23/01/2025

Kỳ vọng đô thị dọc sông Sài Gòn

Kỳ vọng đô thị dọc sông Sài Gòn

Phát triển hiệu quả hành lang sông Sài Gòn và kênh rạch nội thành sẽ giúp TP.HCM phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, sinh thái, tạo nét đặc trưng độc đáo của đô thị và tiềm năng kinh tế dịch vụ.

 

 

Cải tạo hành lang, khai thác kinh tế dịch vụ

Ngày 17.3, TP.HCM chính thức khánh thành công viên bến Bạch Đằng với quy mô chỉnh trang khoảng 1,6 ha. Cùng với quảng trường quanh tượng đài Đức thánh Trần Hưng Đạo vừa được cải tạo, bờ sông Sài Gòn khu vực trung tâm TP vừa được khoác lớp áo mới, hiện đại, thoáng mát, đẹp hơn rất nhiều. Đây được coi là bước đi tạo tiền đề cho việc quy hoạch đồng bộ dọc sông Sài Gòn, sau khi TP.HCM phê duyệt đề án “Phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông TP.HCM giai đoạn 2020 – 2045”.

Kỳ vọng đô thị dọc sông Sài Gòn - ảnh 1

Sau nhiều lần lên kế hoạch quy hoạch đô thị dọc 2 bờ sông Sài Gòn, lãnh đạo TP.HCM đang quyết tâm thực hiện đề án với định hướng từng bước xây dựng hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng đa chức năng dọc bờ sông, tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan kết nối các tiện ích công cộng, tạo điều kiện phát triển hoạt động kinh tế, dịch vụ liên quan đến sông nước và hạ tầng xanh.

Kỳ vọng đô thị dọc sông Sài Gòn - ảnh 2
Ven sông Sài Gòn  ĐỨC LONG

Theo đó, TP.HCM sẽ chia sông Sài Gòn ra 2 vùng, gồm vùng thượng lưu từ hồ Dầu Tiếng đến cầu Phú Long (Q.12) và vùng trung – hạ lưu từ cầu Phú Long đến ngã ba Mũi Đèn Đỏ (ngã ba sông Sài Gòn – sông Soài Rạp – Q.7). Dự án được chia theo lộ trình, từ nay đến năm 2025, TP sẽ triển khai chương trình hành động cải tạo, chỉnh trang hành lang sông Sài Gòn – khu vực trung tâm TP gắn với các đề án phát triển kinh tế, dịch vụ; ban hành và triển khai quy chế, quy định, hướng dẫn quản lý phát triển hành lang sông nước. Từ năm 2025 – 2045, triển khai các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng xanh tích hợp với hoạt động du lịch và kinh tế, dịch vụ giải trí, đồng thời hoàn chỉnh pháp lý về quy hoạch tại khu vực dọc sông…

Kỳ vọng đô thị dọc sông Sài Gòn - ảnh 3
Không gian đô thị dọc sông Sài Gòn được kỳ vọng sẽ là động lực giúp TP.HCM bứt phá phát triển kinh tế, dịch vụ…  ĐỘC LẬP

“TP sẽ mời các chuyên gia, nhà khoa học, kiến trúc sư giàu kinh nghiệm để phát huy hết giá trị của sông Sài Gòn. Làm sao để có được đường bờ sông đẹp từ Q.1 đến Củ Chi phục vụ cho người dân và du khách. Theo đó, tuyến đại lộ ven sông Sài Gòn không chỉ là không gian sinh hoạt công cộng phục vụ người dân mà còn là điểm nhấn đặc biệt của TP”, ông Lê Hòa Bình, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM, nhấn mạnh.

 

Khai phá khối tài sản vô giá

Cho rằng sông Sài Gòn là tài sản vô giá, chuyên gia quy hoạch – kỹ sư Trần Văn Tường đánh giá TP.HCM đã có quy hoạch lộ giới bờ sông để dự kiến làm cảnh quan, nhưng chưa bao giờ đặt vấn đề về phát triển kinh tế. Việc mở rộng công viên Bến Bạch Đằng là cơ hội thuận lợi để TP kết hợp tổ chức lại không gian hai bên bờ sông Sài Gòn có cảnh quan độc đáo và thông suốt từ đầu đến cuối, gắn với tư duy phát triển đô thị.

