23/01/2025

Thu phí cảng biển để gỡ nút thắt giao thông

Thu phí cảng biển để gỡ nút thắt giao thông

Khoản thu 16.000 tỉ đồng từ phí hạ tầng cảng biển trong giai đoạn 5 năm từ nay đến 2025 kỳ vọng giảm bớt gánh nặng nguồn vốn để TP.HCM tăng tốc đầu tư các dự án giao thông trọng điểm kết nối cảng biển.

 

 

Sáng qua (25.3), Sở GTVT TP.HCM tổ chức họp báo về triển khai thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cảng biển trên địa bàn TP.HCM

.

Chính thức thu phí từ ngày 1.4

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc Cảng vụ Đường thủy nội địa TP.HCM, cho biết theo Nghị quyết 10 đã được HĐND TP.HCM ban hành, từ 0 giờ ngày 1.4, TP.HCM chính thức triển khai thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cảng biển trên địa bàn TP.

Thu phí cảng biển để gỡ nút thắt giao thông - ảnh 1
TP.HCM thu phí hạ tầng cảng biển từ 0 giờ ngày 1.4.2022  NGỌC DƯƠNG

Đối tượng thu phí bao gồm: Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa tạm nhập – tái xuất, hàng chuyển khẩu, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng khu vực cửa khẩu. Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa gửi kho ngoại quan mở tờ khai tại hải quan ngoài cửa khẩu tại các tỉnh, TP khác nhưng làm thủ tục chuyển cửa khẩu và thực hiện niêm phong hải quan tại các Chi cục Hải quan cửa khẩu thuộc Cục Hải quan TP.HCM cũng phải đóng loại phí này.

Các trường hợp được miễn thu phí gồm: Hàng hóa nhập khẩu phục vụ trực tiếp cho an ninh, quốc phòng; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để phục vụ đảm bảo an sinh xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh. Mức thu phí hạ tầng được quy định tại Nghị quyết 10, thấp nhất 15.000 đồng/tấn và cao nhất 4,4 triệu đồng/tấn, tùy theo chủng loại hàng hóa và container.

Trước đó, từ 0 giờ ngày 16.2 đến hết ngày 15.3, TP.HCM đã triển khai vận hành thử nghiệm hệ thống thu phí cảng biển. Theo thống kê từ Cảng vụ Đường thủy nội địa, trong thời gian thử nghiệm, đã có trên 2.000 doanh nghiệp (DN) vào thao tác trên hệ thống, dữ liệu được chia sẻ từ Cổng thông tin điện tử của hải quan.

“Theo ghi nhận, quá trình thao tác đơn giản, các DN không gặp bất kỳ khó khăn gì trong quá trình chia sẻ dữ liệu. Quy trình thu phí không dùng tiền mặt, 100% tự động trên cơ sở chia sẻ các dữ liệu từ cơ quan hải quan để thực hiện hệ thống vận hành tự động, giúp các DN khi tiến hành làm thủ tục không mất thời gian, không gây thêm thủ tục hành chính. Các khoản thu cũng được đảm bảo kiểm soát tự động, minh bạch”, ông Tuấn thông tin thêm và khẳng định hầu hết các chức năng phục vụ hệ thống thu phí đã được kiểm tra, đảm bảo vận hành thông suốt, đáp ứng được yêu cầu của các cá nhân, DN.

 

Thêm vốn “cứu” giao thông kết nối cảng biển

Số liệu từ Sở GTVT TP cho thấy, hàng hóa xuất nhập khẩu của TP.HCM chủ yếu thông qua hệ thống cảng biển, chiếm 25,4% cả nước. Năm 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa thông qua cảng biển và khu chế xuất là 110 tỉ USD, chiếm tỷ trọng gần 93% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của TP.HCM. Sản lượng hàng hóa rất lớn đã tạo áp lực không chỉ dịch vụ, tiện ích công cộng khu vực cảng biển mà kết cấu cơ sở hạ tầng giao thông hiện cũng không đáp ứng kịp nhu cầu.

Thu phí cảng biển để gỡ nút thắt giao thông - ảnh 2

Hiện TP.HCM có tổng cộng 11 cảng làm hàng container và hàng rời, với tổng diện tích trên 310 ha và trên 7.000 m cầu tàu. Tuy nhiên, các cơ sở hậu cần logistics chủ yếu tập trung tại khu vực quanh cảng Cát Lái khiến tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra. Quy hoạch đường vào cảng chỉ 12.000 xe/ngày đêm, nhưng hiện ghi nhận từ 19.000 – 20.000 xe, không chỉ dẫn tới kẹt xe mà còn kéo theo nguy cơ lớn về mất an toàn giao thông. Trong bối cảnh đó, đường cao tốc Bến Lức – Long Thành và cao tốc Đồng Nai – Vũng Tàu kỳ vọng sau khi hình thành sẽ giảm bớt lượng xe từ miền Tây, miền Đông đi cảng Cái Mép – Thị Vải (Vũng Tàu), giảm tải cho khu vực này, đến nay vẫn đang ngưng trệ. Sở GTVT TP đánh giá áp lực hàng hóa lưu thông đã gây ùn tắc, ảnh hưởng tới hoạt động giao thông tại các khu vực lân cận, dẫn đến giảm hiệu quả hoạt động giao nhận hàng hóa, tăng chi phí logistics, hạn chế phần nào năng lực cạnh tranh và sự phát triển của TP.HCM.

