Chuyển hướng xuất khẩu nông sản không dễ
Chuyển hướng xuất khẩu nông sản không dễ
Xuất khẩu nông sản vào Trung Quốc theo đường chính ngạch gặp nhiều khó khăn nhưng cũng không dễ chuyển hướng sang thị trường khác.
Thị trường Trung Quốc ngày càng khó tính
Tháng 3.2022, thông tin Trung Quốc cấp phép cho 5 doanh nghiệp (DN) VN xuất khẩu ớt chính ngạch sang thị trường này khiến cho nông dân trồng ớt vui mừng vì thị trường khai thông sẽ giúp giá ớt tăng lên. Tuy nhiên, suốt hơn nửa tháng nay giá ớt vẫn chưa có tín hiệu khả quan, thậm chí có lúc còn rớt thảm.
Nông sản VN cần cải thiện quản lý sản xuất và bảo quản sản phẩm QUANG THUẦN |
Theo Cục Bảo vệ thực vật, yêu cầu với các lô hàng ớt xuất khẩu chính ngạch hết sức phức tạp, đầu tiên là quản lý được mã số vùng trồng, quy trình sản xuất. Cơ sở đóng gói cũng phải được phía Trung Quốc công nhận và cấp phép, đồng thời đáp ứng yêu cầu về xử lý kiểm dịch thực vật bằng Methyl Bromide và xử lý lạnh. Với những yêu cầu nhiêu khê như vậy, quá trình chuyển đổi mất rất nhiều thời gian, người trồng ớt chưa thể một sớm một chiều có thể đáp ứng ngay được.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả VN, chia sẻ: “Trước đây, chúng tôi có công ty xuất khẩu tinh bột sang Trung Quốc, mười mấy năm vẫn diễn ra bình thường. Đến năm 2010-2012, Chính phủ Trung Quốc đưa ra tiêu chuẩn mới, bạn hàng cũng yêu cầu phải thay đổi công nghệ mới có thể đáp ứng được. Tương tự, vào tháng 4.2021, Tổng cục Hải quan Trung Quốc ban hành Lệnh 248 về “Quy định Quản lý đăng ký DN sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu” và Lệnh 249 về “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu”. Hai lệnh này có hiệu lực từ đầu năm 2022. Thực tế, việc ùn tắc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc chính là vì DN chưa kịp thích ứng với các quy định mới”.
Trả lời Thanh Niên, ông Đặng Hoàng Giang, Tổng thư ký Hiệp hội Điều VN (Vinacas) thừa nhận: “Trước đây 80-90% mặt hàng điều VN là đi đường tiểu ngạch, sau khi Trung Quốc ban hành quy định mới phải đăng ký mã số, khoảng 60-70% DN điều đã kịp thời chuyển đổi và đi đường chính ngạch. Tuy nhiên vẫn còn khoảng 30-40% DN chậm chân hơn, và như vậy phải mất thêm một thời gian nữa mới được Trung Quốc cấp mã số”.
Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) cũng cho biết, thời gian qua, nhiều DN ngành này gặp vướng mắc khi đăng ký mã số hàng hóa sang Trung Quốc khiến cho hoạt động giao thương hàng hóa gặp nhiều khó khăn. Các nhà nhập khẩu Trung Quốc đổ lỗi cho các DN VN chậm trễ để ảnh hưởng tới tiến độ giao hàng. Tuy nhiên, các DN làm đi làm lại nhiều lần nhưng ngôn ngữ, hệ thống đăng ký của Trung Quốc cũng rất khác biệt và phức tạp.
Chuyển hướng thị trường: Không dễ!
