24/01/2025

Bộ ba liên thủ

Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi, Thủ tướng Israel Naftali Bennett và Nhà lãnh đạo UAE Sheikh Mohammed bin Zayed al-Nahyan vừa có cuộc gặp ở Ai Cập.

 

 

Cuộc gặp được nhìn nhận chung là bước đi của bộ ba này nhằm tập hợp thành một liên minh quyền lực, ảnh hưởng ở khu vực Trung Đông và vùng Vịnh. Israel và UAE mới bình thường hóa quan hệ ngoại giao với nhau hồi năm ngoái.

Bộ ba liên thủ - ảnh 1
Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi (giữa), Thủ tướng Israel Naftali Bennett (trái) và Nhà lãnh đạo UAE Sheikh Mohammed bin Zayed al-Nahyan trong cuộc gặp ở Ai Cập.

REUTERS

Họ liên thủ với nhau bởi cùng chịu áp lực của thời thế. Cụ thể, chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden chủ trương tham gia trở lại thỏa thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran (JCPOA), tức là không đối địch Iran quyết liệt như trước. Cả Iran lẫn Syria đều dần bình thường hóa quan hệ với nhiều nước trong khu vực. Washington dưới thời ông Biden dành ưu tiên chính sách đối ngoại và an ninh cho khu vực khác chứ không phải Trung Đông và vùng Vịnh. Chiến sự ở Ukraine cùng với những hệ lụy liên quan trực tiếp quan hệ giữa Nga với phương Tây, tác động trực tiếp đến khu vực của UAE, Israel và Ai Cập, khiến vấn đề đảm bảo an ninh lương thực do gián đoạn nguồn cung ứng từ Nga, đồng thời xuất khẩu dầu khí cũng trở thành vấn đề nóng.

Trong bối cảnh tình hình như thế, bộ ba trên gấp rút liên kết để hợp lực trở thành tác nhân quyền lực mới, hỗ trợ lẫn nhau ứng phó khó khăn và thách thức mới, để đối phó Iran và để tận lợi từ việc vì cuộc khủng hoảng chính trị an ninh ở châu Âu mà khu vực Trung Đông và vùng Vịnh lại được bên ngoài coi trọng. Hơn nữa, trước họ đã có bộ ba, bộ tứ tương tự trên những phương diện khác nhau và tới đây, cách thức tập hợp lực lượng như thế còn tiếp tục.

PHẠM LỮ

TNO