Tăng giờ làm thêm: cần, đừng lạm dụng
Tăng giờ làm thêm: cần, đừng lạm dụng
Theo nghị quyết được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua, số giờ làm thêm của người lao động trong 1 tháng được nâng lên trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ. Điều này được cho rằng lợi cả đôi bên, nhưng việc tăng giờ làm thêm cần tránh lạm dụng.
Theo nghị quyết trên, trường hợp người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm trên 200 giờ nhưng không quá 300 giờ trong 1 năm.
Có làm thêm mới trụ nổi
Trò chuyện với Tuổi Trẻ, phần đông người lao động đồng tình với việc tăng giờ làm thêm. Chị Phạm Thị Hậu, công nhân may quận 12 (TP.HCM), cho biết từ dịch COVID-19 đến nay giá cả liên tục tăng, sau đợt tăng giá xăng dầu thì chi phí sinh hoạt cũng ngày một đắt đỏ hơn.
“Nghỉ dịch cả năm rồi, giờ cũng muốn lo làm để có thêm thu nhập. Giá cả tăng cao, tiền nhà cũng tăng, không tăng ca không trang trải nổi chi phí. Nghe phong thanh là chỉ tăng tạm thời nên công nhân chúng tôi cũng đồng tình”, chị Hậu chia sẻ. Hiện tại lương chính của công nhân công ty chị là 8 – 10 triệu đồng/tháng, nếu tăng ca có thể đạt 10 – 12 triệu/tháng.
Chị Nguyễn Thị Kim Xuân – một tổ trưởng chuyền may – cho biết từ sau Tết đơn hàng nhiều nên công ty đang cho công nhân tăng ca vào các ngày thứ hai – tư – sáu trong tuần.
“Việc tăng ca được khuyến khích, không phải bắt buộc. Công ty không trừ các khoản tiền như tiền chuyên cần để ép buộc công nhân tăng ca. Trường hợp công nhân sức khỏe không tốt, có việc đột xuất thì công ty cũng không ép buộc”, chị cho biết.
Chị Y Ngoan – công nhân may tại Khu công nghiệp Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh, TP.HCM) – cho biết hiện tại thu nhập từ tăng ca khoảng 3 – 4 triệu đồng. “Sau dịch, ai cũng muốn tăng ca để có thêm thu nhập. Giá cả lại tăng nên phải làm thêm mới đủ sống”, chị nói thêm.
Ông Lưu Kim Hồng – chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Nidec Việt Nam, Khu công nghệ cao TP.HCM – cho biết hiện nay việc tuyển dụng tương đối khó khăn nên việc tăng giờ làm thêm ở thời điểm này là cần thiết.
“Hiện tại công nhân tăng ca ở công ty được phục vụ miễn phí ba bữa. Nhu cầu làm thêm của mỗi người là khác nhau, nhưng sau một năm dịch giã kéo dài, phần đông người lao động đều muốn tăng ca để bù đắp.
Nếu không tăng ca thì họ cũng làm thêm công việc khác ngoài giờ, chạy xe ôm, bán hàng… Đây lại là thời điểm khó tuyển dụng lao động nên đề xuất sẽ có lợi cho cả đôi bên”, ông Hồng chia sẻ.
Biện pháp tình thế
Ông Nguyễn Văn Bé – chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp (DN) khu công nghiệp TP.HCM (HBA) – cho biết hiện nay đơn hàng của các DN đang tăng lên. Trong khi đó, tình hình tuyển dụng lao động khó khăn, lao động là F0, F1 lại nhiều nên việc tăng giờ làm là mong muốn của đa số DN.
“Chưa có thống kê chính xác về mức độ thiếu hụt lao động, nhưng có những DN có 1.000 lao động trước dịch thì hiện tại chỉ có khoảng 500. Do đó, những biện pháp tình thế để đáp ứng nhu cầu sản xuất là rất cần thiết”, ông nói.
Theo ông Bé, do tác động từ tình hình giá xăng dầu tăng, lương tối thiểu không điều chỉnh do ảnh hưởng của dịch bệnh thì việc tăng giờ làm thêm cũng là nhu cầu của nhiều người lao động.
