Lỡ chọn ngành học không phù hợp đã có những ‘thẻ an toàn’ này…
Lỡ chọn ngành học không phù hợp đã có những ‘thẻ an toàn’ này…
Hiện nay việc đậu đại học đã không còn là quá khó, nhưng vấn đề nan giải với thí sinh là chọn được ngành học phù hợp. Nếu lỡ chẳng may chọn ngành không phù hợp, các chuyên gia cho rằng vẫn có những “thẻ an toàn” cứu nguy.
Học sinh cần phải cân nhắc kỹ khi chọn cho mình một ngành học phù hợp Đ.N.T |
Tấm “thẻ an toàn” đó là gì và sẽ cứu nguy cho các thí sinh (TS) chẳng may chọn ngành học không phù hợp ra sao? Những thông tin hữu ích này đã được các chuyên gia chia sẻ trong chương trình Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên với chủ đề Những yếu tố chọn ngành học phù hợp, sẽ được phát sóng trên Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh Khánh Hòa và phát trực tuyến tại thanhnien.vn, các nền tảng Facebook, YouTube, TikTok của Báo Thanh Niên vào chiều chủ nhật 27.3.
2 yếu tố để chọn ngành phù hợp
Vấn đề mà Võ Ngọc Châu (Q.3, TP.HCM) đặt ra với các chuyên gia tại chương trình cũng là tâm tư của rất nhiều học sinh (HS) lớp 12 hiện nay: “Em không thích ngành nào rõ ràng nên em chọn học kinh tế theo mong muốn của gia đình. Em thấy nhiều bạn cũng vậy, cũng không biết thích ngành gì nên chọn theo ba mẹ, theo bạn bè. Em không biết như thế có đúng không, vì có người nói nhiều khi học vậy nhưng ra trường đâu chắc sẽ làm đúng ngành. Bằng đại học cũng như là tấm thẻ xanh để mình bước vào đời”.
Các chuyên gia tư vấn của chương trình THANH HẢI |
Giải đáp những băn khoăn này, tiến sĩ Võ Sáng Xuân Lan, Trưởng khoa Ngôn ngữ văn hóa du lịch Trường ĐH Thái Bình Dương, khuyên điều trước tiên HS cần suy nghĩ là mình thích cái gì, sở trường của mình là gì, ngành mình đang hướng đến có những tổ hợp mà khi học ở phổ thông mình có thế mạnh hay không?
Tiến sĩ Xuân Lan đặc biệt nhấn mạnh: “TS cũng nên đặt thêm một câu hỏi là học xong mình định ra trường làm cái gì, chọn nghề gì? Vì học để ra trường đi làm chứ không phải chỉ là thẻ xanh để bước vào đời. Không những thế, thị trường lao động hiện nay rất phong phú và thay đổi thường xuyên nên chúng ta phải nắm bắt xu hướng, tức là nắm bắt xem nhu cầu của thị trường lao động hiện nay ra sao và sau 3 – 4 năm nữa, khi ra trường sẽ thế nào”.
Theo thạc sĩ Trần Văn Trắng, Phó phòng tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, có 2 yếu tố mà TS có thể căn cứ để lựa chọn ngành nghề. Đầu tiên là yếu tố cá nhân. Thạc sĩ Trắng cho rằng mỗi HS nên phân biệt được sở thích và đam mê khi chọn ngành, chọn nghề. Bên cạnh đó, phải tìm hiểu rõ về ngành chứ không chỉ nhìn vào bề nổi. “Có thể bề nổi nhìn hoành tráng nhưng những áp lực của ngành đó thì các bạn không thấy được, nên cần tìm hiểu tổng quan về các ngành trước khi lựa chọn”, thạc sĩ Trắng gửi gắm.
Quy chế cho phép thí sinh được học cùng lúc 2 ngành, với điều kiện là sau học kỳ thứ nhất điểm trung bình chung tích lũy phải đạt tối thiểu 2.0 trở lên. Có những trường chỉ cho được học song ngành sau 1 năm, vì học một ngành đã vất vả, học thêm một ngành nữa càng vất vả hơn nếu không có sự chuẩn bị và nỗ lực của các bạn
Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường đại học Duy Tân
Yếu tố thứ 2 mà thạc sĩ Trắng lưu ý với TS là yếu tố cộng đồng. Bởi khi chọn ngành hay có tình trạng chọn theo hiệu ứng đám đông. Nhưng ngành đó có thể phù hợp với người khác trong khi chưa chắc đã hợp với mình.
