23/12/2024

Bộ Tài chính nói gì về việc xăng ‘cõng’ 10% thuế tiêu thụ đặc biệt?

Bộ Tài chính nói gì về việc xăng ‘cõng’ 10% thuế tiêu thụ đặc biệt?

Theo Bộ Tài chính, xăng là nhiên liệu gốc hoá thạch, không tái tạo, cần phải sử dụng tiết kiệm. Hầu hết các nước trên thế giới đều thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng.

 

Bộ Tài chính nói gì về việc xăng ‘cõng’ 10% thuế tiêu thụ đặc biệt? - Ảnh 1.

Người tiêu dùng kỳ vọng giá xăng trong nước sẽ hạ nhiệ khi Nhà nước giảm tiếp thuế tiêu thụ đặc biệt – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết thuế tiêu thụ đặc biệt là sắc thuế gián thu, thẩm quyền quyết định của Quốc hội.

Thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào một số hàng hóa, dịch vụ Nhà nước không khuyến khích tiêu dùng vì có hại cho sức khỏe (thuốc lá, rượu, bia…), cần tiêu dùng tiết kiệm (như xăng gốc hóa thạch) hoặc hàng hóa, dịch vụ cao cấp, đắt tiền điều tiết thu nhập (ô tô, máy bay, du thuyền…).

Tại Việt Nam, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt quy định xăng thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt từ năm 1999. Do xăng là nhiên liệu gốc hóa thạch, không tái tạo, cần phải sử dụng tiết kiệm.

Theo kinh nghiệm quốc tế, hầu hết các nước trên thế giới đều thu thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng.

Đơn cử, Pháp thu thuế tiêu thụ đặc biệt 0,6629 EUR/lít với xăng E10 và 0,6829 EUR/lít với xăng khoáng; Đức thu 0,6545 – 0,6698 EUR/lít xăng tùy theo hàm lượng sunfua; Hà Lan áp thuế tiêu thụ đặc biệt 0,81314 EUR/lít xăng…

Tại các nước châu Á, nhiều nước cũng áp dụng thu thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng, như Hàn Quốc có mức thu 311 won/lít thuế tuyệt đối và thuế tỉ lệ 15%; Trung Quốc thu 1,52 nhân dân tệ/lít và Úc quy định 0,442 AUD/lít.

Các nước trong nội khối ASEAN cũng áp thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng như Campuchia quy định mức thuế suất 25%; Thái Lan 6,50 baht/lít với xăng khoáng, 5,85 baht/lít với xăng 95E10; Singapore thu 0,41 SGD/lít; Lào áp mức thuế suất 39%.

Cũng theo Bộ Tài chính, việc điều chỉnh giá xăng dầu phải linh hoạt, bám sát thị trường, trong khi việc điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt do Quốc hội quy định tại kỳ họp Quốc hội 6 tháng/lần. Đồng thời, nguyên tắc điều hành giá xăng dầu là phải hài hòa lợi ích giữa nhà nước và người nộp thuế.

Trong bối cảnh giá bán lẻ xăng dầu tăng cao nhất từ trước đến nay, xăng RON 95 gần chạm 30.000 đồng/lít, nhiều chuyên gia, người dân đề nghị giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng nhằm chia sẻ với người tiêu dùng trong nước.

Ông Đặng Văn Khoa – ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam – nói xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, nhưng hiện nay xăng phải chịu 10% thuế tiêu thụ đặc biệt như thuốc lá, rượu bia là quá phi lý.

Giữa tháng 3, trong tờ trình Chính phủ về đề xuất giảm thuế môi trường, Bộ Tài chính báo cáo xăng dầu vừa là mặt hàng chiến lược, quan trọng, vừa là mặt hàng thiết yếu có tác động mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân.

Giá xăng dầu tăng cao sẽ gây áp lực lớn đến chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như chi tiêu dùng của người dân, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế. Các nước Thái Lan, Hàn Quốc, Ba Lan, Ấn Độ… cũng đã giảm thuế tiêu thụ đặc biệt xăng dầu rồi.

Phản hồi về đề xuất giảm thuế nhập khẩu đối với xăng dầu, Bộ Tài chính cho biết hiện nay xăng dầu nhập khẩu chủ yếu từ các nước ASEAN, Hàn Quốc với mức thuế 8% đối với xăng và 0% đối với dầu.

Lượng xăng dầu nhập khẩu theo thuế suất ưu đãi chỉ chiếm khoảng 6% trong tổng nhu cầu xăng dầu tiêu thụ của cả nước. Do đó, việc giảm mức thuế suất ưu đãi đối với xăng dầu khó có thể làm cho giá xăng dầu trong nước giảm.

L.THANH
TTO