Giá thức ăn chăn nuôi tăng nóng, nông dân giảm đàn
Giá thức ăn chăn nuôi tăng nóng, nông dân giảm đàn
Giá nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi (TACN) tăng mạnh trong hơn một năm qua khiến nhiều ngành chăn nuôi thua lỗ nặng nề, người nông dân phải chấp nhận giảm đàn cắt lỗ.
Việc nhập khẩu tới 70% nhiều loại nguyên liệu sản xuất TACN càng làm cho ngành chăn nuôi rủi ro hơn khi giá nguyên liệu tăng kỷ lục bởi tác động của cuộc chiến Nga – Ukraine.
Càng nuôi càng lỗ
Sau khi bán đi nhiều lứa heo kể từ sau Tết đến nay, tổng đàn heo nhà ông Hồ Quốc Hải (huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) đã giảm còn một nửa so với trước. Nhưng ông Hải không có ý định tăng đàn bởi vì giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao, càng nuôi càng lỗ vốn.
Mới vài ngày trước, các đại lý cám thông báo tăng giá thêm 300 – 400 đồng/kg tùy loại như giọt nước tràn ly với người chăn nuôi, bởi chỉ riêng năm 2021 giá TACN đã tăng hơn chục lần.
Ông Hải phân tích giá cám heo thịt đang ở mức 14.000 đồng/kg (tăng 4.000 đồng/kg so với cuối năm 2020) khiến giá thành chăn nuôi hiện trên 56.000 đồng/kg tùy loại, trong khi giá heo xuất bán phần lớn chỉ 54.000 đồng/kg. “Với mức giá trên, tôi thua lỗ khoảng 6-10 triệu đồng cho 30 – 50 con heo xuất chuồng mỗi tháng”, ông Hải than thở.
Tương tự, với lượng heo thịt xuất chuồng có lúc cao điểm hơn 1.000 con/tháng, ông Thắng (huyện Định Quán, Đồng Nai) cho biết đang gặp áp lực rất lớn vì với giá thành và giá bán hiện nay thì chỉ có từ lỗ cho đến huề vốn.
“Thức ăn chiếm 70 – 80% trong tổng cơ cấu giá thành chăn nuôi. Do đó, nếu giá cám tiếp tục tăng và giá heo vẫn ở mức thấp thì nguy cơ người nuôi lỗ nặng”, ông Thắng lo lắng.
Người chăn nuôi gà cũng ở chung tình cảnh thua lỗ vì giá cám tăng quá cao trong gần hai năm qua. Ông Nguyễn Bình Phú (huyện Bù Đăng, Bình Phước) cho biết sau nhiều lần tăng giá, hiện giá cám gà công nghiệp mua vào ở mức 13.500 – 15.000 đồng/kg tùy loại.
Theo đó, giá thành chăn nuôi gà lên mức 26.000 – 28.000 đồng/kg. Dù giá gà xuất bán đã được tăng lên khoảng 30.000 đồng/kg nhưng tính ra hầu như không nhiều người nuôi có lời vì trước đó giá gà thường xuyên ở mức thấp, có thời điểm 15.000 – 20.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Kim Đoán – phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai – cho biết sau nhiều lần tăng, giá cám heo thịt đã tăng khoảng 5.000 đồng/kg so với đầu năm 2020. “Giá thành chăn nuôi heo lên đến 60.000 đồng/kg, trong đó chi phí cho thức ăn chiếm phần lớn. Người chăn nuôi đang rất rủi ro”, ông Đoán tính toán.
Tương tự, đại diện Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ cho biết việc giảm đàn đã diễn ra từ năm ngoái do ảnh hưởng dịch COVID-19 và càng phổ biến hơn vì giá TACN tăng, đặc biệt với những hộ chăn nuôi có quy mô nhỏ lẻ.
