23/01/2025

Trung Quốc ráo riết gia tăng ảnh hưởng ở nam Thái Bình Dương

Trung Quốc ráo riết gia tăng ảnh hưởng ở nam Thái Bình Dương

Nhiều diễn biến mới xuất hiện xung quanh việc Trung Quốc có thể đặt căn cứ hải quân ở khu vực nam Thái Bình Dương.

 

 

Tờ The Guardian ngày 25.3 đưa tin một lô hàng súng mô hình được âm thầm gửi từ Trung Quốc đến Quần đảo Solomon trên một tàu chở gỗ từ nguồn chưa xác định. Lô hàng được gửi đến cảnh sát Solomon gây lo ngại trong bối cảnh quốc gia nam Thái Bình Dương này đối diện nhiều vấn đề về an ninh, một phần được cho là từ mối quan hệ ngày càng gần gũi với Bắc Kinh.

Cảnh sát Quần đảo Solomon sau đó cho hay lô hàng gồm 95 khẩu súng trường và 92 súng ngắn là súng mô hình do Trung Quốc viện trợ để huấn luyện, đồng thời khẳng định lực lượng này “không có gì để che giấu”.

 

Thoả thuận an ninh

Lô súng bản sao trên càng trở nên nhạy cảm trong bối cảnh lo ngại ngày càng gia tăng về khả năng Trung Quốc có thể lập căn cứ hải quân trong khu vực, sau khi một dự thảo thỏa thuận an ninh bị rò rỉ hôm 24.3. Trước đó, việc Quần đảo Solomon cắt quan hệ ngoại giao với Đài Loan để chuyển sang mối quan hệ với Bắc Kinh vào năm 2019 góp phần gây bất đồng dẫn đến bạo loạn tại thủ đô Honiara vào tháng 11.2021.

Trung Quốc ráo riết gia tăng ảnh hưởng ở nam Thái Bình Dương - ảnh 1
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tiếp Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare vào năm 2019  AFP

Reuters ngày 24.3 dẫn lời một quan chức chính phủ Quần đảo Solomon cho hay đảo quốc này vừa ký một thỏa thuận về việc duy trì trật tự với Trung Quốc và sẽ gửi đề xuất về một thỏa thuận lớn hơn liên quan quân đội đến nội các xem xét. Thỏa thuận về duy trì trật tự này trước đó được ký kết với Úc. Đến ngày 25.3, chính phủ Quần đảo Solomon xác nhận về việc “đang đa dạng hóa đối tác an ninh, bao gồm Trung Quốc”, và sẽ ký nhiều thỏa thuận với Bắc Kinh “nhằm tiếp tục tạo môi trường an ninh và an toàn cho đầu tư từ các nguồn trong nước và nước ngoài”. Các thỏa thuận an ninh được đề xuất với Trung Quốc sẽ liên quan các nhu cầu nhân đạo bên cạnh việc duy trì luật pháp và sẽ có thêm thỏa thuận về dịch vụ hàng không nhằm gia tăng thương mại, theo chính phủ Quần đảo Solomon.

 

Ý đồ lập căn cứ?

Phản ứng trước những thông tin trên, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Peter Dutton cho rằng bất cứ động thái nào nhằm lập căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Quần đảo Solomon đều đáng quan ngại.

“Chúng tôi muốn hòa bình và ổn định trong khu vực. Chúng tôi không muốn sự ảnh hưởng gây rối loạn và chúng tôi không muốn sự áp lực, cưỡng ép mà chúng tôi đã chứng kiến Trung Quốc đang tiếp tục trong khu vực”, theo Đài Channel Nine dẫn lời ông Dutton. Bộ trưởng Quốc phòng Úc cho biết sẽ bày tỏ lo ngại với chính phủ Quần đảo Solomon. Cựu Thủ tướng Úc Kevin Rudd cho rằng việc thảo luận về thỏa thuận an ninh trên là “một trong những diễn biến an ninh đáng chú ý nhất trong nhiều thập niên và gây bất lợi đối với an ninh quốc gia Úc”.

