24/11/2024

Doanh nghiệp Nhà nước làm ăn lãi hơn… gửi tiết kiệm

Doanh nghiệp Nhà nước làm ăn lãi hơn… gửi tiết kiệm

Theo Bộ trưởng KH-ĐT, tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu bình quân cả giai đoạn 2016 – 2020 của các doanh nghiệp Nhà nước là 10,46%, cao hơn mức lãi suất ngân hàng trong cùng giai đoạn.

 

 

 

Thông tin trên được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại hội nghị Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) tổ chức ngày 24.3 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Cụ thể, theo Bộ trưởng KH-ĐT, DNNN đang nắm giữ nguồn lực lớn về vốn, tài sản, công nghệ, nhân lực chất lượng cao; có doanh thu và đóng góp đáng kể vào thu ngân sách nhà nước.

Doanh nghiệp Nhà nước làm ăn lãi hơn… gửi tiết kiệm - ảnh 1
PVN đang ăn nên làm ra nhờ giá dầu cao   NGỌC THẮNG

Theo đó, chỉ riêng các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đang nắm giữ khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu của toàn bộ doanh nghiệp trên thị trường.

“Theo tính toán sơ bộ, tổng tài sản của khối DNNN theo giá trị sổ sách năm 2021 khoảng 4 triệu tỉ đồng; quy mô tài sản bình quân của 1 DNNN khoảng 4.100 tỉ đồng, cao gấp 10 lần doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và gấp 109 lần doanh nghiệp tư nhân trong nước”, ông Dũng nói.

Về hiệu quả sản xuất kinh doanh, theo ông Dũng, tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu bình quân cả giai đoạn 2016 – 2020 là 10,46%, cao hơn mức lãi suất ngân hàng trong cùng giai đoạn. Trong khi đó, tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên tổng tài sản bình quân là 4,87%, cao hơn khối doanh nghiệp tư nhân trong nước là 1,26%.

Doanh nghiệp Nhà nước làm ăn lãi hơn… gửi tiết kiệm - ảnh 2
Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng  NHẬT BẮC

Bên cạnh đó, DNNN đóng vai trò chi phối trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng như: dầu khí, điện lực, tài chính, ngân hàng, viễn thông, hạ tầng giao thông và sản xuất, cung ứng một số nguyên vật liệu đầu vào cơ bản cho nền nền kinh tế… “Hiện nay, có tới 96% khách hàng sử dụng mạng điện thoại di động là của Viettel, VNPT và Mobifone. Các ngân hàng thương mại nhà nước như BIDV, Vietcombank, Viettinbank… chiếm hơn 50% tổng dư nợ cho vay của toàn ngành”, ông Dũng thông tin.

 

Chỉ tiêu chưa chú trọng về “chất”

Tuy đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng Bộ trưởng KH-ĐT cho hay “kết quả hoạt động và đóng góp của khối DNNN trong thời gian qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của mình”, nhất là nguồn lực đang nắm giữ và thị trường đang chi phối.

Thể hiện ở một số điểm nổi bật sau đây:

Một là, các tập đoàn, tổng công ty về cơ bản chưa thực hiện được vai trò dẫn dắt, tạo động lực đối với nền kinh tế. Thực tế cho thấy trong những năm gần đây, DNNN tuy nắm giữ nguồn lực lớn của nền kinh tế, nhưng không có các dự án đầu tư phát triển quy mô đủ lớn tạo động lực bứt phá, sức lan tỏa, hỗ trợ nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và của khu vực doanh nghiệp Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực mới như sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghệ cao, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại hoá, tăng trưởng xanh, công nghiệp công nghệ 4.0…

Hai là, hiệu quả hoạt động của DNNN chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ. Khu vực DNNN tiếp tục có xu hướng giảm dần quy mô và tỷ lệ đóng góp ở tất cả các chỉ tiêu về hiệu quả trong giai đoạn 2016 – 2021. Các DNNN nhìn chung đang có chỉ số nợ cao nhất trong các loại hình doanh nghiệp; chỉ hoạt động hiệu quả ở rất ít ngành, lĩnh vực có lợi thế tự nhiên như khai thác khoáng sản, dầu khí hoặc viễn thông, tài chính-ngân hàng.

Ba là, năng lực cạnh tranh, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của các DNNN quy mô lớn vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước.

Đáng chú ý, hoạt động của DNNN nhìn chung còn thiên về “hướng nội”. Các chỉ tiêu, kế hoạch của DNNN còn thiên về lượng, chưa chú trọng đến chất. Công tác đổi mới quản trị doanh nghiệp triển khai chậm, chưa thực sự tiệm cận theo các nguyên tắc và thông lệ quốc tế tốt, phù hợp với kinh tế thị trường hiện đại. Chế độ đãi ngộ và xử lý trách nhiệm cơ bản vẫn áp dụng như đối với công chức, viên chức nhà nước, không tạo được động lực khuyến khích người lao động, nhất là cán bộ quản lý, dám chủ động, đổi mới sáng tạo và cống hiến hết mình trong quản lý, điều hành doanh nghiệp. Hoạt động nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo mới chỉ được quan tâm tại một số DNNN trong lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông, điện lực, dầu khí…

Cùng với đó, việc thực hiện các dự án đầu tư mới của DNNN trong thời gian qua không được thúc đẩy.

 

CHÍ HIẾU

TNO