24/01/2025

Than đòi tăng giá, phập phồng lo điện

Than đòi tăng giá, phập phồng lo điện

Giá than thế giới tăng, ngành than đòi tăng giá bán than cho các nhà máy sản xuất nhiệt điện để bảo đảm kế hoạch lợi nhuận khiến nhiều người phập phồng lo giá điện tăng.

 

 

Điều hành bị động

Theo Tập đoàn công nghiệp than – khoáng sản VN (TKV), giá than thế giới tăng đột biến, tập đoàn đã triển khai mở 4 gói thầu quốc tế mua than nhập khẩu để pha trộn trong quý 2 năm nay, song do giá thế giới tăng vượt giá đề xuất, cộng thêm ảnh hưởng căng thẳng giữa Nga và Ukraine làm khan hiếm nguồn cung dẫn tới khả năng không có đơn vị trúng thầu. Bên cạnh đó, đề xuất cơ chế giá than pha trộn của TKV kê khai theo luật Giá lại bị Tập đoàn điện lực VN (EVN) phê duyệt chậm đến đầu tháng 3 khiến công ty phải “lùi và bỏ lỡ nhiều cơ hội nhập khẩu đủ than về pha trộn theo kế hoạch”. TKV cho biết giá than bán cho ngành điện đã không tăng từ 2 năm qua, nay giá than thế giới cao gấp 2 lần so cùng kỳ năm ngoái… Theo tính toán của TKV, nếu giá dầu ở mức 120 USD/thùng, lợi nhuận của doanh nghiệp (DN) giảm còn 1.264 tỉ đồng và riêng sản xuất than lỗ 1.386 tỉ đồng.

Than đòi tăng giá, phập phồng lo điện - ảnh 1
Năm 2021, điện than chiếm hơn 46% tổng sản lượng điện sản xuất  LÃ NGHĨA HIẾU

Thế nên, để đảm bảo cấp đầy đủ, ổn định than cho các nhà máy điện, TKV đề nghị Bộ Công thương báo cáo Chính phủ xem xét điều chỉnh giá bán than trong nước. Nhất là giá bán cho các nhà máy điện nhằm đảm bảo hiệu quả kế hoạch lợi nhuận, tránh mất cân đối tài chính. Kế hoạch được phê duyệt, năm 2022, TKV sẽ cung cấp 43 triệu tấn, trong đó than xuất khẩu 1,8 triệu tấn, than bán trong nước 41,2 triệu tấn (than bán cho các DN sản xuất điện là 35 triệu tấn). Để có được sản lượng này thì than nguyên khai sản xuất khoảng 39,1 triệu tấn và nhập khẩu thêm gần 4,76 triệu tấn. Trong khi đó, lượng nhập khẩu than trong 3 tháng đầu năm mới đạt gần 7% kế hoạch, TKV cho biết sẽ điều hành tăng sản lượng than nguyên khai khai thác lên mức tối đa. Tuy vậy, tập đoàn này cũng cảnh báo, nếu không có than nhập khẩu hoặc than nhập về chậm, khó có khả năng cung cấp được 35 triệu tấn than cho các nhà máy điện. Năm 2021, khối lượng than TKV cấp cho các nhà máy điện của EVN gần 16,2 triệu tấn, năm 2022 dự kiến hơn 18 triệu tấn.

Phần lợi thì không thấy “anh” báo cáo, chỉ thấy nói phần khó, phần khổ rồi đòi hỏi nâng giá bán. Trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao, hàng hóa leo thang, áp lực lạm phát rất lớn như hiện nay, các DN ngành hàng có tác động chi phối lớn như than, dầu… cần tính toán trên hiệu quả chung, cân đối thu chi giữa nhập khẩu và xuất khẩu để ổn định giá thành

GS-TS Ngô Trí Long

Từ giữa tháng 3, một số nhà máy nhiệt điện phản ánh bị thiếu 30% nguồn than theo hợp đồng từ TKV và Tổng công ty Đông Bắc. Bộ Công thương ngày 17.3 đã có chỉ đạo khẩn yêu cầu 2 DN này trong bất kỳ trường hợp nào, không để thiếu than cho sản xuất điện theo hợp đồng đã ký, tránh để xảy ra tình trạng phía VN phải bồi thường do ngừng máy vì thiếu nhiên liệu.

Trước đề xuất tăng giá bán than của TKV, các chuyên gia đều có chung nhận định, nếu việc tăng giá bán than để sản xuất điện được thông qua, giá thành điện sẽ đội lên.

TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR, Đại học Quốc gia Hà Nội), nói về logic thì khi giá đầu vào tăng, giá thành phẩm sẽ tăng. Vấn đề ở đây là cơ chế “fix” giá bán than từ DN nhà nước dẫn đến lệch pha trên giá thực tế và giá thị trường quốc tế. Cứ cho như dịch bệnh Covid-19 hay xung đột Nga và Ukraine là những lý do bất khả kháng khiến giá nguyên nhiên liệu thế giới bị ảnh hưởng, nên điều hành giá gặp bị động, buộc phải tăng giá bán trong tình thế dầu sôi lửa bỏng. Thế nhưng, vấn đề là không có dịch bệnh, chiến tranh… xảy ra thì cũng có sự cố nào đó bất chợt khiến giá nhiên liệu thế giới bị ảnh hưởng. “Với vai trò quan trọng liên quan an ninh năng lượng quốc gia, các ngành này phải có sự nhạy bén và chiến lược dài hơi hơn. Trong báo cáo của TKV, có một lý do DN này giải thích cho nguy cơ không cung cấp đủ than vì… EVN không chịu chấp nhận giá than pha trộn sớm, khiến họ không nhập khẩu kịp. Chứng tỏ ngành than hay ngành điện đều rất bị động. Nếu không lột bỏ được tâm thế bị động, điều hành về giá trong những ngành hàng đặc biệt này sẽ tiếp tục gặp sự cố trong nhiều năm nữa, không chỉ có năm nay. Theo đó, năm nào Bộ Công thương – ở vị trí như “phụ huynh” của ngành than, điện, xăng dầu… đều phải triệu tập cuộc họp và chỉ đạo dài dài”, vị này nhấn mạnh.

 

Sao chỉ “than” nhập khẩu?

Liên quan nguồn than cung cấp cho nhà máy nhiệt điện, TS Nguyễn Quốc Việt lưu ý, từ năm 2017, Chính phủ đã từng “bật đèn xanh” cho EVN xem xét các đơn vị có đủ năng lực tham gia cung ứng than cho các nhà máy nhiệt điện, không phụ thuộc chỉ vào mỗi TKV để rồi ngay cả các “đại gia” như EVN hay Tập đoàn dầu khí VN (PVN) cũng phải nhiều lần “cầu cạnh” TKV trong việc mua than. “Chỉ đạo của Chính phủ nhằm mục đích hạn chế phụ thuộc nguồn cung than độc quyền mà có nhiều thời điểm xuất hiện 2 giá. Ngay tại nhà máy, giá than nhập khẩu và giá than sản xuất chênh nhau đến 5 USD/tấn. Thế nhưng, không biết chỉ đạo trên đã được triển khai thế nào mà nay các nhà máy nhiệt điện của EVN vẫn tiếp tục phụ thuộc nguồn than từ TKV để xảy ra tình trạng bị thiếu nguồn cung, đề nghị tăng giá…”.

GS-TS Ngô Trí Long cho rằng cần phải có tính toán kỹ lưỡng để cân bằng lợi ích chung của nền kinh tế. VN không chỉ nhập mà còn xuất khẩu than rất nhiều. Than của VN sản xuất được là than atraxit có nhiệt trị rất cao. Nước ngoài nhập về họ cũng không dùng để đốt trong nhà máy nhiệt điện mà để hóa gang thép hoặc sử dụng trong các hoạt động công nghiệp buộc phải dùng than có chất lượng cao. Do đó, giá thành xuất khẩu than của VN cũng cao, đạt lợi ích lớn về kinh tế. Trong khi đó, các nhà máy điện của VN chỉ đốt được các loại than xấu, có chất lượng thấp nên nhập loại than này về sử dụng sẽ hiệu quả hơn. Tuy vậy, trong báo cáo mới của TKV chỉ “than” về mặt nhập khẩu, khan hiếm hàng, giá cao và lấy đó là lý do để yêu cầu tăng giá. Mặt khác, thời gian qua giá nhiên liệu thế giới tăng ngất ngưởng, giá than cũng liên tục đạt các mốc kỷ lục, đồng nghĩa với nguồn lợi thu về từ xuất khẩu than của VN cũng tăng theo. “Phần lợi thì không thấy “anh” báo cáo, chỉ thấy nói phần khó, phần khổ rồi đòi hỏi nâng giá bán.

Trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao, hàng hóa leo thang, áp lực lạm phát rất lớn như hiện nay, các DN ngành hàng có tác động chi phối lớn như than, dầu… cần tính toán trên hiệu quả chung, cân đối thu chi giữa nhập khẩu và xuất khẩu để ổn định giá thành. Người tiêu dùng thì chật vật trong cơn bão giá, DN kinh doanh sản xuất thì ngành nào cũng muốn nâng trần giá. Tâm lý tát nước theo mưa, chỉ biết mặt lợi của DN mình sẽ đè thêm gánh nặng rất lớn cho nền kinh tế”, ông Long nói thẳng.

NGUYÊN NGA – HÀ MAI

TNO