Kỹ sư Trần Văn Tường phân tích sông Sài Gòn có đặc điểm độc đáo như hình một con rồng lớn đang uốn lượn, len lỏi trong lòng đô thị đi qua nhiều quận, huyện. Hai bên bờ có dải đất rộng lớn ở các vị trí “trắc địa” rất thuận lợi cho việc mở rộng không gian, làm đẹp cảnh quan, giải quyết giao thông và thoát nước… Từ thế kỷ 20, Sài Gòn đã là một thương cảng hàng đầu vùng Viễn Đông, xuất khẩu 75% lượng hàng hóa cho xứ Đông Dương. Kết nối nhiều địa phương, sông Sài Gòn còn là cửa ngõ ra thế giới. Sài Gòn lúc đó được quy hoạch với nhiều công trình kết nối nổi bật còn tồn tại đến ngày nay như các bến cảng, chợ Bến Thành, Nhà hát lớn, Bưu điện trung tâm, nhà thờ Đức Bà, dinh Độc Lập… Nhiều điểm vui chơi, giải trí, phát triển kinh tế hướng ra sông Sài Gòn. Kênh Lớn (nay là đường phố đi bộ Nguyễn Huệ), kênh Xáng (nay là đường Hàm Nghi) có những khu chợ thông thương và tổ chức các sự kiện quốc tế. Dọc bờ sông Sài Gòn hiện có công viên bến Bạch Đằng, bến Nhà Rồng, cảng Ba Son, Tân Cảng… Các hoạt động đóng và sửa chữa tàu thuyền, dịch vụ vận tải giao nhận hàng hóa, thương mại với các hoạt động “trên bến dưới thuyền” đã làm nên trụ cột văn hóa và kinh tế hàng trăm năm trước cho Sài Gòn – TP.HCM. Ngày nay, thuận lợi hơn trong giao thông khi chúng ta có hàng loạt cây cầu Bình Phước, Bình Lợi, Bình Triệu, Sài Gòn, Thủ Thiêm…; Tuyến buýt đường thủy từ Q.1 về P.Linh Đông (TP.Thủ Đức); Cầu Thủ Thiêm 2 sắp hoàn thành… Ngoài ra còn có dấu ấn lịch sử kết nối nhiều di tích với địa điểm văn hóa như các chùa, nhà thờ, khu đô thị Thủ Thiêm, quảng trường Mê Linh.

Theo ông Tường, trước tiên, làm bờ Đông từ TP.Thủ Đức và bờ Tây từ Q.Bình Thạnh đến Q.4 được thông suốt, có dải công viên cây xanh và nơi sinh hoạt cộng đồng. Ngoài ra, nên bố trí nơi tổ chức các sự kiện, chương trình cuối tuần, các điểm biểu diễn nghệ thuật… Tạo thêm điểm nhấn cho hai bên bờ sông, đa dạng các loại hình sinh hoạt ấn tượng với chức năng giao thông chính là đi bộ kết hợp giao thông công cộng. Bên cạnh đó, cần dành một phần không gian tạo biểu tượng thương hiệu TP, có bảo tàng trưng bày các tư liệu liên quan đến lịch sử khai phá và phát triển vùng đất Sài Gòn – Gia Định.

“Seoul (Hàn Quốc) khi phát triển vượt bậc về kinh tế thì truyền thông thế giới gọi “kỳ tích sông Hàn”. Thượng Hải (Trung Quốc) quy hoạch phố Đông (giống mô hình TP.HCM phát triển Thủ Thiêm bên sông Sài Gòn phía TP.Thủ Đức) trở thành trung tâm kinh tế – tài chính hàng đầu thế giới, được gọi là “kỳ tích sông Hoàng Phố”. Chúng ta cần quy hoạch theo hướng hội tụ những gì thuộc về quá khứ, hiện tại, tương lai cùng với thiên thời, địa lợi để TP.HCM làm nên “kỳ tích sông Sài Gòn”, kỹ sư Tường nhấn mạnh.

 

Quỹ đất lớn, thoải mái khai thác dịch vụ

Theo kiến trúc sư Ngô Anh Vũ, Viện Quy hoạch xây dựng, với khoảng cách 100 – 200 m tính từ mép bờ cao trở vào trong, dọc theo chiều dài khoảng 80 km sông Sài Gòn, nếu lập quy hoạch hai bên bờ sông sẽ dôi ra khoảng 3.100 – 5.000 ha, trong đó diện tích mặt sông khoảng 2.000 ha.