Việc đa dạng hóa thị trường, mở rộng các kênh tiêu thụ để tránh phụ thuộc vào Trung Quốc đã được Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước tính đến, tuy nhiên, để thực hiện được điều này cũng không dễ và đòi hỏi khá nhiều thời gian, công sức. Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cho biết: “Để thúc đẩy xuất khẩu trái cây tươi của VN sang New Zealand, trong thời gian qua, Cục Bảo vệ thực vật đã khẩn trương xây dựng, hoàn thiện và gửi hồ sơ kỹ thuật cho phía bạn. Sau nhiều vòng đàm phán và trao đổi về kỹ thuật, dự thảo Yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với một số quả tươi xuất khẩu từ VN sang New Zealand đòi hỏi sản phẩm xuất khẩu phải bảo đảm truy xuất nguồn gốc bằng cách tham gia chương trình kiểm soát, hồ sơ ghi chép phải đảm bảo các yêu cầu ghi chép lại các khâu trong toàn chuỗi sản xuất; đảm bảo truy xuất nguồn gốc khi có vi phạm; mỗi vùng trồng, cơ sở đóng gói phải có 1 mã số riêng; vườn trồng, nhà đóng gói, cơ sở xử lý và đơn vị xuất khẩu phải bố trí cán bộ phù hợp tham gia tập huấn…”.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, nông sản VN đã xuất khẩu đi nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có những thị trường khắt khe nhất như Mỹ, EU nhưng chủ yếu vẫn là sản phẩm gỗ, thủy sản, cà phê, hạt điều… Còn gạo, trái cây thì sản lượng và kim ngạch còn hạn chế trong khi đây lại là những mặt hàng thế mạnh của nước ta và thu hút lực lượng lao động tương đối lớn. Nguyên nhân là chưa có nhiều mặt hàng thuộc các nhóm sản phẩm này đáp ứng đủ tiêu chí, chất lượng để xuất khẩu vào thị trường Mỹ, EU mặc dù nhu cầu và dư địa của các thị trường này vẫn rất lớn. Bà Nguyễn Thùy Thuận, Giám đốc Công ty TNHH Trà Thanh Long (TP.HCM) thừa nhận: “Công ty tôi đã xuất khẩu thanh long đến nhiều nước, gần đây nhất là Banglades, UAE, và đã chào hàng đi Ai Cập. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thể xuất khẩu sang châu Âu vì vấn đề bảo quản và cước phí. Nếu đi bằng máy bay thì cước phí rất cao, không thể cạnh tranh được, nếu đi bằng tàu biển thì thời gian kéo dài, ảnh hưởng đến chất lượng”.
Đối với mặt hàng rau quả, bà Ngô Tường Vy, Phó giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu lưu ý, vấn đề của nông sản VN là giải quyết bài toán chất lượng sản phẩm và an toàn. Kế đến phải đầu tư vào chế biến và chế biến sâu để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường và đặc biệt là thị trường khó tính.
Thực tế nông sản xuất khẩu vào EU thường có giá cao hơn hẳn so với mặt bằng chung và luôn giữ được sự ổn định về giá mua cũng như sản lượng tiêu thụ. Tuy nhiên, việc đẩy mạnh xuất khẩu nông sản vào thị trường này không phải dễ vì yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm rất khắt khe; những tiêu chuẩn, đòi hỏi của EU cũng ngày càng cao, tần suất giám sát, kiểm tra cũng cao hơn các thị trường khác. Ông Trần Ngọc Quân, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương) khuyến cáo: “Nông sản là mặt hàng được bảo hộ tại EU, do đó DN phải đối mặt với nhiều biện pháp bảo hộ khi xuất khẩu sang khối này. Cùng với đó, các nước EU có quy định rất cao và chặt chẽ về dư lượng thuốc kháng sinh, thuốc trừ sâu, nguồn gốc xuất xứ các mặt hàng nông sản”.
Thủy sản vướng thẻ vàng từ EU
Riêng mặt hàng thủy sản, thị trường châu Âu vẫn đang áp lệnh kiểm soát 100% do các vi phạm về khai thác, đánh bắt. Năm 2019, sau 2 năm chịu tác động của thẻ vàng IUU, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang EU giảm 12%, tương đương 183,5 triệu USD. Tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng thủy sản giảm trên 10%, tương đương giảm 43 triệu USD. Xuất khẩu các sản phẩm nuôi trồng sang thị trường này cũng giảm 13%. EU hiện đã tụt từ vị trí thứ 2 xuống vị trí thứ 4 trong các thị trường nhập khẩu thủy sản VN, sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc kể từ năm 2019. Nếu VN sớm gỡ được thẻ vàng IUU, tận dụng được các ưu đãi thuế quan và thay đổi thể chế từ Hiệp định EVFTA, ngành thủy sản có thể phục hồi và đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu sang EU từ 1,2-1,4 tỉ USD trong những năm tới. Tuy nhiên, nhiều khả năng thời hạn áp dụng “thẻ vàng” từ thị trường EU vẫn còn kéo dài cho ngành khai thác thủy sản trong nước vẫn chưa thể khắc phục triệt để những yêu cầu từ thị trường này.
QUANG THUẦN – CHÍ NHÂN
TNO