23/01/2025

Từng được coi là ‘lá chắn’, giờ nhiều nước đang dần bỏ khẩu trang

Từng được coi là ‘lá chắn’, giờ nhiều nước đang dần bỏ khẩu trang

Singapore là một trong những nước mới nhất bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang ngoài trời, tương tự các nước châu Âu như Pháp và Ba Lan. Lãnh đạo các hãng hàng không ở Mỹ đang thúc giục Tổng thống Biden bỏ quy định đeo khẩu trang trên máy bay.

 

Từng được coi là lá chắn, giờ nhiều nước đang dần bỏ khẩu trang - Ảnh 1.

Hành khách đeo khẩu trang tại sân bay Changi của Singapore – Ảnh: REUTERS

Tự tin về độ bao phủ vắc xin cao, nhiều quốc gia đang nới lỏng quy định bắt buộc đeo khẩu trang, từng được coi là lá chắn hữu hiệu chống COVID-19. Nhưng các chuyên gia vẫn còn tranh cãi về việc có nên sớm bỏ “lá chắn” này không.

Việc mọi người phải đeo khẩu trang trên máy bay không có ý nghĩa gì khi họ vẫn được tụ tập trong các nhà hàng đông đúc, trường học và các sự kiện thể thao mà không phải đeo khẩu trang.

Hãng tin Reuters dẫn bức thư của các lãnh đạo hàng không gửi Tổng thống Joe Biden

 

Nới lỏng khẩu trang ở nhiều nước

Ngày 24-3, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nói rằng nước này sẽ nới lỏng các biện pháp chống dịch một cách thận trọng nhằm tiến tới “sống chung với COVID-19”.

Theo đó, đảo quốc này sẽ cho phép tụ tập tối đa từ 5 người tăng lên 10 người và không còn bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng từ đầu tháng 4-2022. Ngoài ra, Singapore sẽ thực hiện cơ chế du lịch dành cho người đã tiêm ngừa với các quy định gần như tối giản do số ca “nhập khẩu” hiện chiếm tỉ lệ rất thấp.

Giải thích cho động thái này, thủ tướng Singapore nói rằng làn sóng Omicron đã chạm đỉnh và đang giảm dần, trong khi hệ thống y tế dần hồi phục và tỉ lệ tiêm ngừa đầy đủ ở nước này đã đạt đến 92%.

“Singapore sẽ kết nối lại với thế giới. Điều này sẽ là sự thúc đẩy cần thiết cho các doanh nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực du lịch, và giúp Singapore lấy lại vị thế trung tâm kinh doanh và hàng không” – ông Lý nói, dù vẫn cảnh báo người dân cảnh giác trước các nguy cơ như xuất hiện biến thể mới.

Nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á cũng đang chạy đua để bỏ các quy định đối với du khách. Trong đó, kế hoạch đưa COVID-19 thành bệnh thông thường vào tháng 7-2022 của Thái Lan cũng cho phép bỏ khẩu trang nơi công cộng.

Trước đó, người dân ở các nước châu Âu như Anh, Pháp, Thụy Sĩ và gần đây là Ba Lan đã không còn bị bắt buộc phải đeo khẩu trang. Một số hãng hàng không, sân bay ở Anh và một số nước châu Âu không còn bắt buộc hành khách phải đeo khẩu trang nếu điểm đến không yêu cầu.

Mới đây, nhóm lãnh đạo của hơn chục hãng hàng không Mỹ như American Airlines, United Airlines, Delta Air Lines, Southwest Airlines và JetBlue… đã đồng loạt kêu gọi Tổng thống Mỹ Joe Biden bỏ quy định đeo khẩu trang trên máy bay, ở sân bay và việc xét nghiệm trước khi nhập cảnh.

Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ vào đầu tháng 3-2022 đã cập nhật đánh giá về dịch bệnh, khuyến cáo người dân chỉ cần đeo khẩu trang ở nơi có nguy cơ lây nhiễm cao. Nhiều bang ở Mỹ cũng đang dần tháo khẩu trang.

 

Chuyên gia nói gì

Nhưng liệu có nên bỏ khẩu trang vào giai đoạn này, nhất là trên máy bay? Nhiều chuyên gia cho là không.

Đối với hàng không, nhiều ý kiến cho rằng bỏ đeo khẩu trang trên máy bay là sai lầm vì đây là phương tiện đầu tiên đưa virus “nhập cảnh” và hàng không là “giao lộ của dịch bệnh”, trong khi không phải ai cũng được bảo vệ đầy đủ bởi vắc xin.

Báo New York Times dẫn lời chuyên gia Aisha Khatib, lãnh đạo nhóm phụ trách du lịch của Hiệp hội Y tế du lịch quốc tế, nói rằng việc đeo khẩu trang đã giúp giảm lây nhiễm trong du lịch hàng không. “Có thể nói, biện pháp giảm thiểu dịch hiệu quả nhất cho đến nay là quy định buộc đeo khẩu trang trên máy bay”, bà Khatib nói.

“Bỏ khẩu trang bây giờ là quá sớm” – bà Isabella Eckerle, lãnh đạo Trung tâm Geneva về các bệnh do virus mới xuất hiện, nói trên tạp chí Nature khi Thụy Sĩ quyết định bỏ yêu cầu đeo khẩu trang nơi công cộng vào đầu tháng 3-2022. Bà Eckerle cho biết các xét nghiệm PCR cho thấy tỉ lệ dương tính ở nước này đã tăng lên lại 35%.

Ông Leonard Marcus, lãnh đạo chương trình “Sáng kiến sức khỏe cộng đồng hàng không” của Đại học Harvard, lo ngại rằng một khi gỡ bỏ quy định đeo khẩu trang thì sẽ khó áp dụng trở lại.

Ngược lại, chuyên gia Joël Mossong của Luxembourg tin rằng việc bỏ bớt hạn chế, như bắt buộc đeo khẩu trang, là đi đúng hướng. “Chúng ta vẫn có ca tử vong nhưng không giống như đã chứng kiến vào mùa đông và mùa xuân vừa qua”, ông nói.

Trong khi đó, nhà dịch tễ học Deepti Gurdasani, thuộc Đại học Queen Mary University London, cho rằng nên tập trung vào các biện pháp giảm thiểu tác động của việc nới lỏng hạn chế. Theo bà, nếu không bắt buộc đeo khẩu trang thì cần đảm bảo việc thông khí trong các không gian kín. Quan trọng nhất là biện pháp xét nghiệm vẫn được coi là yếu tố then chốt.

Dù nhiều nước đã giảm xét nghiệm và một số chuyên gia cũng đồng tình rằng không cần xét nghiệm quy mô lớn đầy tốn kém, nhưng bà Gurdasani cho rằng ngừng xét nghiệm và truy vết sẽ là một sai lầm. “Xét nghiệm là điều quan trọng để chúng ta có thể sống một cách tự do”, nhà khoa học Gurdasani nói.

TRẦN PHƯƠNG
TTO