Về phần mình, Ngoại trưởng New Zealand Nanaia Mahuta kêu gọi các nước trong khu vực cần minh bạch. “Những diễn biến trong thỏa thuận này có thể gây bất ổn đối với những thể chế và sự sắp đặt lâu nay vốn là cột trụ cho an ninh trong khu vực”, bà nhấn mạnh và cho biết sẽ bày tỏ lo ngại với chính phủ Quần đảo Solomon và Trung Quốc.

Trung Quốc ráo riết gia tăng ảnh hưởng ở nam Thái Bình Dương - ảnh 2
Những khẩu súng bản sao của cảnh sát Quần đảo Solomon do Trung Quốc cung cấp  CẢNH SÁT QUẦN ĐẢO SOLOMON

Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân không xác nhận hay bác bỏ thông tin liên quan đề xuất thỏa thuận trên, mà chỉ cho biết Trung Quốc ủng hộ Quần đảo Solomon duy trì trật tự xã hội. Ông kêu gọi các bên cần nhìn nhận vấn đề hợp tác an ninh giữa Trung Quốc và Quần đảo Solomon một cách “khách quan, bình tĩnh và không diễn dịch quá mức”.

Tăng cường tầm ảnh hưởng

Theo Thủ tướng Úc Scott Morrison, tham vọng của Trung Quốc về việc xây căn cứ quân sự ở nam Thái Bình Dương là rất rõ ràng. Từ trước đến nay, Úc luôn là quốc gia viện trợ lớn nhất cho các đảo quốc Thái Bình Dương. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, Trung Quốc đẩy mạnh các khoản vay xây dựng cơ sở hạ tầng và các viện trợ khác, chẳng hạn cung cấp thiết bị quân sự cho Fiji, thiết bị chống bạo động cho Solomon. Các nghị sĩ Úc còn cho rằng Trung Quốc có kế hoạch nâng cấp một đường băng và cây cầu trên đảo Kanton ở Kiribati nhằm khôi phục khu vực từng là nơi tập trung máy bay quân sự trong Thế chiến 2.

Bắc Kinh cũng liên quan việc xây dựng các cảng ở đảo quốc Vanuatu, buộc chính phủ Nhật Bản gia tăng cảnh giác vì lo sợ Trung Quốc có thể dùng cảng đó và những cơ sở khác cho mục đích quân sự trong tương lai, theo The Yomiuri Shimbun. Theo điều phối viên về Indo-Pacific (Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương) của Mỹ Kurt Campell, khu vực nam Thái Bình Dương nhiều khả năng sẽ chứng kiến “bất ngờ chiến lược” trong 1 hoặc 2 năm tới, đồng thời Mỹ thiếu hỗ trợ khu vực này chứ không như Úc và New Zealand.

 

Mỹ điều oanh tạc cơ tàng hình B-2 đến Indo-Pacific

Trang web của Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ ngày 25.3 thông tin một máy bay ném bom B-2 Spirit của Mỹ đã bay từ Căn cứ không quân Whiteman ở bang Missouri đến Căn cứ không quân Amberley của Úc để diễn tập chung.

Theo đó, cuộc diễn tập ngày 23.3 nhằm tăng cường sự phối hợp với đồng minh quan trọng trong khu vực. Trong không phận Úc, chiếc B-2 được chiếc KC-135 tiếp liệu trước khi phối hợp diễn tập với 8 máy bay khác, gồm 2 chiếc F-35A, 2 chiếc EA-18 Growler, 2 chiếc F/A-18F Super Hornet của không quân Úc và 2 chiếc F-16C của không quân Mỹ.

Chiếc B-2 sau đó lần đầu tiên hạ cánh tại Căn cứ không quân Amberley trước khi cất cánh, diễn tập với những chiếc F-22 Raptor từ Hawaii trước khi trở về Missouri.

Đô đốc John C.Aquilino, Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của quân đội Mỹ, cho biết khu vực này có những vấn đề an ninh mang tính thách thức nên việc phối hợp với các đồng minh như Úc là rất quan trọng nhằm duy trì khu vực tự do và rộng mở, hòa bình và ổn định.

KHÁNH AN

TNO