Ông Bé cho rằng hiện nay ở nhiều DN, với sự hỗ trợ máy móc, việc tăng ca cũng không bào mòn sức lao động quá nhiều như trước. Theo ông, việc tăng giờ làm thêm chỉ là biện pháp trước mắt, còn về lâu dài DN cần tuyển đủ lao động và đầu tư trang thiết bị máy móc, cải thiện hệ thống quản lý để tăng năng suất lao động.
Ông Nguyễn Thành Đô – trưởng ban chính sách pháp luật Liên đoàn Lao động TP.HCM – cho rằng chỉ nên xem tăng giờ làm thêm là biện pháp tình thế, nếu kéo dài sẽ bào mòn sức khỏe của người lao động. Đồng thời cần có những chính sách kèm theo về bữa ăn giữa ca, hỗ trợ thực phẩm thiết yếu với giá ưu đãi cho người lao động để hỗ trợ tái tạo sức lao động.
“Khi tăng giờ làm thêm, DN không phải tuyển mới lao động nghĩa là cũng giảm chi phí đóng BHXH và các trợ cấp cho người lao động. Do đó cũng cần phải xem xét tính tiền tăng ca phù hợp cho người lao động. Tăng ca đánh đổi sức khỏe nhưng cách tính lương vẫn như cũ sẽ thiệt thòi cho người lao động”, ông Đô nói.
Tăng giờ làm thêm phải được người lao động đồng ý
Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa thông nghị quyết về tăng giờ làm thêm sẽ giúp hàng triệu lao động tăng thêm thu nhập nhưng đồng nghĩa với nguy cơ bị DN lợi dụng để tăng ca, cắt giảm lao động và trả lương không tương xứng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Đình Quảng – phó trưởng ban chính sách pháp luật Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam – cho biết việc cần làm ngay là cơ quan chức năng phải tuyên truyền để người lao động và DN hiểu đúng, hiểu đủ về tăng giờ làm thêm.
Cụ thể, người lao động và DN sẽ thỏa thuận để làm việc trong giới hạn cho phép chứ không có nghĩa tăng trần từ 40 giờ lên không quá 60 giờ là phải làm đủ 60 giờ.
“Làm thêm giờ phải được sự đồng thuận của người lao động, nếu không thì sẽ là lao động cưỡng bức. Nếu người lao động vì sức khỏe, như mắc COVID-19, không thể làm thêm giờ mà người sử dụng lao động áp dụng các quy định chế tài là vi phạm pháp luật”, ông Quảng nêu rõ.
Theo ông Quảng, DN vi phạm quy định làm thêm giờ có thể bị phạt hành chính từ 5 – 50 triệu đồng.
Ông Quảng khuyến cáo DN cần cải tiến công nghệ, tối ưu hóa hệ thống quản lý, áp dụng thiết bị hiện đại nhằm nâng cao năng suất lao động thay vì “chăm chăm” tăng giờ làm thêm.
“Tổ chức công đoàn gần gũi với công nhân lao động nhất nên cần tăng cường thương lượng với DN để có những thỏa thuận có lợi hơn cho người lao động về điều kiện làm việc, thu nhập, chăm lo sức khỏe, phúc lợi khác”, ông Quảng gợi ý.
Trong khi đó, TS Đào Quang Vinh – nguyên viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội – cho hay người lao động cần lưu ý bảo vệ quyền lợi khi bị người sử dụng lao động lợi dụng tăng ca, trả lương không tương xứng.
Bộ luật lao động 2019 quy định rõ mức lương làm thêm giờ cụ thể vào ngày thường, ban đêm, ngày nghỉ cuối tuần, ngày lễ, Tết nên người lao động cần tìm hiểu rõ để đảm bảo quyền lợi chính đáng. Chẳng hạn, người lao động làm thêm giờ vào ngày thường được trả lương ít nhất bằng 150% lương thực trả cho công việc đó.
Người lao động cần tìm hiểu kỹ thỏa ước lao động tập thể với DN về thời gian làm việc, tiền lương, phúc lợi khác ngay từ khi ký kết hợp đồng.