24/12/2024

Đại diện EU: Thoả thuận hạt nhân với Iran đã ‘rất gần’

Đại diện EU: Thoả thuận hạt nhân với Iran đã ‘rất gần’

Nhà ngoại giao hàng đầu Liên minh châu Âu Josep Borrell cho biết Iran và các cường quốc trên thế giới đã đến “rất gần” với một thoà thuận giúp khôi phục lại thoả thuận hạt nhân năm 2015.

 

Đại diện EU: Thỏa thuận hạt nhân với Iran đã rất gần - Ảnh 1.

Quốc kỳ Iran phía trước trụ sở Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) ở Vienna, Áo hôm 1-3 – Ảnh: REUTERS

“Bây giờ chúng tôi đang tiến rất gần đến một thỏa thuận mới và tôi hy vọng nó sẽ thực hiện được” – đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), ông Josep Borrell, phát biểu tại Diễn đàn Doha ở Qatar vào ngày 26-3.

Nhận định trên được đưa ra trong bối cảnh gần đây có nhiều động thái thúc đẩy hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015. Nhiều cuộc đàm phán đang diễn ra để khôi phục thỏa thuận này.

Theo Hãng tin Reuters, dự kiến điều phối viên của EU về các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran, ông Enrique Mora, tới Tehran trong ngày 26-3 để gặp trưởng đoàn đàm phán của Iran.

Thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 có tên gọi đầy đủ là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). JCPOA được ký năm 2015 giữa Iran và nhóm nước P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức). Theo thỏa thuận, Tehran cam kết từ bỏ tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân và đổi lại họ sẽ được dỡ bỏ biện pháp trừng phạt kinh tế.

JCPOA đã đứng bên bờ vực đổ vỡ sau khi cựu tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận này vào tháng 5-2018 và tái áp đặt các lệnh trừng phạt lên Iran. Điều này khiến Iran từ bỏ một số cam kết trong thỏa thuận trên và thúc đẩy các chương trình hạt nhân đã tạm dừng trước đó.

Kể từ tháng 4-2021, đã có 8 vòng đàm phán được tổ chức tại Vienna (Áo) giữa Iran và các bên còn lại (Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức, còn Mỹ tham gia gián tiếp) nhằm cứu vãn thỏa thuận.

Theo trang Politico, một thỏa thuận mới thành công cũng sẽ đưa dầu thô của Iran trở lại thị trường năng lượng toàn cầu trong những tháng tới, giúp đối phó tình trạng bất ổn của thị trường và giá tăng đột biến sau khi phương Tây áp các biện pháp trừng phạt Nga vì chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Tuy nhiên, các quan chức Mỹ tỏ ra thận trọng trong việc đánh giá những nỗ lực nhằm khôi phục JCPOA. Hiện tại có một số vấn đề khó khăn đang chờ xử lý, trong đó có việc Iran muốn Mỹ gỡ mác “tổ chức khủng bố nước ngoài” với Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).

BÌNH AN
TTO