác cảng biển rất lớn.

Cuối năm 2021, doanh nghiệp làm kế hoạch khai thác hoạt động năm 2022 với mức dự kiến giá nhiên liệu khoảng 16.000 đồng/lít và thực tế hiện nay đã tăng mạnh, đẩy chi phí nhiên liệu chênh lệch đến nửa tỉ đồng cho mỗi tháng. Giá nhiên liệu tăng nhưng việc bàn bạc tăng giá phục vụ với khách hàng cực kỳ khó khăn.

Tương tự, ông Dương Ngọc Trung – phó tổng giám đốc SDS – MP Logistics – chia sẻ giá xăng dầu đã tăng 30% so với năm ngoái, mặt bằng chung cước vận chuyển tăng 5 – 10%.

Hiện các doanh nghiệp trông đợi vào sự điều hành của Chính phủ về những chính sách bình ổn giá xăng dầu ở Việt Nam bằng cách giảm thuế. Đã có những khách hàng đồng ý về việc tăng giá cước tương ứng với mức tăng giá xăng dầu. Dù vậy, vẫn có một số doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn, muốn thương lượng lại để có chi phí hợp lý.

“Biến động nhiên liệu bấp bênh, tăng giá phục vụ với khách hàng là quãng đường dài, không phải ai cũng chấp nhận ngay. Doanh nghiệp lớn có sức chịu đựng nên chúng tôi đang rất cân nhắc với tăng giá” – bà Phạm Thị Mỹ Lệ, phó giám đốc marketing Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, nói.

Theo các doanh nghiệp, không chỉ giá nhiên liệu mà tất cả loại giá đều biến động, tác động ngay lập tức vào doanh nghiệp logistics, chi phí sử dụng vốn tăng lên. Do đó, tại cuộc chia sẻ “Cà phê sáng cùng HLA” đã gợi mở nhiều giải pháp, cơ hội để các doanh nghiệp logistics “bắt tay” hợp tác với nhau, kìm giá cước vận chuyển phù hợp với thị trường.

Chủ tịch Hiệp hội Logistics TP.HCM & CEO MP Logistics, bà Đặng Minh Phương cho biết 10 ngày sẽ điều chỉnh giá xăng dầu, doanh nghiệp cần làm việc với khách hàng để điều chỉnh giá khi xăng dầu biến động.

Cần kêu gọi sự đồng hành của đối tác để chia sẻ, minh bạch chuyện tăng giá vận chuyển. Đồng thời, doanh nghiệp chủ động tìm nguồn cung ứng xăng dầu ổn định, tăng cường sự hợp tác giữa các doanh nghiệp với nhau.

Bà Phương, người được mệnh danh là “nữ hoàng logistics Việt Nam”, cũng gợi mở bản thân MP Logistics một ngày thuê ngoài tới 500 chiếc xe vận chuyển. Nếu doanh nghiệp vận chuyển có nhu cầu có thể đáp ứng, hợp tác cùng với MP Logistics.

Bà Phương thông tin thêm, cộng đồng doanh nghiệp logistics đang hy vọng TP.HCM sẽ giãn thời gian thu phí hạ tầng cảng biển trong thời gian tới để đỡ bớt một gánh nặng về chi phí.

Giá nhiên liệu tăng là thách thức nhưng cũng mở ra cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận công nghệ, mở ra giải pháp tối ưu quá trình vận chuyển hàng hóa, hạn chế xe chạy rỗng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp kiến nghị cơ quan chức năng chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng nhanh chóng, tiết giảm thời gian vận hành.

Ông Nguyễn Đăng Hải – tổng giám đốc Công ty CP TM DV Khởi Long – chia sẻ một giải pháp của đơn vị nhằm tiết giảm chi phí nhiên liệu là tối ưu hóa vận chuyển, ít sử dụng các dòng xe đời cũ tiêu hao nhiên liệu.

Chẳng hạn xe đầu kéo đời cũ chạy khoảng 100km tốn 30-40 lít dầu, công ty ông Hải sử dụng xe đời mới để giảm chi phí nhiên liệu hơn. Đồng thời, kho hàng sử dụng xe nâng điện để tối ưu chi phí…

CÔNG TRUNG
TTO