“Phí dịch vụ hạ tầng cảng biển là loại phí được pháp luật quy định để phục vụ cho sự phát triển chung của ngành vận tải thủy, hàng hải TP.HCM. Sau khi có được nguồn thu này, các tuyến đường, nút giao xung quanh khu vực cảng biển sẽ được rút ngắn thời gian đầu tư, nhanh chóng hoàn thiện theo đúng quy hoạch. Khi đó, các chi phí vận tải, logistics, chi phí xã hội sẽ giảm rất nhanh, trở thành động lực lớn cho sự phát triển của TP.HCM trong thời gian ngắn sắp tới”, ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở GTVT TP, nhận định.

Cũng theo ông An, nếu thu đúng kế hoạch từ 1.7.2021 đến cuối 2025, dự toán TP thu được 16.000 tỉ đồng; so với nhu cầu để triển khai các dự án trên là 95.000 tỉ đồng, chiếm 17%. Với việc phân bổ ngân sách như hiện nay, nếu không thu phí, TP.HCM sẽ mất thêm khoảng 15 năm mới có thể xây dựng hạ tầng theo kịp nhu cầu thực tế. Mặt khác, theo thống kê, có 40% hàng hóa làm thủ tục hải quan tại TP.HCM, cộng thêm 5% gửi kho ngoại quan hàng tạm nhập tái xuất, chỉ 5% làm ở các tỉnh ngoài TP. Việc thu phí hạ tầng cảng biển không chỉ nhằm bổ sung ngân sách cho các công trình hạ tầng mà còn nhằm mục đích phân luồng hàng hóa, chia sẻ với các tỉnh bạn như Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Bình Dương để giảm áp lực lên hệ thống hạ tầng của TP.HCM.

 

Hỗ trợ doanh nghiệp bằng những lợi ích dài hạn

Mới đây, 7 hiệp hội gồm: Thực phẩm minh bạch, Dệt may, Da giày – Túi xách, Sữa, Nhựa, Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ đã có văn bản lên Chính phủ, UBND TP.HCM… đồng loạt kiến nghị TP.HCM lùi thời hạn thu phí cảng biển đến hết 31.12 trong bối cảnh các DN vừa mới bắt đầu phục hồi sản xuất đã lại phải gánh thêm rất nhiều chi phí tăng cao như cước vận tải biển, xăng dầu, nguyên liệu…

Về vấn đề này, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM khẳng định quy định thu phí hạ tầng cảng biển là dựa theo luật Phí và lệ phí đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ năm 2017, đến giờ TP mới triển khai là đã chậm so với quy định của luật. Bên cạnh đó, khi xây dựng Nghị quyết 10, HĐND TP.HCM đã có văn bản xin ý kiến các DN, hiệp hội, các đối tượng có liên quan và tất cả ý kiến phản hồi đều thống nhất chủ trương thu phí tạo nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng cảng biển tại TP.

“TP luôn đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu. Tất cả yếu tố liên quan đến lợi ích của đời sống người dân, của nền kinh tế bao gồm cả mức thu và thời gian thu phí đều đã được cân nhắc. Nguồn thu tái đầu tư cho các công trình trọng điểm phục vụ lưu thông, vận chuyển, logistics an toàn chính là sự hỗ trợ rất lớn, lâu dài và bền vững đối với hoạt động kinh doanh của các DN”, ông Bùi Hòa An nhấn mạnh.

Ngoài ra, về đề xuất giảm 50% mức thu phí của các hiệp hội, lãnh đạo Sở GTVT TP cho biết khoản 3, điều 2, Nghị quyết 10 nêu rõ: “Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh, UBND TP báo cáo HĐND TP xem xét và quyết định”. Sau ngày 1.4 khi chính thức vận hành hệ thống, TP sẽ có mốc thời gian cố định để sơ kết, kịp thời điều chỉnh, bổ sung các quy định phù hợp với thực tiễn để hoàn thiện công tác thu phí của TP.

Theo Nghị quyết của HĐND TP.HCM, thời gian dự kiến chính thức thu phí cảng biển là từ 1.1.2021, sau đó lùi lại đến 1.7.2021 và tiếp tục lùi thời điểm thu phí lần 2 tới 0 giờ ngày 1.4.2022. Hai lần lùi thu phí ứng với số tiền dự thu hơn 2.000 tỉ đồng. Đây được xem là số tiền TP hỗ trợ cho các DN vượt qua giai đoạn khó khăn do Covid-19.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc Cảng vụ Đường thủy nội địa TP.HCM

HÀ MAI

TNO