22/01/2025

Kỳ vọng đô thị dọc sông Sài Gòn: Mở đại lộ ven sông

Kỳ vọng đô thị dọc sông Sài Gòn: Mở đại lộ ven sông

Thiết kế không gian đô thị gắn với các hoạt động kinh tế phù hợp sẽ giúp TP.HCM khai phá “mỏ vàng” vô giá từ sông Sài Gòn.

 

 

Chạy từ Tân Cảng tới Củ Chi

Ngay khi đề án “Phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông TP.HCM giai đoạn 2020 – 2045” được UBND TP.HCM phê duyệt, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất mà lãnh đạo UBND TP giao Sở Quy hoạch – Kiến trúc (QH-KT) TP là hoàn thiện đề án quy hoạch chung, làm sao có được con đường ven sông từ Q.1 đến H.Củ Chi nhằm khai thác và bảo tồn nét đẹp sông Sài Gòn.

Kỳ vọng đô thị dọc sông Sài Gòn: Mở đại lộ ven sông - ảnh 1
Sông Sài Gòn sẽ được chỉnh trang, cải tạo trở thành hành lang sông nước quan trọng, đặc trưng của TP.HCM  NGỌC DƯƠNG

Trước đó, dự án đại lộ ven sông Sài Gòn đã được “thai nghén” từ năm 2017 bởi Tập đoàn Tuần Châu, trước khi chính thức chuyển giao ý tưởng cho Tập đoàn Đèo Cả vào tháng 5.2020. Theo thiết kế ban đầu, tuyến đại lộ này sẽ xuất phát từ cầu Sài Gòn (Q.Bình Thạnh) đến cầu Bến Súc (H.Củ Chi) với tổng chiều dài khoảng 64 km, tổng mức đầu tư khoảng 63.500 tỉ đồng. Với tốc độ di chuyển 100 km/giờ, nếu được xây dựng, người dân tại TP.HCM chỉ mất khoảng 25 – 30 phút đi từ Củ Chi về Q.1 (hiện nay mất khoảng 1 giờ 30 phút).

Khẳng định kế hoạch chỉnh trang, khai thác lợi thế dọc bờ sông Sài Gòn đang bị bỏ quên là điều TP.HCM chắc chắn phải làm, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cho rằng việc cần thiết đầu tiên là xây dựng bằng được tuyến đường ven sông từ khu vực Tân Cảng tới H.Củ Chi. Tuyến đường này không chỉ giải quyết bài toán giao thông mà sẽ hình thành 2 động lực rất lớn tạo đột phá cho nền kinh tế TP.HCM: Có đường, quỹ đất 2 bên sẽ được khai thác, chuyển đổi mục đích tạo ra những dự án đô thị, dân cư. Đô thị ven sông sẽ hình thành, tạo nguồn thu, kích thích các hoạt động kinh tế. Bên cạnh đó, khu đô thị Tây Bắc cũng sẽ bắt đầu được khai phá, phát triển. Hai động lực này sẽ tạo nên đột phá cho nền kinh tế TP.HCM trong giai đoạn tới.

“Mỗi nước có thể khai thác lợi thế khác nhau từ con sông, nhưng đặc điểm chung nơi nào có con sông chảy qua thì 2 bên bờ đều được khai thác. Đơn cử, sông Seine (Paris, Pháp) nhỏ, chỉ bằng kênh Tẻ của TP.HCM nhưng hai bên bờ người ta dựng nên những lâu đài cổ kính, thành quách, buổi tối những tàu nhà hàng nổi chạy dọc sông. Ai đến Paris cũng thích mua vé ăn tối trên tàu để ngắm những lâu đài xung quanh. Nói vậy để thấy đô thị dọc sông sẽ kéo theo rất nhiều hoạt động du lịch, dịch vụ, kinh tế phát triển”, ông Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Trao đổi với Thanh Niên, đại diện Sở QH-KT TP.HCM cho biết dự án đại lộ ven sông là một trong những ý tưởng được cân nhắc lựa chọn trong quy hoạch phát triển kinh tế dọc sông Sài Gòn. Theo vị này, giao thông gắn với bài toán khai thác đất đai, là một loại hạ tầng quan trọng gắn với chức năng sử dụng đất một cách hiệu quả. Trước đây, khi mở một con đường, người ta nghĩ tới khai thác khu đất, đó là đầu tư để phát triển đô thị. Tuy nhiên hiện nay có thể cân nhắc để không cần mở đường to gấp 3, gấp 5 lần nhưng có thể dùng công nghệ, điều phối hợp lý để khai thác được tối đa công suất hạ tầng. Ngoài giao thông, dọc ven sông còn được gắn bài toán hạ tầng xanh, gồm kè sông, cầu tàu, cầu cảng, những diện tích kho bãi ven sông để phục vụ logistics. Bên cạnh đó, có một số khu vực có thể làm công viên, cây xanh, chưa kể trường học, những trung tâm y tế sức khỏe cộng đồng, những hạ tầng phục vụ du lịch, dịch vụ…