Tận dụng nguyên liệu trong nước
Theo các đầu mối nhập khẩu nguyên liệu TACN, giá đậu nành, bắp, khô dầu đậu nành… tăng chóng mặt trong thời gian qua khiến các nhà máy sản xuất TACN liên tục tăng giá bán.
Hiện giá bắp nhập khẩu đang ở mức 9.700 – 9.800 đồng/kg, giá đậu nành khô ở mức 17.000 – 18.000 đồng/kg, đều tăng hơn 100% so với đầu năm 2020. Đây là hai nguyên liệu chính cho chế biến TACN và Việt Nam chủ yếu phải nhập khẩu.
Đại diện một đầu mối nhập khẩu tại Đồng Nai cho biết do giá thế giới tăng liên tục nên các nhà nhập khẩu chỉ dám báo giá có hiệu lực trong một vài ngày chứ không thể để thời gian dài như trước.
“Tốc độ tăng giá cám thành phẩm tính ra còn chậm so với mức tăng giá của nguyên liệu, bởi các công ty có nguồn dự trữ và không thể tăng quá nhanh vì nông dân sẽ sốc và nghỉ chăn nuôi hàng loạt”, vị đại diện này cho biết.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết giá TACN tăng cao, đặc biệt trong năm 2021 và đầu năm 2022.
Trước đây, giá ngô (bắp) chỉ khoảng 4.700 đồng/kg thì đến nay đã tăng lên khoảng 10.000 đồng/kg, khô đậu nành chỉ hơn 8.000 đồng/kg đến giờ đã tăng lên 16.300 đồng/kg, kéo theo đó, giá TACN hỗn hợp đã tăng 25 – 40%. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến phát triển ngành chăn nuôi.
Theo ông Tiến, giá thức ăn chiếm tới 65 – 70% giá thành trong chăn nuôi. Do đó, trong bối cảnh giá nguyên liệu nhập khẩu tăng cao thì việc dùng TACN từ nguyên liệu trong nước sẽ là giải pháp giúp hạ giá thành sản phẩm.
“Trong đề án phát triển công nghiệp chế biến thức ăn đang được Bộ xây dựng sẽ hướng tới tăng sử dụng nguyên liệu ở địa phương, đồng thời chuyển một số diện tích đất trồng trọt không hiệu quả sang trồng nguyên liệu TACN”, ông Tiến cho biết.
Mới đây, Viện Chăn nuôi cùng các đơn vị đã nghiên cứu thành công các công thức TACN từ nguyên liệu trong nước. Với cách làm này, giá TACN giảm 300 – 1.000 đồng/kg.
“Bộ cũng đã yêu cầu Cục Chăn nuôi và các địa phương cần nhân rộng hơn nữa các công thức xây dựng khẩu phần ăn từ nguyên liệu trong nước trong thời gian tới để gỡ khó cho người chăn nuôi vượt qua giai đoạn giá nguyên liệu nhập khẩu vẫn có xu hướng tăng cao” – ông Tiến nói.
Nhập khẩu TACN còn tăng
Theo Hiệp hội TACN Việt Nam, quy mô ngành chăn nuôi Việt Nam nằm trong nhóm dẫn đầu Đông Nam Á và đóng góp 25,2% GDP ngành nông nghiệp.
Năm 2021, Việt Nam chi gần 5 tỉ USD nhập khẩu TACN và nguyên liệu. Hiện Việt Nam là nhà nhập khẩu bắp lớn nhất ở Đông Nam Á. Nhu cầu nhập khẩu bắp và phụ phẩm ngũ cốc làm TACN của Việt Nam tiếp tục tăng cao, ở mức gấp ba lần trong vòng 10 năm tới.
Trong khi đó, quỹ đất trong nước có giới hạn. So với trái cây và cây công nghiệp thì trồng bắp và đậu nành của Việt Nam không thể cạnh tranh. Chưa kể giá thành sản xuất các nguyên liệu này của Việt Nam cao hơn hàng nhập khẩu từ châu Mỹ, Úc, Ấn Độ…