23/01/2025

Sẽ không có ‘quân gìn giữ hoà bình của NATO ở Ukraine’

 Sẽ không có ‘quân gìn giữ hoà bình của NATO ở Ukraine’

Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhấn mạnh sẽ không có cái gọi là “quân gìn giữ hòa bình của NATO ở Ukraine”. Ông khẳng định khối này sẽ không có hoạt động quân sự tại Ukraine, kể cả dưới danh nghĩa gìn giữ hoà bình.

 

 

ĐỌC NHANH 28-3: Sẽ không có quân gìn giữ hòa bình của NATO ở Ukraine - Ảnh 1.

Bức ảnh công bố ngày 28-3 cho thấy cảnh máy bay chiến đấu của không quân Ukraine dàn đội hình trong một cuộc tập trận không tiết lộ thời gian và địa điểm diễn ra – Ảnh: REUTERS

* Ngày 27-3, báo Independent của Anh dẫn nhà chức trách Ukraine cho biết ít nhất 7 đám cháy rừng đã bùng phát gần nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, nơi Nga đang kiểm soát từ cuối tháng 2. Hiện vẫn chưa rõ các đám cháy này bùng phát do pháo kích hay các nguyên nhân tự nhiên khác.

Trước đó cùng ngày, Phó thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk cáo buộc Nga đang “quân sự hóa” khu vực gần Chernobyl và kêu gọi châu Âu lên tiếng vì hành động của Nga có thể ảnh hưởng cả châu lục.

* Trong cuộc phỏng vấn với Đài ARD ngày 27-3, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhấn mạnh sẽ không có cái gọi là “quân gìn giữ hòa bình của NATO ở Ukraine”. Ông khẳng định khối này sẽ không có hoạt động quân sự tại Ukraine, kể cả dưới danh nghĩa gìn giữ hòa bình và mọi công cụ có thể giúp đỡ Ukraine là các lệnh trừng phạt Nga.

ĐỌC NHANH 28-3: Sẽ không có quân gìn giữ hòa bình của NATO ở Ukraine - Ảnh 2.

Các binh sĩ Ukraine bên cạnh chiếc xe tăng của Nga ở ngoại ô thủ đô Kiev ngày 27-3 – Ảnh: REUTERS

* Ngày 27-3, ông Leonid Kalashnikov, chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề về khối Cộng đồng các quốc gia độc lập của Duma Quốc gia (Hạ viện Nga), tuyên bố hiện thời chưa phải là lúc thích hợp để Cộng hòa nhân dân Lugansk (tự xưng) sáp nhập vào Liên bang Nga. Lãnh đạo vùng ly khai Lugansk trước đó thông báo có thể sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về việc có nên gia nhập Nga hay không, theo TASS.

* Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không có ý định thay đổi chế độ ở Nga. “Đó không phải mục tiêu của NATO hay của tổng thống Mỹ”, ông Scholz nói trên kênh truyền hình ARD của Đức.

Bộ trưởng giáo dục Anh Nadhim Zahawi nói rằng người dân Nga sẽ quyết định đất nước của họ sẽ được lãnh đạo như thế nào. “Tôi nghĩ người dân Nga sẽ quyết định số phận của ông Putin”, báo Guardian dẫn lời ông Zahawi nói.

Trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng kêu gọi kềm chế lời nói và hành động sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Ba Lan rằng ông Putin “không thể tiếp tục nắm quyền”.

* Người phát ngôn Ibrahim Kalin của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng cảnh báo việc cô lập Nga. “Nếu mọi người thiêu rụi cây cầu với Nga, ai sẽ nói chuyện với họ?”, Đài Russia Today dẫn lời ông Kalin.

* Ngày 28-3, Hãng tin AFP dẫn tuyên bố của Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết vòng đàm phán hòa bình tiếp theo giữa Nga và Ukraine sẽ diễn ra ở thành phố Istanbul, tuy nhiên không đưa ra thời gian cụ thể. Theo tuyên bố, các bên đã thống nhất nơi đàm phán sau cuộc điện đàm giữa ông Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Trong khi đó, Nga và Ukraine đưa ra thời gian đàm phán khác nhau. Nhà đàm phán Ukraine David Arakhamia viết trên Facebook rằng vòng đàm phán tiếp theo diễn ra từ ngày 28 đến 30-3. Trong khi đó, Hãng tin Tass của Nga dẫn lời nhà đàm phán Nga Vladimir Medinsky lại nói rằng từ 29 đến 30-3.

Kể từ khi Nga bắt đầu “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine ngày 24-2, hai bên đã tổ chức 3 vòng đàm phán.

ĐỌC NHANH 28-3: Sẽ không có quân gìn giữ hòa bình của NATO ở Ukraine - Ảnh 3.

Một khu dân cư bị trúng bom đạn ở thành phố Mariupol, Ukraine, ngày 27-3 – Ảnh: REUTERS

* Tổng thống Ukraine Zelensky cho biết chính phủ của ông đang xem xét cẩn thận yêu cầu của Nga về quy chế trung lập cho Kiev, một trong những vấn đề then chốt của cuộc đàm phán. Trước đó, 2 bên đã có những tuyên bố khác biệt về vấn đề này khi Ukraine nói đây là đề xuất của Matxcơva, trong khi Nga cho rằng Kiev vốn đang giữ quy chế trung lập và đây cũng là điều kiện khi nước này rời liên bang Xô Viết cũ.

“Sự đảm bảo an ninh và quy chế phi hạt nhân, trung lập của đất nước chúng tôi. Chúng tôi sẵn sàng đàm phán. Đây là điểm quan trọng nhất”, ông Zelensky nói.

Hãng tin Reuters dẫn lời ông Zelensky nói ông sẽ không cố giành lại các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát bằng vũ lực, cho rằng điều này sẽ dẫn đến thế chiến thứ ba. Ông cũng nói muốn đạt được sự “nhượng bộ” về vùng Donbass ở phía đông Ukraine. Trước đó, nước cộng hòa tự xưng Lugansk (Luhansk) tại khu vực này nói sẽ sớm tổ chức trưng cầu dân ý về việc gia nhập Nga.

* Ukraine cảnh báo chiến sự sẽ leo thang ở phía nam thành phố Mariupol sau khi Nga cho biết đang nhắm vào các nguồn lực quân sự của Kiev ở vùng Donbass. Tuy nhiên, cố vấn Oleksiy Arestovich của Tổng thống Zelensky cho rằng điều này có thể giúp Ukraine đẩy lùi lực lượng Nga tại các vùng phía đông và bắc như Kiev, Chernigiv, Sumy và Kharkov.

Ông Arestovich nói các lực lượng Ukraine đang thực hiện các cuộc phản công nhỏ tại những khu vực trên.

ĐỌC NHANH 28-3: Sẽ không có quân gìn giữ hòa bình của NATO ở Ukraine - Ảnh 4.

Người chạy nạn Ukraine tại biên giới Ukraine – Ba Lan ngày 26-3 – Ảnh: REUTERS

* Theo số liệu của Liên Hiệp Quốc công bố ngày 27-3, hơn 3,8 triệu người đã rời Ukraine ra nước ngoài lánh nạn kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại nước này cách đây một tháng. Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, dòng người ra đi đã có dấu hiệu giảm rõ rệt.

Trong những ngày gần đây, số người dân sơ tán khỏi Ukraine đã giảm xuống dưới mức 100.000 người/ngày và thậm chí có ngày chỉ còn khoảng 50.000 người.

TUỔI TRẺ ONLINE
TTO