23/11/2024

Chi phí sinh hoạt tăng cao ở khắp châu Á

Chi phí sinh hoạt tăng cao ở khắp châu Á

Cuộc khủng hoảng kép đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột Nga – Ukraine đang khiến nhiều nước châu Á phải đối mặt với chi phí sinh hoạt tăng cao.

 

 

Chi phí sinh hoạt tăng cao ở khắp châu Á - Ảnh 1.

Khách hàng tại một quầy mì ở Bangkok hôm 21-3. Mặt hàng này đã tăng giá 9% – Ảnh: REUTERS

Trong gần 30 năm qua, Hiromichi Akiba, chủ một chuỗi cửa hàng siêu thị tại Tokyo, đã luôn tuân thủ theo phương châm “bán thực phẩm tươi, ngon với giá rẻ cho khách hàng”.

Nhưng ở thời điểm hiện tại, suy nghĩ này của ông Akiba đang đứng trước thách thức lớn. Chi phí đang tăng nhanh do sự đứt gãy của chuỗi cung ứng, cuộc khủng hoảng Ukraine và sự sụt giảm nhu cầu của người dân sau hơn hai năm đối mặt với đại dịch COVID-19.

Hiện ông Akiba đang vận hành một chuỗi gồm 5 siêu thị tại các quận Nerima và Suginami ở Tokyo. Doanh thu hằng tháng của chuỗi hiện vào khoảng 300 triệu yen.

Ông Akiba cho biết hiện phải thanh toán thêm chi phí về nhiên liệu cho đội ngũ 20 xe vận tải, trong khi chi phí về điện và khí đốt cũng leo thang. Mỗi tháng, ông phải chi trả thêm gần 1 triệu yen (8.300 USD), tương ứng với mức tăng 2%, ông Akiba nói với tờ Nikkei.

Chi phí lao động tại Nhật cũng tăng nhanh khi tỉ lệ dân số còn trong độ tuổi lao động đang giảm, giá bán buôn thực phẩm tăng do chi phí hậu cần và các chi phí khác tăng. Những yếu tố này đang khiến ông Akiba phải đối mặt với rủi ro lạm phát chi phí.

Tại Thái Lan, chi phí tăng cao cũng khiến người dân lo lắng. “Giá thịt heo, trứng gà tăng, thậm chí cả những sản phẩm giá rẻ như mì ăn liền cũng trở nên đắt đỏ hơn, tôi không biết cuộc sống sẽ ra sao khi mọi thứ ngày càng khó khăn”, Somchai Bua-gnern, một lái xe tuktuk 39 tuổi tại Thái Lan, nói. Somchai hiện kiếm khoảng 200 bath (khoảng 6 USD) một ngày.

Chi phí đã tăng mạnh trước thời điểm Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine. Hiện tại, các doanh nghiệp và hộ gia đình ở châu Á còn gặp khó khăn nhiều hơn. Khi các đồng tiền tại châu Á giảm giá trị trước đồng USD, cả khu vực – vốn được xem như động lực tăng trưởng toàn cầu – đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng về giá cả sinh hoạt.

Lạm phát tại Thái Lan đã tăng 5,28% trong tháng 2 – mức cao nhất trong 13 năm – trong khi con số này tại Đài Loan là 2,36%, và là tháng thứ 7 liên tiếp lạm phát tăng hơn 2%.

Chi phí sinh hoạt tăng cao ở khắp châu Á - Ảnh 2.

Philippines chi 3 tỉ peso trợ cấp nhiên liệu cho phương tiện công cộng và nông dân vào đầu tháng 3 – Ảnh: AFP

Nga hiện là nhà xuất khẩu lớn của phân bón, trong khi với Ukraine là ngô và lúa mì. Nhưng hiện giờ đang xuất hiện nhiều lo ngại về nguồn cung lâu dài của thực phẩm và chi phí tăng cao.

Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Thái Lan Pornsilp Patcharintanakul cho biết việc tăng giá chi phí chăn nuôi đã làm tăng giá sản xuất thịt gà và thịt heo. Giá ngô (bắp) hiện đã tăng gần 20% từ năm ngoái, trong khi đậu tương là 25%.

Hiện một số chính phủ tại châu Á đã đẩy mạnh nỗ lực nhằm đối phó với nguy cơ lạm phát tăng cao. Văn phòng Quốc hội Hàn Quốc ước tính GDP nước này sẽ giảm 0,2 điểm phần trăm và tài khoản vãng lai sẽ giảm 2 tỉ USD nếu giá dầu tăng 10%. Để giảm gánh nặng lên người tiêu dùng, chính phủ sẽ kéo dài chính sách cắt giảm 2% thuế với hoạt động kinh doanh bán xăng dầu trong 3 tháng cho tới tháng 7.

Vào đầu tháng này, Thái Lan cho biết sẽ đặt giá trần với dầu diesel vào mức 30 bath (20.300 đồng) mỗi lít. Chính phủ cũng cân nhắc đặt giá trần với các mặt hàng thiết yếu khác. Đài Loan cũng có bước đi tương tự khi giảm thuế đối với các sản phẩm nhập khẩu, bao gồm việc miễn mức 5% thuế với đậu tương, ngô, lúa mì, và một nửa mức thuế với bơ, sữa bột, hay giảm thuế với dầu diesel và khí gas.

LAN HƯƠNG
TTO