Nối “đất vàng” ra “biển bạc”

Tìm hiểu các đô thị sông nước trên thế giới, kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng nhận định dòng sông là bộ phận không thể tách rời của cư dân đô thị và là tài sản vô giá mà thiên nhiên ban tặng. Mỗi vùng đất sẽ có định hướng khai thác lợi thế sông nước một cách khác nhau. Đơn cử, TP.Amsterdam (Hà Lan) thấp hơn mặt biển 1 m, là TP cảng với sông ngòi, kênh rạch chằng chịt. Đến năm 1270, người ta đã xây dựng một con đê ngăn lũ có tên là Amsterdam. Từ đó, TP này trở thành một Venice thứ hai với hàng loạt kênh đào nối liền 90 khu đảo, hơn 600 cây cầu đủ kiểu dáng. TP lạ lùng về quy hoạch và cảnh quan, 4 mặt là sông nước. Người dân ở đây đã phát triển du lịch, xây dựng đê điều, đập nước, giao thương và đẩy ngành công nghiệp đóng tàu, bảo trì và sửa chữa tàu đứng vào bậc nhất thế giới.

Trong khi đó, quy hoạch của TP.Frankfurt (Đức) được thiết kế dựa theo sông Main và các kênh đào tỏa ra xung quanh lại chú trọng giao thông bộ và thủy song hành, tạo ra những không gian mở mới. TP cũ được khoanh vùng bảo vệ với đất trồng trọt và đất rừng, không bành trướng. Các đô thị vệ tinh được hình thành từ những ngôi làng xung quanh và phát triển thành đô thị mới như Praunheim, Roemerstadt, tách khỏi TP cũ bởi một công viên cố định. Từ đầm lầy của sông nhỏ Niddo, các đô thị vệ tinh đều được xây dựng gần các con sông nhánh, hoặc kênh đào tạo cảnh quan. Chính vì thế, những làng mạc, đô thị mới mang một bản sắc kiến trúc rất phong phú và thơ mộng, thu hút nhiều du khách quốc tế; du lịch, dịch vụ phát triển mạnh.

“Sông Sài Gòn có đặc điểm chạy theo hướng Cần Giờ ra biển. Do đó, khai thác kinh tế sông Sài Gòn không chỉ giới hạn trong giao thông thủy nội đô, du lịch đường sông mà còn có thể mở rộng gắn với phát triển kinh tế biển, khôi phục vị thế cảng thị của “hòn ngọc Viễn Đông”. Sông Sài Gòn không chỉ có “đất vàng” mà còn là “biển bạc”. Cần có quy chuẩn và khái niệm rõ ràng về đô thị sông, biển để khai thác hiệu quả tiềm năng của chúng”, kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng nhìn nhận.

Theo vị đại diện Sở QH-KT TP.HCM, đề án “Phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông TP.HCM giai đoạn 2020 – 2045” đặt mục tiêu khôi phục lại dấu ấn, hoạt động sông nước để nhấn mạnh đặc trưng đô thị sông nước Sài Gòn từ 300 năm trước. Sau thời gian bị bỏ quên thành mặt sau, sông Sài Gòn sẽ trở thành mặt tiền của TP.HCM. Những hoạt động sông nước, giao thông thủy sẽ tấp nập hơn, du lịch trên sông, những hoạt động đi chơi, đi bộ, ngắm cảnh, đạp xe, giao thông công cộng… tăng khả năng tiếp cận của người dân đến các khu vực bờ sông cũng đều được tính toán, cân nhắc để tổ chức hợp lý tại từng khu vực. Theo đó, sông Sài Gòn sẽ trở thành hành lang sông nước quan trọng, đặc trưng của TP.HCM, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, ổn định đô thị; nhưng cũng tạo nên hình ảnh đặc sắc, hấp dẫn, nâng cao chất lượng, sức cuốn hút của TP trong tương lai.

“Một mảnh đất, một vị trí hoặc hành lang trên tuyến đường sẽ có hướng tiếp cận toàn diện hơn theo hình thái hạ tầng đa chức năng. Bến Bạch Đằng sau khi cải tạo cũng là một trong những ví dụ, vừa có chức năng cầu cảng nhưng cũng là công viên cây xanh kết hợp bến tàu, là nơi giải trí, thư giãn ngắm cảnh, du lịch. Sắp tới, TP sẽ cải thiện bến bãi đậu xe, thêm tiện ích công cộng phục vụ người dân như lối đi kết nối với đường Nguyễn Huệ, một số chức năng phục vụ hoạt động du lịch, triển lãm giá trị văn hóa lịch sử của bến Bạch Đằng, thêm nhiều cấu phần để tạo ra được một không gian thực sự có nhiều công năng và ý nghĩa, không chỉ thuần túy xây dựng rồi tạo những công trình cứng. Các đầu tư trong tương lai cũng sẽ được phát triển theo hướng này”.

Đại diện Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM

HÀ MAI

TNO