Hơn 20 năm làm trong ngành giáo dục, tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, nhắn gửi đến các TS: “Chọn một ngành thì phải yêu thích, phải đam mê, nhưng điểm quan trọng nhất vẫn là phù hợp với năng lực bản thân, nếu không sẽ thất bại, sẽ lãng phí tuổi thanh xuân, tiền bạc, công sức… Đừng vì đi theo một xu hướng nào đấy mà không đánh giá kỹ về năng lực của bản thân khi chọn ngành”.
Còn nhiều cơ hội cho thí sinh chọn sai ngành ?
Cho HS đến trường để trải nghiệm về ngành học trước khi bắt đầu lựa chọn ngành nghề là cách mà tiến sĩ Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, cho biết nhiều năm qua trường đã làm để hạn chế việc TS chọn nhầm ngành chưa phù hợp.
Chọn ngành, chọn trường học là vấn đề quan trọng của mỗi học sinh khi chuẩn bị bước vào đời ĐÀO NGỌC THẠCH |
“Các em HS nên đến các trường để tham gia một ngày làm sinh viên của ngành mình yêu thích để xem ngành đó có phù hợp hay không trước khi quyết định lựa chọn”, tiến sĩ Tuấn khuyên.
Một thắc mắc nữa HS quan tâm đặt ra cho các chuyên gia là có thể học song ngành hay chọn một ngành khác khi biết mình không hợp với ngành đã chọn? Tiến sĩ Võ Thanh Hải thông tin: “Ở các trường ĐH về mặt quy chế cũng có tính nhân văn, khi các bạn chọn sai ngành thì vẫn cho phép một số trường hợp áp dụng “thẻ an toàn”, cho phép TS chuyển ngành học khi nhập trường hoặc học một năm thấy mình không phù hợp, với điều kiện chung là ngành chuyển sang có mức điểm trúng tuyển tương đương”.
Đối với những em muốn học cùng lúc 2 ngành thì đây là “thẻ an toàn” thứ 2 mà tiến sĩ Hải lưu ý với TS: “Quy chế cho phép thí sinh được học cùng lúc 2 ngành, với điều kiện là sau học kỳ thứ nhất, điểm trung bình chung tích lũy phải đạt tối thiểu 2.0 trở lên. Có những trường chỉ cho học song ngành sau 1 năm, vì học một ngành đã vất vả, học thêm một ngành nữa càng vất vả hơn nếu không có sự chuẩn bị và nỗ lực của các bạn”.
Tiến sĩ Võ Văn Tuấn thông tin thêm là vẫn còn nhiều cơ hội nếu chẳng may lựa chọn ngành chưa phù hợp: “Theo quy định chúng ta cũng có thể học 2 chương trình của 2 trường khác nhau. Tuy nhiên phải đảm bảo ngưỡng chất lượng đầu vào của cả 2 trường, phải nộp đầy đủ hồ sơ theo quy định. Tuy nhiên, vấn đề các bạn cần lưu ý là sẽ rất khó khăn về lịch học và các sinh hoạt khác…”.
Nhiều học bổng ấn tượng
Chính sách học bổng cũng là một yếu tố mà TS có thể cân nhắc thêm trước khi chọn ngành theo học.
Tiến sĩ Xuân Lan cho biết năm nay Trường ĐH Thái Bình Dương dành 400 suất học bổng cho TS, trong đó có học bổng hỗ trợ Covid-19. Theo đó, tất cả TS nộp hồ sơ hoặc trúng tuyển vào trường sẽ được hỗ trợ 25% học phí cho toàn khóa học.
Không giới hạn số lượng học bổng là điểm mới ấn tượng mà thạc sĩ Trần Văn Trắng thông tin: “Nhà trường năm nay chia chính sách học bổng theo nhóm ngành, chẳng hạn những bạn theo nhóm ngành khoa học máy tính, công nghệ thông tin thì nếu điểm thi tốt nghiệp cho tổ hợp môn xét tuyển là trên 25 điểm, hoặc điểm trung bình của 3 môn trong tổ hợp trên 25 phẩy và là học sinh giỏi năm lớp 12 thì sẽ được học bổng 4 năm học miễn phí. Hay TS có điểm thi đánh giá năng lực trên 950 điểm cũng nhận được chính sách học bổng tương đương…”.
Tiến sĩ Võ Thanh Hải cũng cho biết trường có rất nhiều chính sách học bổng, trong đó có chương trình học bổng miễn phí 4 năm học dành cho TS có điểm cao; kể cả những TS theo học chương trình được cấp bằng nước ngoài, với tổng giá trị gần 800 triệu đồng cho các ngành như quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin…
NỮ VƯƠNG
TNO