23/12/2024

Lần đầu trong lịch sử, Mỹ ra luật chống tư hình vì kỳ thị chủng tộc

Lần đầu trong lịch sử, Mỹ ra luật chống tư hình vì kỳ thị chủng tộc

Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành đạo luật cấp liên bang đầu tiên quy định về hành vi tư hình vì kỳ thị chủng tộc.

 

 

 

Lần đầu trong lịch sử, Mỹ ra luật chống tư hình vì kỳ thị chủng tộc - ảnh 1
Tổng thống Biden tại lễ ký ban hành đạo luật   AFP

Hãng AFP ngày 30.3 đưa tin Tổng thống Mỹ Joe Biden ký thông qua dự luật quy định hành vi tư hình vì kỳ thị chủng tộc là tội ác thù hận, chấm dứt hơn 1 thế kỷ trì hoãn.

Đạo luật này định nghĩa hành vi tư hình (lynching) là bất cứ sự tấn công nào do động cơ kỳ thị dẫn đến thương tích hoặc tử vong. Bất cứ ai vi phạm sẽ đối diện mức án lên đến 30 năm tù giam.

Theo giới chuyên môn, đạo luật mới chấm dứt lịch sử được miễn trừ đối với hàng ngàn trường hợp tư hình vì kỳ thị chủng tộc trong giai đoạn từ cuối Nội chiến Mỹ năm 1865 đến năm 1950.

Đạo luật được đặt tên theo Emmett Till, một thiếu niên Mỹ gốc Phi 14 tuổi bị hành hung đến tử vong vào năm 1955 do nạn kỳ thị chủng tộc tại Mỹ, dẫn đến phong trào đòi nhân quyền tại nước này vào thập niên 1950.

Lần đầu trong lịch sử, Mỹ ra luật chống tư hình vì kỳ thị chủng tộc - ảnh 2
Tổng thống Biden gặp các vị khách sau khi ký ban hành đạo luật  AFP

Sau khi ký, Tổng thống Biden dự buổi lễ với Phó tổng thống Kamala Harris và bà Michelle Duster, cháu của nhà báo da màu và nhà hoạt động chống tư hình vì kỳ thị chủng tộc Ida B. Wells tại Vườn Hồng ở Nhà Trắng.

“Nạn tư hình đó rõ ràng là khủng bố”, Tổng thống Biden phát biểu và nhắc lại về nạn tư hình chủ yếu nhằm vào người Mỹ gốc Phi, thường diễn ra trước sự hiện diện của đám đông da trắng cổ vũ sau thời kỳ nô lệ tại Mỹ.

Ông cảnh báo rằng thù hận sắc tộc không phải là vấn đề cũ mà vẫn tồn tại và ẩn giấu. Bà Harris cũng nhấn mạnh rằng các hành vi khủng bố về sắc tộc vẫn xảy ra tại Mỹ.

Trước đó, Thượng viện Mỹ thông qua dự luật vào tháng 2. Lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer nói rằng việc trì hoãn quá lâu về việc có đạo luật xử lý cấp liên bang đã trở thành “một vết nhơ đối với Mỹ”.

 

KHÁNH AN

TNO