Như vậy diện tích phần đất thuộc hai bên kè sông tương đương với diện tích của Q.Tân Phú hoặc Q.7, đảm bảo đủ để quy hoạch bất kỳ một chức năng sử dụng nào. Nếu tỷ lệ diện tích dành cho công viên cây xanh khoảnh 60% quỹ đất trên thì TP có thêm 1.800 – 3.000 ha, tương đương với chỉ tiêu cây xanh 0,6 – 1,8 m2/người (tính với quy mô dân số khoảng 10 triệu dân), cao hơn chỉ tiêu đất công viên cây xanh của nhóm theo quy chuẩn xây dựng VN và cao hơn gấp 1,22 – 3,67 lần so với chỉ tiêu cây xanh thực tế hiện nay của TP. Với diện tích còn lại dành khoảng 20% cho giao thông và 20% cho các dịch vụ, không gian mở công cộng, chúng ta sẽ có 220 – 600 ha để xây dựng các công trình bảo tàng, khu ẩm thực, câu lạc bộ, sân thể dục thể thao, khu vui chơi trẻ em, nhà văn hóa, cửa hàng bán lẻ, triển lãm ngoài trời, trung tâm du khách, biểu diễn, sinh hoạt lễ hội…

Kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng thì lưu ý quy hoạch ven sông Sài Gòn phải dựa trên cả lưu vực con sông, hình dung đầy đủ địa thế và tích hợp không chỉ xây dựng mà còn cả kinh tế, giao thông, văn hóa, lịch sử… Trên thế giới, những quốc gia nào nằm kế biển sẽ phát triển rất nhanh nhờ giao thương đường biển. TP.HCM mặc dù nằm phía trong nhưng lại có lợi thế sông Sài Gòn chạy theo hướng Cần Giờ, ra biển. Bên cạnh đó, sông Sài Gòn không chỉ chảy qua TP.HCM mà còn đi qua sông Bé (Bình Dương), sông Đồng Nai… Thế nhưng chúng ta thường làm quy hoạch theo ranh giới hành chính, mỗi nơi một khác, có thể tốt cho địa phương này nhưng lại không tốt cho địa phương khác. Có những thời điểm, những dòng sông bị coi như một cái cống xả thải khổng lồ. Thực trạng, dòng sông bị rào dậu, lấn chiếm, xâu xé bởi hàng loạt dự án phân lô bán nền. Công viên đôi bờ hầu như chẳng còn bởi hàng quán và kho bãi mọc lên vô tội vạ. Ở thượng nguồn dòng sông có hàng loạt khu công nghiệp, khu dân cư vô tư xả rác thải… vô tình đẩy hết ô nhiễm về sông Sài Gòn.

“Do đó cảnh quan đôi bờ cần phải được thiết kế, quy hoạch trên bức tranh tổng thể từ thượng nguồn tới hạ nguồn, trên nguyên tắc là có 2 đường song hành 2 bên bờ sông vừa phục vụ đi bộ, vừa có đường cho phương tiện cơ giới di chuyển, ở giữa là công viên. Lộ giới bờ sông quy định linh hoạt, dao động từ nơi ít nhất là 50 m cho tới nơi 200 m sẽ quyết định giải tỏa như thế nào, những khu vực nào đầu tư cái gì… Dọc sông Sài Gòn không chỉ có công viên, văn hóa, lịch sử mà phải bao gồm cả vấn đề kinh tế biển, kết nối giao thông đường thủy với đường bộ, đường sắt, metro… Quy hoạch tích hợp, không gian cho từng sở, ngành làm từng món rồi ráp lại như hiện nay”, ông Dũng nói và nhấn mạnh, đề án khi đã được cấp lãnh đạo cao nhất phê duyệt thì phải trở thành pháp luật, có bản quyền tác giả, không thay đổi, không điều chỉnh. Có như vậy, doanh nghiệp với người dân mới tin tưởng đầu tư, cùng chung tay đột phá kinh tế TP từ tiềm năng sông Sài Gòn.

 

Nên xóa bỏ khái niệm “đền bù giải toả”

Kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng đề xuất: “Khi TP công khai bản quy hoạch ổn, có lộ giới cụ thể thì sẽ có quỹ đất sạch xung quanh 2 bên bờ sông để tái đầu tư và đấu giá đất cho các nhà đầu tư tham gia. Nên xóa bỏ khái niệm “đền bù giải tỏa”, thay vào đó, người dân có đất dọc hành lang sông sẽ trở thành “cổ đông” cho các dự án, những nhà đầu tư sơ cấp góp vốn bằng chính mảnh đất của mình. Dọc 2 bờ sông sẽ có tốc độ phát triển rất nhanh mà không cần chờ đền bù giải tỏa, kiện tụng như lâu nay”.

HÀ MAI

TNO