23/01/2025

Chưa kịp đọc kỹ đã bình chọn sách giáo khoa

Chưa kịp đọc kỹ đã bình chọn sách giáo khoa

Năm học 2022 – 2023, chương trình Giáo dục phổ thông 2018 áp dụng đến khối lớp 3, 7, 10. Khoảng thời gian này, nhà xuất bản phối hợp với sở GD-ĐT địa phương giới thiệu chọn sách giáo khoa để chuẩn bị sử dụng cho năm học mới tới đây.

 

 

Chọn sách giáo khoa kiểu… “thầy bói xem voi” !

Các cuộc họp giữa nhà xuất bản, ngành giáo dục địa phương và cơ sở giáo dục chủ yếu để giáo viên (GV) nghe đại diện nhóm biên soạn từng môn học trình bày khoảng 20 phút về nội dung sách giáo khoa (SGK). GV chưa có đủ thời gian đọc SGK kỹ lưỡng, hiểu được ý của tác giả trong mỗi bài học (chương, phần) khó hơn, nói gì đến góp ý, trao đổi, tranh luận.

Vì thời gian gấp gáp, nhiều GV chưa tìm hiểu kỹ các bộ sách, và khâu tổ chức bình chọn ở các trường còn bất cập, nên nhiều GV cho rằng việc bình chọn này giống kiểu… “thầy bói xem voi”. Nghĩa là chưa chính xác, toàn diện được, mà còn nặng hình thức, thủ tục.

Chưa kịp đọc kỹ đã bình chọn sách giáo khoa - ảnh 1
Sách giáo khoa lớp 10 của các nhà xuất bản đang được giới thiệu đến các giáo viên  HOÀNG CHƯƠNG

Theo Thông tư 25/2020 của Bộ GD-ĐT về quy định lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục, thì các cơ sở giáo dục phải thông báo danh mục SGK được UBND cấp tỉnh phê duyệt đến tổ bộ môn, GV, học sinh (HS) và cha mẹ HS. Sau đó tổng hợp các ý kiến trên để gửi về sở GD-ĐT.

Hiện tại có 3 bộ SGK đưa ra cho các trường bình chọn sử dụng: Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo (NXB Giáo dục VN), Cánh diều (nhóm biên soạn ĐH Sư phạm Hà Nội). Để bình chọn, tất cả GV phải đọc hết 3 bộ sách này và so sánh, bàn bạc kỹ mới có nhận định chính xác. Nhưng vì thời gian rất gấp, hầu hết các địa phương đều yêu cầu các trường gửi bình chọn trước tháng 3, nên GV chưa có nhiều thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng. Việc chọn bộ sách nào vì thế cũng võ đoán, tương đối và thiên lệch. Đáng lẽ các trường phải tổ chức nhiều buổi cho GV đọc, thảo luận rồi bình chọn. Nhưng vì dịch bệnh, việc dạy học chật vật vừa trực tiếp vừa trực tuyến nên GV không còn thời gian đọc để bình chọn sách.

Sau khi được nghe giới thiệu SGK, nhóm (tổ) chuyên môn từng trường tiến hành thảo luận, bỏ phiếu chọn. Hội đồng lựa chọn SGK chương trình Giáo dục phổ thông 2018 của trường gồm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tổ trưởng chuyên môn, GV những môn đặc thù, đại diện cha mẹ HS. Các thành viên này tiến hành họp, xem xét và bỏ phiếu chọn SGK. Cấp trên nhà trường tiếp tục chọn một lần nữa, căn cứ vào kết quả này, cấp thẩm quyền ra quyết định chọn SGK (bộ SGK) để thầy trò dùng trong năm học.

Trong quy định của Thông tư 25 nói trên, khi bình chọn bộ sách nào giảng dạy của trường thì cần có ý kiến của HS và đại diện cha mẹ HS. Nhưng hầu hết các trường đều bỏ qua khâu này.

Việc bình chọn bộ sách nào đưa vào sử dụng là rất quan trọng. Nó phải phù hợp với đặc trưng của từng vùng, từng miền. Khi chọn, cũng nên phải có tính kế thừa, thống nhất giữa các cấp học.

Song không nhất thiết chỉ sử dụng một bộ sách, mà có thể lấy những bài hay của các bộ sách kia để kết hợp dạy và học. Vì vậy, GV cần có nhiều thời gian và cách thức thực hiện chu đáo của nhà trường để không quá cập rập theo kiểu câu chuyện dân gian “thầy bói xem voi”.

Vì thế, việc cần làm là, mỗi GV, nhà trường, nghiên cứu thấm sâu chương trình môn học, xây dựng kế hoạch giáo dục. Khi đã thông suốt chương trình môn học, chọn SGK nào là chuyện của GV.

Giảng dạy tại một lớp, với bài học này, GV soạn theo SGK A, nhưng sang bài học kia thì soạn theo SGK B. Thế mới là linh hoạt giúp HS hiểu bài. Cùng một khối lớp, GV này dạy theo SGK A, GV kia dạy theo SGK B, cũng tốt chứ đâu có vấn đề gì.

 

Không có giáo viên đủ chuẩn, không dạy môn tự chọn ?

Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 lớp 10 có môn mỹ thuật và âm nhạc là môn học lựa chọn. Lãnh đạo nhiều trường băn khoăn, từ cơ sở vật chất đến GV đứng lớp chưa được chuẩn bị, HS chọn học môn này thì sao? Lãnh đạo một sở GD-ĐT dứt khoát cho rằng chỉ GV trình độ cử nhân (mỹ thuật, âm nhạc) mới được đứng lớp, nếu không có thì không cho HS chọn, tức là không dạy.

Điều này gợi nhớ lúc thực hiện chương trình phân ban. Nhiều chủ đề tự chọn, nếu để HS chọn thì “rối” nên việc chọn là của trường, còn HS thì trường… đặt đâu, ngồi đấy!

HS lớp 10 ban cơ bản hiện nay học 15 môn, 30 tiết/tuần (chưa tính hoạt động ngoài giờ lên lớp và giáo dục hướng nghiệp).

Kế hoạch giáo dục lớp 10 theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018, như sau: Môn học bắt buộc, gồm ngữ văn, toán, ngoại ngữ 1, giáo dục thể chất, giáo dục Quốc phòng và an ninh. Môn học lựa chọn, có 3 nhóm môn: nhóm môn khoa học tự nhiên (lý, hóa, sinh), nhóm môn khoa học xã hội (sử, địa, giáo dục kinh tế và pháp luật), nhóm môn công nghệ và nghệ thuật (công nghệ, tin học, âm nhạc, mỹ thuật). HS lựa chọn 5 môn trong số 3 nhóm môn, mỗi nhóm môn tối thiểu chọn 1 môn.

Chuyên đề học tập lựa chọn, HS chọn 3 cụm chuyên đề trong số 14 chuyên đề. Hoạt động giáo dục bắt buộc gồm hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.

Ngoài ra còn có nội dung giáo dục địa phương, môn học tự chọn gồm ngoại ngữ 2, tiếng dân tộc thiểu số (HS có thể không chọn học).

Như vậy theo chương trình mới, tổng số tiết học/tuần là 29 tiết (chưa tính môn học tự chọn).

Theo như trên, HS khi đã lựa chọn theo từng nhóm môn có thể không học một môn nào đó, chẳng hạn như sử, hoặc địa, hoặc lý, hóa… trong cả năm học.

TRẦN NHÂN TRUNG – NGUYỄN HOÀNG LƯƠNG

TNO